"Khe cửa hẹp" và thách thức đối với các quốc gia!
(Baonghean.vn) - Những căng thẳng và xung đột đầu năm 2015 tiếp tục cho thấy trật tự quan hệ quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, nổi lên là mâu thuẫn quyền lợi chính trị giữa các nước lớn, biểu thị rõ nhất qua việc giải quyết vấn đề ngừng bắn ở Ukraina. Từ thỏa thuận Minsk I (19/9/2014) đến thỏa thuận Minsk II (12/2/2015), những nội dung nào sẽ được hiện thực hóa, điều đó vẫn được ngầm hiểu như là “chuyện riêng” giữa Nga và Mỹ. Lúc này, việc các bên ráo riết tập hợp lực lượng và biểu dương sức mạnh đang tạo ra không ít cơ hội và thách thức cho các quốc gia khác.
Lãnh đạo 4 nước Nga, Pháp, Đức, Ukraine tại Hội nghị hòa bình Minsk. Ảnh AP |
Ngày 17/2/2014, sau khi Tổng Thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố “bình thường hóa quan hệ”, một chương mới thực sự đã mở ra với sự đồng thuận cao của các đại biểu hai đảng Dân chủ và Cộng hòa để Quốc hội Mỹ tiến tới việc bỏ cấm vận đối với Cuba, là cơ sở để Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Điều đáng chú ý là quan hệ thù địch giữa Mỹ và Cuba chính là sản phẩm trực tiếp từ cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Nga (Liên Xô cũ) và Mỹ. Thời kỳ “chiến tranh lạnh” đó coi như chấm dứt bằng sự sụp đổ của nhà nước Cộng hòa Liên bang Xô viết (ngày 12/12/1991).
Sau 25 năm chấm dứt thời kỳ “chiến tranh lạnh” thứ nhất, đến nay, những dấu hiệu hình thành thời kỳ “chiến tranh lạnh” thứ hai đã bộc lộ khá rõ nét, thì quan hệ thù địch giữa Mỹ và Cuba lại được xóa bỏ. Điều này cũng phù hợp với Nghị quyết Đại hội lần thứ 6 cuả Đảng Cộng sản Cuba hồi đầu năm 2011, và cho thấy quyết tâm cập nhật mô hình kinh tế để đưa Cuba vượt qua giai đoạn khó khăn, tiến vào con đường phát triển bền vững và thịnh vượng đang dâng cao hơn bao giờ hết. Khép lại quá khứ để hướng tới tương lai là bài học lịch sử từ các nước có hoàn cảnh tương đồng, và cũng là con đường mà Cuba đang nổ lực thực hiện. Mỹ – đất nước cách Cuba 90 dặm nhưng có khoảng cách vô cùng lớn về kinh tế và chính trị, đã không bỏ qua cơ hội này để biến “một mối nguy hiểm bên cạnh” thành một đối tác có vị trí như một “tiền đồn”.
Những tin mới về sự tiến triển tốt đẹp trong mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba đang đem lại nhiều cảm hứng mới cho cộng đồng quốc tế và có thể coi là gam màu sáng trong bức tranh quan hệ quốc tế vốn đang nhuốm nhiều ảm đảm. Các nhà lãnh đạo Cuba đã không ít lần phát biểu rằng họ luôn coi Việt Nam là một hình mẫu để hướng tới, cả trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc cũng như thời kỳ đổi mới. Điều này cho thấy Cuba đã định hình rõ con đường và hình mẫu để thoát khỏi khó khăn và khủng hoảng, vấn đề chỉ còn là thời gian.
Song hành với những thông tin có tính đột phá trong quan hệ Mỹ và Cuba, thời gian gần đây thông tấn báo chí thế giới cũng xuất hiện các thông tin Nga và Bắc Triều Tiên đang có những bước đi dài trong việc thắt chặt quan hệ hợp tác. Trung tuần tháng 1/2015, các hãng tin quốc tế đều đưa tin “công dân số một” Bắc Triều Tiên Kim Jong Un có thể đã nhận lời mời đến tham dự một buổi lễ đánh dấu 70 năm Liên Xô chiến thắng Phát xít Đức trong cuộc Đại chiến Thế gới lần thứ nhất, được tổ chức vào ngày 9/5 tại Moscow.
Nếu điều này trở thành hiện thực, thì Nga sẽ là nơi ông Kim Jong Un thực hiện chuyến công du đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12/2011. Được biết, ông Kim đang có phản ứng tích cực trước lời mời của Tổng thống Nga Putin. Lúc này, giới phân tích cho rằng Nga đang muốn thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên và dĩ nhiên Bắc Triều Tiên sẽ là một trong những nơi mà họ muốn xây đường ống dẫn khí đi qua. Ngược lại, phía Bắc Triều Tiên cũng muốn nhân cơ hội này để gián tiếp níu kéo lại quan hệ với chính quyền Bắc Kinh. Dưới thời ông Tập Cận Bình nắm cương vị lãnh đạo, Trung Quốc đang thực hiện “lập trường cứng rắn” đối với Bắc Triều Tiên, điều này đang đẩy Bắc Triều Tiên gặp vô số những khó khăn.
Sẽ không có gì đáng nói khi quan hệ giữa Bắc Triều Tiên với Nga (và sau đó có thể là với Trung Quốc) đang được thắt chặt, nếu những ngày qua dư luận đang nóng lên bởi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un vừa chỉ huy cuộc tập trận và ra lệnh cho quân đội chuẩn bị tư thế sẵn sàng chiến đấu. Cuộc tập trận mà ông Kim Jong Un trực tiếp chỉ huy là cuộc tập trận bắn đạn thật và mô phỏng cuộc tấn công chiếm giữ một hòn đảo tiền tuyến ở biển Hoàng Hải. Còn lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu (ngày 23/2, tại cuộc họp Quân ủy Trung ương Triều Tiên mở rộng) được ban bố trong bối cảnh cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc tại bán đảo Triều Tiên sẽ diễn ra vào cuối tháng 2 cho đến tháng 4 năm nay.
Chuyện ông Kim Jong Un ban bố các lệnh “nóng” không còn là chuyện lạ. Nhưng trong bối cảnh ông Kim Jong Un có thể sắp thăm Nga, và gần đến mốc tròn một năm ông Putin tuyên bố Cremea chính thức thuộc Nga (ngày 18/3/2014), thì không một quốc gia liên quan nào có thể... chủ quan. Dù rằng, ngày 15/2 vừa qua truyền thông nhà nước Triều Tiên vừa công bố loạt ảnh ông Kim ngồi trong chuyên cơ để thị sát một dự án xây dựng không lồ, và ông Kim đang vô cùng phấn chấn với dự định biến Bình Nhưỡng trở thành “một thành phố đẳng cấp thế giới mà cả thế giới phải ghen tị” thì người ta vẫn chưa thể an tâm rằng ông này đang bị “hút” vào lĩnh vực khoa học công nghệ.
Thực tế cho thấy quan hệ giữa các nước lớn thường chi phối, tác động quan trọng tới việc hình thành các mối quan hệ quốc tế, kéo theo đó là sự mở ra hoặc khép lại cánh cửa phát triển cho các quốc gia khác. Lúc này, điều mà người ta nghĩ đến, đó là nếu các quốc gia vừa và nhỏ thực sự cầu thị và mềm dẻo trong các mối quan hệ để “lách qua khe cửa hẹp” thì cơ hội phát triển luôn rộng mở. Ngược lại, nếu thực thi các chính sách cứng rắn, luôn đặt đất nước trong bối cảnh sắp sửa có chiến tranh hoặc hoàn toàn có thể cuốn vào các cuộc chiến tranh vì sự tác động của các nước lớn, thì chẳng những cánh cửa phát triển khó mở ra với chính họ, mà hòa bình thế giới vì thế cũng luôn bị đe dọa.
Chí Linh Sơn