Khen, chê cũng phải đúng, phải rõ ràng
(Baonghean.vn) - Cán bộ, đảng viên, nhân dân ta ai cũng mong muốn, cũng đòi hỏi cán bộ dù to hay nhỏ đều phải trong sạch, vì nước, vì dân. Vậy thì cũng phải phân biệt cán bộ thế nào là tốt, cán bộ thế nào là không tốt để khen chê cho đúng, cho rõ ràng.
Có lẽ người dân ở địa phương nào cũng có thói quen: Cứ mỗi lần bầu cử, kiện toàn bộ máy lãnh đạo các cấp thì người ta lại rà soát, “soi xét”. Trong đó, xem thử làng mình, xã mình, huyện mình, tỉnh mình có mấy người, những ai làm lãnh đạo ở cấp nọ, cấp kia. Người dân tự hào, dành cho họ sự tôn trọng, coi họ là những người thành đạt. Nhưng họ cũng thường quan niệm: Ai trong mình cũng “có một góc” dành cho anh em, họ hàng, quê hương, bản quán; ai cũng coi “máu thoảng hơn nước lã”, “quê hương là chùm khế ngọt”, thậm chí coi đó như “một nguồn lực”, một “chỗ dựa”! Không những người dân mà kể cả một số cán bộ, đảng viên nhiều khi cũng có những quan niệm như vậy. Đó là tàn dư của tư tưởng phong kiến, tiểu nông còn rơi rớt lại. Chẳng thế mà từ xưa đã có câu nói: "Một người làm quan, cả họ được nhờ!”.
Có những người làm cán bộ, lãnh đạo, luôn chăm lo công việc để làm tròn trách nhiệm của mình, sống thanh liêm, chính trực, sống bằng đồng lương chính đáng của mình. Vậy mà, cũng có những người thắc mắc: Ở quê còn nhiều thôn, xóm đường sá rất xấu, nhiều nhà nghèo, trường học xuống cấp nhưng không thấy ông ấy, bà ấy giúp được gì cả? Lại có cả những người nói thẳng tuột: Ông ấy, bà ấy làm to nhưng trong họ hàng, anh em nhiều đứa học đại học ra đó cũng không xin được việc; ông ấy về quê, về họ đóng góp cũng chỉ thêm được vài triệu bạc, chẳng đáng là bao,... Nhiều người chê ông là cổ hủ, lỗi thời, thiếu năng động, thiếu tình cảm, không gắn bó mật thiết với quê hương.
Ngược lại, cũng có những vị năng lực thì hạn chế nhưng “khéo ăn, khéo ở”, chỉ trong một thời gian ngắn đã giàu lên trông thấy. Mỗi lần về quê thì tụ tập, mời người đến ăn uống, liên hoan xả láng. Ông dùng toàn hàng hiệu, đắt tiền, nói toàn những chuyện “làm ăn hiện đại”! Có lúc ông còn đưa theo “đệ tử” rất giàu có, sẵn sàng đầu tư cho địa phương hàng trăm triệu đồng, cho anh em, bè bạn, họ hàng hàng chục triệu đồng để đi tham quan, du lịch,... Ông có rất nhiều đất đai, ông sống trong căn biệt thự rất sang trọng, như vua con. Nhiều người khen ông là người đổi mới, năng động, hợp thời nên vừa thành đạt, vừa giàu sang, lại mặn mà với quê.
Có cả những vị chức cao, quyền trọng nhưng lại rất “quan tâm” những chuyện của cấp dưới, của quê. Mỗi khi quy hoạch đất, ông cũng “đặt vấn đề”; mỗi khi đánh giá, đề bạt cán bộ cấp dưới thì thư từ, điện thoại, tác động bằng được cho người thân, con cháu, bạn bè, mặc cho cấp nào cũng đã có quy hoạch, quy trình theo quy định. Chính họ đã “làm khó” cho cấp dưới, làm mất động lực của những cán bộ tốt.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân ta ai cũng mong muốn, cũng đòi hỏi cán bộ dù to hay nhỏ đều phải trong sạch, vì nước, vì dân. Chúng ta cần những cán bộ luôn sống thẳng thắn, giản dị, lành mạnh, trong sáng, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cục bộ, cá nhân, thực sự “Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Vậy thì cũng phải phân biệt cán bộ thế nào là tốt, cán bộ thế nào là không tốt để khen chê cho đúng, cho rõ ràng.
Thực tế cho thấy không ít những cán bộ lãnh đạo suốt đời chăm lo công việc, thẳng thắn, không tham lam, vụ lợi, không cục bộ, ích kỷ, trong sáng, lành mạnh, sống, làm việc nghiêm túc, vì lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng. Họ giàu lòng tự trọng, giữ gìn liêm sỉ, họ không giàu có nhưng được tập thể, đồng nghiệp, nhân dân quý trọng. Nếu đòi hỏi ở họ hàng chục triệu thì họ lấy đâu ra? Đó là những người đáng được học tập, tôn vinh.
Nhưng cũng có những cán bộ lãnh đạo lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình để làm giàu bất hợp pháp; họ vun vén cho mình, cho lợi ích cục bộ, suy thoái về đạo đức, lối sống, phải được đấu tranh, ngăn chặn trước khi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Khen những người như vậy chẳng khác gì chúng ta đồng lõa với “giặc nội xâm”.