Khi cấp ủy vào cuộc phát triển kinh tế
(Baonghean) - Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế đã từng bước được triển khai, góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và thu hút nguồn lực đầu tư tại các huyện miền Tây Nghệ An. Từ đây, giá trị sản xuất không ngừng được nâng cao giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Hành trình thay đổi tư duy kinh tế
Trên con đường dẫn đến bản Huồi Khả, nơi có trang trại bò có quy mô lớn nhất của cộng đồng người Mông xã Huồi Tụ, đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn kể cho chúng tôi nghe về hành trình hồi hương, khai phá đất hoang làm kinh tế của lão nông Dềnh Dua Chò, người dám nghĩ, dám làm của cộng đồng người Mông nơi đây.
Vào năm 2000, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, Dềnh Dua Chò từng nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, bỏ đất quê hương để sang Lào vì cho rằng ở đó có đất đai rộng lớn, cuộc sống của dân nhập cư rất sung túc, khá giả. Cả tin, lại luôn hy vọng có một cuộc sống tốt hơn, ông Chò bán hết tài sản để cùng vợ con di dịch cư trái phép sang Lào.
Tuy nhiên, khi đặt chân đến xứ người, ông mới nhận ra sự thật hoàn toàn trái ngược. Cuộc sống nơi đất mới còn khó khăn, vất vả gấp nhiều lần ở quê cũ. Sau 3 năm cực nhọc, cả gia đình lại khăn gói hồi hương.
Đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn (thứ hai từ trái sang), trao đổi với người dân xã Hữu Lập. Ảnh tư liệu |
Nhận được tin, Đảng ủy xã Huồi Tụ đã có mặt kịp thời động viên gia đình ông Chò, đồng thời liên hệ trực tiếp với Tổng đội TNXP 8 để hướng dẫn cho ông kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo bằng phương pháp bán chăn thả. Từ diện tích khai hoang 5 ha trên núi Huồi Khả, ông Chò được hướng dẫn phân chia khu vực để nhận giống cỏ voi về trồng.
Cỏ tốt đến đâu, ông vay vốn nhân giống bò đến đó. Sau hơn 10 năm, quay vòng sản xuất, hiện tổng đàn bò của gia đình ông Chò đã lên đến trên 40 con, số tiền lãi ròng thu được sau mỗi lần xuất bán bò, ông đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khang trang để đàn vật nuôi không còn đói rét khi mùa đông đến.
Với thu nhập mỗi năm lên tới 150 triệu đồng, gia đình ông Dềnh Dua Chò đã vươn lên trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của bản làng.
Sau thành công của ông Chò, nhiều hộ bà con người Mông ở Huồi Tụ đã bắt đầu từ bỏ thói quen chăn thả rông để khai hoang đất làm trang trại. Nhờ vậy, đàn vật nuôi của xã không ngừng tăng nhanh, đến nay đã có hơn 5.000 con bò thương phẩm.
Ông Dềnh Dua Chò (bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Đảng bộ huyện Kỳ Sơn cũng đã chỉ đạo các cấp ủy hỗ trợ, hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi bò vỗ béo trong các trang trại, kinh tế hộ tại 13 xã, trong đó trọng tâm ở các xã: Huồi Tụ, Đoọc Mạy, Keng Đu, Tây Sơn, Mường Típ, Mường Ải; mô hình nuôi bò lai sind sinh sản tại 4 xã: Chiêu Lưu, Tà Cạ, Hữu Kiệm, Hữu Lập; mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Bảo Thắng và mô hình nuôi dê tại 2 xã Mường Ải, Nậm Cắn.
Nhận thấy việc phát triển chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, xóa bỏ hủ tục chăn thả rông đã góp phần đắc lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào các dân tộc trên toàn huyện đã trồng hơn 700 ha cỏ voi, cỏ VA06 để chăn nuôi trâu, bò. Hiện tổng đàn bò của huyện luôn được duy trì tốt qua nhiều năm với tổng đàn trên 65.000 con.
Cây gừng đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu |
Thời gian tới, huyện Kỳ Sơn tiếp tục hoàn thành các mục tiêu trong lĩnh vực kinh tế như xác lập chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Gừng Kỳ Sơn”; dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình trồng thâm canh khoai sọ trên địa bàn huyện Kỳ Sơn và xây dựng mô hình sản xuất - chế biến thảo dược như: giảo cổ lam, hoài sơn và mướp đắng rừng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đồng thời nhân rộng các mô hình đã được đánh giá thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao như đầu tư thâm canh nâng cao năng lực phát triển sản xuất và chế biến chè tuyết Shan theo tiêu chuẩn VietGAP tại Tổng đội TNXP 8 Nghệ An (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) và Tổng đội TNXP 10 Nghệ An (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn); phát triển giống lúa chịu lạnh có năng suất và chất lượng tốt trên địa bàn các xã canh tác ruộng nước; trồng thâm canh giống lúa nếp chất lượng cao N97.
Để hỗ trợ người dân có nguồn vốn phát triển sản xuất, cấp ủy Đảng đã vận động các ngân hàng làm tốt công tác tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của bà con. Hiện toàn huyện Kỳ Sơn có 10.515 hộ đang vay vốn, bình quân mỗi hộ vay 25,5 triệu đồng. Đa phần người dân đều sử dụng nguồn vốn của mình một cách hiệu quả để phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo với mức thu nhập bình quân đầu người gần 21 triệu đồng/năm.
Mô hình ứng dụng KH&CN sản xuất lúa giống JAPONICA tại bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn). Ảnh: Thanh Quỳnh |
Biến tiềm năng thành thế mạnh
Nếu như chăn nuôi là thế mạnh của huyện Kỳ Sơn thì canh tác cây công nghiệp, đặc biệt là cây chè lâu nay được xem là cây trồng chủ lực giúp người dân huyện Anh Sơn. Nổi bật lên trong phong trào đó là xã Hùng Sơn khi những năm gần đây cây chè đã được ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác chăm sóc, chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Dừng chân trước 2ha chè tươi tốt dưới chân núi Khe Hàn, ông Võ Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn cho biết, cách đây hơn 10 năm Khe Hàn còn là vùng đồi hoang cằn cỗi, cho đến khi ông Phạm Văn Quý mang cây chè bén rễ nơi đây. Sau nhiều năm canh tác, cây chè không chỉ mang lại thu nhập khá lý tưởng để giúp gia đình ổn định cuộc sống mà còn là tiền đề để ông mở rộng quy mô sản xuất.
Chế biến chè ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Phạm Văn Quý (xã Hùng Sơn, Anh Sơn). Ảnh: Thanh Quỳnh |
Năm 2016, khi Tổ chức JICA triển khai chương trình tham quan, đào tạo mô hình sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, Chi bộ xóm 5 cùng cấp ủy Đảng địa phương đã đề xuất cử ông Quý tham gia. Là một đảng viên có tinh thần vượt khó, ham học hỏi, ông Quý đã trở thành một trong những nhân tố đi đầu trong khóa học. Từ đây, ông đã nắm rõ được quy trình chăm sóc và chế biến chè theo công nghệ Nhật Bản.
Trở về sau khóa đào tạo, cùng với sự hỗ trợ của Tổ chức JICA, ông Quý đầu tư máy móc để hình thành xưởng chế biến chè. Ước tính, mỗi năm cơ sở chế biến chè của ông Quý tiêu thụ trên 20.000 tấn chè búp tươi, trở thành đầu mối tiêu thụ chè búp tươi lớn của xã Hùng Sơn.
Cây chè ở xã Hùng Sơn được sản xuất theo hướng VietGAP với thị trường tiêu thụ rộng lớn. Ảnh tư liệu |
Ở xã Hùng Sơn còn có 4 xưởng chế biến chè tiêu thụ gần 80% sản lượng chè trên địa bàn, giúp người dân giải quyết khâu đầu ra cho nguyên liệu. Đó là thành quả từ sự nỗ lực hết mình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã trong việc đầu tư mạnh mẽ vào phát triển sản xuất cây chè với ưu tiên là cây công nghiệp mũi nhọn của xã. Từ đây, diện tích chè không ngừng tăng mỗi năm và lên tới con số gần 520 ha, mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, nhờ phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế đã tạo tiền đề đối với nhiều địa phương miền núi chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách toàn diện và có chiều sâu.
Nhờ đó, trong giai đoạn 2014-2018 tốc độ tăng trưởng bình quân trên địa bàn miền Tây Nghệ An ước đạt 8,5%, cao hơn tăng trưởng bình quân chung toàn tỉnh 0,91%. Về thu nhập bình quân đầu người năm 2018 cũng tăng cao, ước đạt 26,5 triệu đồng; tăng 1,53 lần so với năm 2013. Lĩnh vực nông nghiệp ngày càng có nhiều vùng sản xuất cây nguyên liệu như mía, chè, cao su, cam… được hình thành với quy mô lớn. Cuộc sống của người dân từng bước đi vào ổn định và phát triển bền vững.
Mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ hiện đại của Isarel của ông Trương Vũ Hoàng, thôn 2, xã Hội Sơn (Anh Sơn). Ảnh tư liệu |