Xã hội

Khi chúng tôi đi và viết

Thanh Nga 08/11/2024 16:37

Mỗi chuyến tác nghiệp, dù ở biên giới hay hải đảo, dù miền xuôi hay miền ngược đều để lại cho những người làm báo nhiều kỷ niệm khó quên. Để có được tác phẩm báo chí chất lượng, nhà báo có những lúc phải đối mặt với hiểm nguy khôn lường...

Hành trình "5 huyện, 10 xã"

Phóng viên Thanh Nga - Khánh Ly trong chuyến tác nghiệp tại Quế Phong thực hiện chuyên đề “Tạo mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững. Ảnh: P.V
Hai phóng viên Thanh Nga - Khánh Ly trong chuyến tác nghiệp tại huyện Quế Phong thực hiện chuyên đề “Tạo mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững". Ảnh: P.V

Tôi và đồng nghiệp Chu Thị Khánh Ly "thai nghén" ý tưởng cho chuyên đề “Tạo mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững” từ trước đó cả 2 năm. Chuyến tác nghiệp cũng thật đáng nhớ, 3 giờ sáng, chúng tôi đã í ới gọi nhau ngược núi để bắt đầu cho hành trình tới 10 xã của 5 huyện. Hai nữ phóng viên phải mất 4 tiếng đồng hồ mới tới được thị trấn Mường Xén của huyện xa nhất Nghệ An là Kỳ Sơn. Từ thị trấn, chúng tôi lại phải mất thêm 3 giờ nữa mới tới được những vườn dược liệu tre, keo, mét, những vườn mận lúc lỉu cho năng suất cao.

Sau những cung đường hiểm trở với ổ gà, rãnh trâu trơn trượt, bên vực, bên đồi, con đường rừng lội bùn đến gối,… chúng tôi vào được trang trại nuôi gà ở Mường Lống, con đường khó đi trắc trở đến nỗi cán bộ xã dù rất thạo đường cũng mấy lần chực ngã. Cán bộ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn nói: “Các chị em dũng cảm quá, vô đây đàn ông chúng tôi còn ớn nữa là”. Nhưng với người làm báo, những vất vả ấy đều trở nên xứng đáng khi được "mắt thấy, tai nghe" những mô hình thực tế ở cơ sở.

Pv Khánh Ly trong chuyến tác nghiệp tại Mường Lống - Kỳ Sơn. Ảnh: Thanh Nga
Phóng viên Khánh Ly trong chuyến tác nghiệp tại xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Thanh Nga

Ngày thứ 2 chúng tôi tiếp tục theo chân cán bộ nông nghiệp huyện đến xã Na Ngoi, nơi có vườn dược liệu dưới tán rừng. Vào trụ sở xã Na Ngoi, chúng tôi vẫn đinh ninh rằng, mình sẽ đến trang trại, hoặc vườn đồi nào đó mà đường đi không quá vất vả, khó khăn. Sau khi trò chuyện, cán bộ xã cho biết: Ở xã chúng tôi có mô hình dược liệu dưới tán rừng, nhưng phải đi khá xa. Tôi và đồng nghiệp hăm hở “anh cho bọn em đi ngay nhé” nhưng anh cán bộ xã khuyến cáo: phải mang ủng, mang áo mưa phòng vắt và đi tầm nửa ngày mới đến nơi…

PV Thanh Nga tác nghiệp tại vườn macca, trong chuyến công tác 5 huyện 10 xã thực hiện chuyên đề Tạo mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững. Ảnh: Khánh Ly
Phóng viên Thanh Nga tác nghiệp tại vườn macca, trong chuyến công tác 5 huyện, 10 xã thực hiện chuyên đề "Tạo mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững". Ảnh: Khánh Ly

Kết thúc "tour tác nghiệp" ở huyện Kỳ Sơn sau 3 ngày bôn ba trên các cung đường đến những trang trại cây, con, chúng tôi đến huyện Quế Phong - nơi nổi tiếng với những trang trại chanh leo, cá lòng hồ, những rừng keo, mét, lùng cho năng suất. Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong hồ hởi đón chúng tôi và khi biết nhà báo muốn vào lòng hồ Hủa Na xem lồng cá thì vị này nói gọn lỏn: “Để đến nơi nuôi cá ở lòng hồ thủy điện chúng ta ngồi trên con thuyền máy chỉ tải được 2 người”.

Mặc dù được khuyến cáo, nhưng khi đến nơi chúng tôi vẫn "tim đập chân run" khi bước lên con thuyền bé tẹo giữa mênh mông lòng hồ. Để đi đến điểm người dân thả lồng chúng tôi phải ngồi trên thuyền suốt 60 phút đồng hồ mới cập bến lồng thứ nhất. Suốt chặng đường đi, qua bao lồng cá, bao lần cập bến xuống thuyền để lấy thông tin chụp ảnh là bấy nhiêu lần chúng tôi hồi hộp sợ mình bước hụt trên những chiếc ván mong manh, là cầu nối giữa điểm cập bến với lồng cá.

Tất cả những thử thách đó cuối cùng cũng đơm hoa, kết trái bằng phần thưởng là giải Khuyến khích Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023. Đến lúc lên nhận giải, đồng nghiệp Khánh Ly nói với tôi rằng: Chuyên đề tạo sinh kế cho người nghèo đi nhiều, viết khó nhưng cuối cùng cũng “rất gì và này nọ”.

Và chúng tôi cùng một suy nghĩ, đó là niềm vui của người làm báo, thành quả sau ngòi bút và những chuyến đi chính là sự lan tỏa, là sự ghi nhận.

Thử thách “không chọn việc nhẹ nhàng”

Cơn lũ quét xảy ra tại xã Lượng Minh, huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An) xảy ra đêm 30/9/2024. Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ khi Hoài Thu và nhóm phóng viên xung phong nhận nhiệm vụ tiếp cận, đưa tin hiện trường về sự việc này, song những câu chuyện nhỏ của chuyến tác nghiệp vẫn được cô bạn đồng nghiệp thường xuyên nhắc đến.

PV Hoài Thu tác nghiệp tại xã Lượng Minh, Tương Dương
Phóng viên Hoài Thu (thứ 3 từ trái sang) tác nghiệp tại xã tâm lũ Kỳ Sơn năm 2022. Ảnh: Thành Cường

Sau khi nhận được tin tức về cơn lũ quét xảy ra ở xã Lượng Minh, Hoài Thu đã báo cáo với lãnh đạo phòng chuyên môn, cơ quan và xung phong đến hiện trường để đưa tin. Chị kể: “Sáng sớm tinh mơ, lái xe từ thành phố Vinh, vượt hơn 200 km, vừa đi vừa gọi điện liên hệ với cán bộ huyện, kết nối cùng lực lượng cứu hộ, cứu nạn của huyện Tương Dương để cập nhật thông tin và bố trí đi vào vùng tâm lũ. Một người lái xe, một người ngồi bên ghế lái mở máy tính gõ tin tức ban đầu về cơn lũ quét và thiệt hại sơ bộ. Cũng trên đường đi, chúng tôi đã lên xong “đề cương” tác nghiệp, phân công nhau các phần việc từ phỏng vấn, quay, chụp và xử lý kỹ thuật các clip, hình ảnh.

2 ngày di chuyển ra, vào liên tục giữa các bản làng, rồi đến ngôi trường bị ngập lũ ở xã Lượng Minh và thị trấn Thạch Giám, không có giờ nghỉ trưa, nửa đêm vẫn kỳ cạch gõ máy tính, chúng tôi đã hoàn thành 10 tin, bài phản ánh mọi diễn biến, hiện trường và hoạt động của các cấp ủy, chính quyền địa phương huy động “4 tại chỗ” giúp nhân dân vùng lũ quét khắc phục hậu quả thiên tai”.

Hoài Thu tác nghiệp tại Lượng Minh
Nhà báo Hoài Thu tác nghiệp tại xã Lượng Minh (Tương Dương). Ảnh: P.V

Trong chuỗi thông tin về tình hình lũ quét tại xã Lượng Minh (Tương Dương) có những tin, bài, với sự hỗ trợ của Thư ký tòa soạn, gần như đã được đăng tải cùng với “thời gian thực”. Ví như việc Ban CHQS huyện Tương Dương lắp máy bơm công suất lớn để thau rửa bùn đất nơi ngập lũ, từ khi bắt đầu đến khi lực lượng quân sự kết thúc công việc chỉ 2 tiếng đồng hồ, thì cũng là lúc tin bài được xuất bản, dù nơi tâm lũ lúc đó vừa mưa to, sóng internet lại chập chờn.

Sau 2 ngày dầm mưa dãi nắng, đối mặt với nguy cơ sạt lở núi trên đường vào tâm lũ, nhóm phóng viên đã hoàn thành nhiệm vụ và chào tạm biệt cán bộ cơ sở để về nhà. Vừa bắt tay thật chặt, lãnh đạo UBND huyện Tương Dương vừa nói “có phóng viên Báo Nghệ An đồng hành, chúng tôi thật sự rất yên tâm”, Hoài Thu nhớ lại.

Vị lãnh đạo huyện chia sẻ thêm, trong thời đại thông tin bùng nổ, đặc biệt là những phản ánh của mạng xã hội về những sự việc xảy ra ở cơ sở, không phải ai cũng phản ánh vừa kịp thời, vừa đúng thực chất, bản chất của vấn đề. Những chia sẻ, thấu hiểu ấy của lãnh đạo cơ sở là một trong những kết quả, và cũng là một trong những mục tiêu, nguyên tắc mà phóng viên Báo Nghệ An đặt ra, kiên trì thực hiện trong những chuyến tác nghiệp vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tác nghiệp nơi đầu sóng

Là phóng viên trẻ, lại được giao nhiệm vụ về mảng phòng, chống thiên tai, nên phóng viên Quang An luôn có nhiều câu chuyện đáng nhớ trong suốt quá trình tác nghiệp tại những điểm nóng. Tuy nhiên, kỷ niệm khó quên nhất đối chàng trai trẻ này lại là chuyến tác nghiệp cách xa đất liền hàng trăm hải lý, ở quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Quang An trong chuyến tác nghiệp tại đảo Song Tử Tây
Phóng viên Quang An trong chuyến tác nghiệp tại đảo Song Tử Tây.

Cuối tháng 12/2022, Báo Nghệ An phân công 2 phóng viên Quang An và Tiến Đông tham gia hành trình tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa. Chuyến đi này không hề dễ dàng do thời tiết xấu, biển động, sóng lớn, do đó, hải trình từ đất liền đến quần đảo Trường Sa bị kéo dài hơn dự kiến.

Đến đảo Song Tử Tây, do mưa to, gió lớn, đường vào âu tàu có nhiều phiến đá lớn, lởm chởm, dễ va đập nên con tàu lớn không thể tiếp cận đảo, buộc phải chờ biển lặng. Sau 5 ngày chờ đợi, để đảm bảo tiến độ, đoàn công tác đã phân công 1 tàu nhỏ tiếp cận tàu lớn để “tăng bo” từng đợt, đưa phóng viên và đoàn công tác tiến dần vào đảo.

 Phóng viên Quang An trong chuyến tác nghiệp tại Trường Sa
Phóng viên Quang An trong chuyến tác nghiệp tại Trường Sa.

Theo hướng dẫn của các chiến sĩ hải quân, khoảng 30 giây, tùy vào từng đợt sóng, 2 thân tàu sẽ chạm vào nhau, đây là “khoảnh khắc vàng”, chỉ diễn ra trong vài ba giây, do đó, yêu cầu các thành viên đoàn công tác phải chọn đúng thời khắc này để bước nhanh qua tàu. Nếu không thể bước thì phải chờ đợi tiếp 30 giây sau để 2 thân tàu chạm lại.

Phóng viên Quang An cho biết: Lúc đó, đến lượt tôi bước qua thân tàu, tâm trạng khi ấy rất hồi hộp, lo lắng. Thế rồi, giây phút 2 tàu chạm nhau, tôi đã có chút lưỡng lự và rồi giẫm hụt chân. May sao, giữa 2 tàu có dây thừng lớn, trong lúc chới với, bàn tay tôi đã nắm được dây thừng. Toàn bộ các chiến sĩ đã dùng hết sức để kéo tôi lên tàu, giúp tôi thoát rơi xuống biển trong gang tấc.

"Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại kỷ niệm đó, tôi lại không khỏi rùng mình. Tuy nhiên, chính khoảnh khắc ấy lại giúp tôi càng hiểu thêm những khó khăn, vất vả, thử thách mà cán bộ, chiến sĩ hải quân và những người làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa từng phải vượt qua, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc", Quang An chia sẻ.

Mới nhất
x
Khi chúng tôi đi và viết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO