Khi đảng viên đi trước...

04/09/2013 19:54

Do xuất phát điểm ban đầu thấp nên công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Châu Thắng (Quỳ Châu) gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trong cái khó, cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây đã chung sức, đồng lòng tìm hướng đi mới, phù hợp điều kiện thực tế để mở ra hướng thoát nghèo.

(Baonghean) - Do xuất phát điểm ban đầu thấp nên công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Châu Thắng (Quỳ Châu) gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trong cái khó, cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây đã chung sức, đồng lòng tìm hướng đi mới, phù hợp điều kiện thực tế để mở ra hướng thoát nghèo.

Trước khi về Châu Thắng, tôi có dịp trao đổi về công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn Quỳ Châu với đồng chí Lang Văn Xuân – Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy. Khi đề cập đến hiệu quả của công tác luân chuyển cán bộ, Châu Thắng nổi lên là một điển hình cho hiệu quả của chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Chính nhờ những bước đi mạnh dạn, dứt khoát trong công tác cán bộ nên hôm nay diện mạo Châu Thắng đã có nhiều khởi sắc, dù hiện tại đồng chí cán bộ tăng cường đã được huyện rút về đảm nhận vị trí công tác mới.

Chỉ mất tầm 20 phút đi xe máy từ Thị trấn Tân Lạc theo Quốc lộ 48, Châu Thắng hiện ra trù phú với những cánh đồng mía, ruộng lúa xanh mướt mát phía bên kia dòng sông Hiếu lững lờ chảy về xuôi. Tiếp chúng tôi là đồng chí Vang Thanh Minh – Phó Bí thư Đảng ủy xã. Sinh ra, lớn lên rồi lập nghiệp ngay chính trên mảnh đất cha ông để lại, Phó Bí thư Minh hiểu rất rõ những khó khăn của quê hương và cả những thay đổi đáng phấn khởi hôm nay. Đồng chí Minh hóm hỉnh: Sông Hiếu cho Châu Thắng nhiều thứ nhưng cũng lấy đi của bà con chúng tôi nhiều thứ. Mà nhiều nhất chính là thời gian. Lòng sông chỉ rộng mấy chục mét nhưng ngăn cách Châu Thắng như một ốc đảo bởi sau lưng là núi cao sừng sững, trước mặt là sông sâu. Chỉ đến khi cây cầu bắc qua sông hoàn thành cách đây mấy năm, nối Châu Thắng với Quốc lộ 48, thế “cô lập” mới bị phá vỡ. Nông dân chúng tôi mới thực sự có điều kiện giao lưu, buôn bán thuận lợi với bên ngoài”.



Ông Vang Thanh Minh đang chăm sóc ruộng mía giống Roc10.

Có cầu, có đường, những mảnh đất bồi màu mỡ thuộc các bản Xẹt 1, Xẹt 2, Chiềng Ban 1, Chiềng Ban 2 ven sông Hiếu được đánh thức. Từ những ruộng trồng mía nhỏ lẻ ban đầu, vào năm 2010, Đảng ủy xã đã vận động người dân chuyển đổi đất trồng màu hiệu quả thấp sang trồng mía nguyên liệu phục vụ cho nhà máy đường ở Quỳ Hợp. Sau 3 năm đứng chân trên miền rẻo cao này, hiệu quả của cây mía không chỉ nằm ở những con số thống kê trên giấy hay trong lời vận động của cán bộ xã, cán bộ nhà máy mà đã thực sự hiện hữu trong mỗi nếp nhà, trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Đến bản Chiềng Ban 2, gặp đảng viên Lê Văn Thắng, một trong những người đầu tiên mạnh dạn đưa cây mía vào trồng trên diện tích đất màu, đất bồi hiệu quả thấp. Ba năm nay, vụ nào cũng vậy, trên diện tích 27 a, sản lượng mía thu về của gia đình anh ngót nghét 20 tấn. Mới đây, anh được nhà máy đường trao thưởng vì mía thành phẩm của gia đình cho trữ lượng đường cao.

Cũng từ đây, gia đình anh đã trở thành địa chỉ tin cậy của bà con trong bản mỗi khi cần tư vấn những vấn đề về kỹ thuật trồng mía nguyên liệu. “Lúc đầu đưa cây mía vào trồng, bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật của xã, nhà máy, bà con trong bản vẫn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với nhau. Người làm trước hướng dẫn cho người làm sau về quy trình chăm sóc lẫn ý thức bảo vệ. Bây giờ, thấy hiệu quả của cây mía, bà con ai cũng phấn khởi”, đồng chí Thắng chia sẻ.

Từ tâm lý e dè ban đầu đến nay, cây mía đã đứng vững và có vị trí nhất định trong đời sống của người dân Châu Thắng. Bằng chứng là khi tôi đi qua các bản làng, đâu đâu cũng thấy một màu xanh bạt ngàn của mía. Đồng chí Vang Thanh Minh tấm tắc: “Những diện tích không đảm bảo được nước tưới tiêu đều được bà con chuyển sang trồng mía. Bây giờ, tổng diện tích mía cả xã đã đạt 65 ha. Nhân dân ai cũng phấn khởi”.

Để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, Châu Thắng đang trong giai đoạn đưa các giống mía năng suất cao vào thay thế giống cũ. Được sự hỗ trợ của trung tâm khuyến nông huyện, niên vụ trước, có 3 hộ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng giống mía Roc 10. Đó là hộ Lô Thị Nhung, 50a ở bản Xẹt 1, Lô Văn Tân, 50a ở bản Xẹt 2 và gia đình Phó Bí thư Minh 1ha. Trên đường dẫn tôi về thăm ruộng mía của gia đình, nghe đồng chí Minh nói chuyện thì biết ông rất tâm đắc với giống mía mới này. Bởi sau vụ mùa đầu tiên, giống mía Roc 10 cho năng suất cao hơn giống cũ 20 tấn/1 ha. Điều này đồng nghĩa với thu nhập của gia đình cũng tăng lên.

Nhưng có thấy cung cách làm ăn và chia sẻ của những đảng viên trên miền sơn cước này, mới hay các đồng chí làm kinh tế đâu chỉ vì lợi ích của bản thân mình. Bởi họ biết san sẻ thành công và niềm vui chung cho cộng đồng. Sau vụ đầu tiên, đồng chí Minh đã bán giống mía với giá ưu đãi cho gia đình anh Lữ Văn Thủy và Vi Văn Kỳ đều ở bản Xẹt 2. Cả 2 người đều lần đầu tiên chuyển đổi đất trồng màu sang trồng mía. Nhìn ruộng mía phát triển xanh tốt, ai cũng vui mừng, tin tưởng sẽ có một vụ mùa bội thu. “Mình được đi tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc giống mía mới ở huyện nên nắm được quy trình từ cày bừa, phơi ải, đánh luống, bón phân, vun gốc… Do đó, khi về trồng thử nghiệm thành công rồi, suy nghĩ đầu tiên là phải chia sẻ và nhân rộng ra cho bà con mình cùng làm”, đồng chí Minh thành thật bày tỏ.

Ở Châu Thắng không chỉ có cây mía, mà khu vực đồi núi còn có trữ lượng lâm sản khá phong phú. Toàn xã hiện có hơn 311 ha rừng keo, quế và đặc biệt là lùng (loài cây bản địa có giá trị kinh tế khá cao) đang được khoanh nuôi bảo vệ. Bên cạnh đó, xã cũng là một trong những trọng điểm trồng lúa nước của Quỳ Châu với tổng diện tích lúa nước đạt 103 ha. Kể ra những con số trên để thấy rằng, mảnh đất Châu Thắng mang trong mình tiềm năng rất lớn.

Tuy nhiên, xã vẫn chưa tận dụng hết nguồn nội lực quan trọng này, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm gần 50% dân số. Vậy làm gì để Châu Thắng thoát nghèo? Có lẽ câu trả lời nằm chính ở cách làm mà Đảng ủy, chính quyền và nhân dân đã thực hiện để đưa cây mía “bén duyên” vào mảnh đất này trong những năm qua. Nó vừa là chỉ dấu quan trọng, vừa gợi mở hướng đi mới khi sản xuất gắn liền với quy mô hàng hóa. Tất nhiên, để những chuyển động ở Châu Thắng có tính đột phá, rất cần “những kích cầu ngoại lực” theo cách nói của đồng chí Vang Thanh Minh - Phó Bí thư Đảng ủy xã khi chúng tôi chia tay.


Thành Duy

Mới nhất
x
Khi đảng viên đi trước...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO