Khi lòng dân đã thuận

30/06/2014 18:47

(Baonghean) - “Thay đổi chớ, đường sá trong làng rộng rãi, sạch sẽ, con nít, người lớn đi lại thoải mái lắm. Có nhà đóng góp 8 triệu đồng để làm nông thôn mới đấy!” - Anh Trương Văn Hương đã nói về làng mình như vậy khi được hỏi về Chương trình xây dựng nông thôn mới ở xóm Mo, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp.

Huy động sức dân

Chúng tôi được anh Trương Văn Hương dẫn đi thăm một số công trình xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới mà 135 hộ dân xóm Mo cùng đóng góp thực hiện. Đứng trước công trình Nhà Văn hóa khang trang, anh Hương tự hào khoe: “Tổng số tiền đầu tư hết 400 triệu đồng, hoàn toàn do bà con đóng góp xây dựng”. Cũng theo người xóm trưởng này, số tiền huy động để xây dựng công trình sinh hoạt cộng đồng được tính toán và phân chia theo khẩu. 400 triệu đồng chia cho 500 khẩu. 70 người khác không phải đóng góp vì hoàn cảnh neo đơn, già cả, hộ nghèo.

Mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cam, quýt của ông Trương Văn Tuyến ở xóm Tàu, xã Nghĩa Xuân.
Mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cam, quýt của ông Trương Văn Tuyến ở xóm Tàu, xã Nghĩa Xuân.

Ngoài ra, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân xóm Mo đã xây dựng được 1,2 km đường bê tông liên thôn và nội thôn. Ban đầu việc vận động bà con tham gia hết sức khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của xóm Mo chiếm 15%, trong khi đó trên 90% số hộ là đồng bào dân tộc thổ. Vậy nên Ban cán sự xóm đã nhiều lần xuống từng gia đình, vận động từng người. Anh Trương Văn Hương nói rằng, cũng dễ hiểu thôi vì cuộc sống của người dân còn lam lũ, vất vả, cái ăn, cái mặc phải lo từng ngày, đồng tiền kiếm được rất khó, nên việc huy động đóng góp là một sự gian nan. Tuy vậy, khi đã thấu hiểu chủ trương, hiểu được việc đóng góp là vì mình, cho mình nên bà con tham gia tích cực. Với 213 tấn xi măng do Nhà nước hỗ trợ, 2 tuyến đường loại A và loại B liên thôn, nội thôn đã được hoàn thành. Việc đi lại đã tránh được cảnh sình lầy, bụi bẩn. Theo tính toán của anh Trương Văn Hương, bình quân mỗi khẩu đóng góp 2 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới. Điều này cũng có nghĩa, có những gia đình đã tham gia với số tiền từ 8 đến 10 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ, song khi lòng dân đã thuận thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Thực tế Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Quỳ Hợp cho thấy, với 21 xã, thị trấn, đây là địa phương có tính đặc thù cao gồm 4 vùng rõ rệt. Đó là vùng sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp - nguyên liệu, trồng rừng và khai thác khoáng sản. Vậy nên việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện miền núi này cũng có những đặc điểm riêng. Trên tinh thần của Quyết định số 491/2010/QĐ-TTg ngày 16/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Quỳ Hợp đã lựa chọn 5 xã để chỉ đạo điểm. Đó là các xã Nghĩa Xuân, Châu Quang, Đồng Hợp, Tam Hợp và Minh Hợp.

Đến thời điểm này tổng nguồn vốn triển khai thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng sau 3 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới ở huyện Quỳ Hợp đạt trên 887,5 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động này có sự lồng ghép của các đề án, Chương trình 135, Chương trình xây dựng xây dựng mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tổng giá trị do nhân dân đóng góp để thực hiện xây dựng nông thôn mới gần 153 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp bằng tiền mặt 15 tỷ 420 triệu đồng. Đã có hàng trăm hộ dân hiến hơn 152.000m2 đất vườn, đất ở, hàng chục ngàn m2 tường nhà, hàng rào, cây cối và góp 90.000 ngày công. Trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ 13.100 tấn xi măng, huyện Quỳ Hợp đã xây dựng được 77,6 km đường giao thông nông thôn và trong năm nay sẽ tiếp nhận 4.800 tấn xi măng để tiếp tục thực hiện thêm 20 km đường giao thông.

Thay đổi “lối mòn” trong nhận thức

Diện mạo của đời sống nông thôn ở Quỳ Hợp đã có sự thay đổi rất tích cực đó là đánh giá của nhiều người. Sự thay đổi không chỉ đến từ hệ thống đường giao thông rộng rãi, khang trang từng làng bản mà còn thực sự có sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy phát triển mô hình kinh tế của nhiều hộ dân. Năm 2013, UBND tỉnh hỗ trợ các xã Đồng Hợp, Châu Quang, Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Tam Hợp mỗi xã 140 triệu đồng để triển khai các mô hình kinh tế. Theo đó, các xã căn cứ vào tình hình thực tế của địa bàn để lựa chọn mô hình. Xã Đồng Hợp chọn mô hình chăn nuôi lợn rừng lai, Châu Quang chọn trồng đậu tương vụ đông trên đất 2 lúa, Nghĩa Xuân chọn trồng cam và cải tạo vườn tạp, Tam Hợp chọn trồng cỏ chăn nuôi bò. “140 triệu đồng là số tiền nhỏ. Vấn đề là làm thế nào để thay đổi được tư duy kinh tế và tập quán của người dân” - Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân đã nói như vậy.

Theo ông Hoạt, việc phân khai số tiền hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng mô hình kinh tế ở xã Nghĩa Xuân được thực hiện bằng cách, xã đứng ra tổ chức mời các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng cam và cải tạo vườn tạp; tổ chức hội thảo đầu bờ với sự tham gia của người dân. Khi bắt tay vào triển khai mỗi hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giá trị phân bón, giống. Ông Nguyễn Văn Hoạt cũng cho biết, việc thực hiện cải tạo vườn tạp ở xã Nghĩa Xuân được xem là sự khởi đầu thay đổi tập quán sản xuất của người dân. Bởi lẽ, lâu nay đồng bào dân tộc thiểu số không quan tâm nhiều đến việc trồng trọt, chăn nuôi trên chính nương vườn của mình. Trong cùng một khuôn viên ruộng, vườn nhưng trồng nhiều loại cây khác nhau. Vậy nên vừa manh mún mà hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, sau khi xã triển khai thực hiện các mô hình thí điểm, nhiều hộ dân đã bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận cách làm mới.

Đến thăm vườn cam của gia đình ông Trương Văn Tuyến - người dân tộc Thổ ở xóm Tàu, xã Nghĩa Xuân có thể thấy được hiệu quả của sự mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên diện tích 18 sào đất vườn đồi, ông Tuyến đã trồng 1.000 gốc cam, trong đó có 700 gốc giống cam Valencia, V2, 300 gốc cam Xã Đoài, Vân Du. Ngoài ra gia đình ông còn trồng thêm 200 gốc quýt, trong thời gian đầu, khi cây cam được 1, 2 tuổi, ông Tuyến trồng xen dưa hấu. Ông cười thật thà: “Nhìn rứa thôi chớ mỗi vụ dưa cũng bán được 70 triệu đồng. Mình lợi dụng các rãnh đất tưới nước cho cam để trồng dưa. Lấy ngắn nuôi dài mà”. Năm 2013, vụ thu hoạch cam đầu tiên gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng. Ông Trương Văn Tuyến nói rằng, đó mới chỉ là vụ cam ra bói. Cuối năm nay cây cam, quýt mới chính thức cho thu nhập. Tính sơ ra 1 kg cam hái tại vườn có giá 50.000 đồng thì vườn cam, quýt của gia đình ông Tuyển cũng cho thu nhập tiền tỷ.

Trong 3 năm thực hiện cải tạo vườn tạp, trồng cam, quýt theo mô hình của xã Nghĩa Xuân, gia đình ông Tuyển chỉ được hỗ trợ 1 tấn phân bón, tuy nhiên, cái được chính là sự thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất, canh tác, từ đó tạo ra hiệu quả kinh tế trên chính ruộng vườn, đồng đất của người dân. Cũng tại xã Nghĩa Xuân, do thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhiều hộ dân đã mạnh dạn cải tạo vườn đồi, thu hẹp diện tích trồng mía, mở rộng diện tích trồng cam, quýt, chè, chanh. Diện tích cây cam đã được nâng lên 43 ha, tập trung ở các xóm Kính, Tàu, Chát, Mới... Bên cạnh đó, người dân cũng tự chuyển đổi được 70 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây cao su và chuyển đổi trồng giống mía sạch, độ đường cao như QD93, VD94, VD00236.

Qua 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Quỳ Hợp đã xây dựng được 177 mô hình với tổng giá trị đầu tư đạt trên 10 tỷ đồng. Trong đó có 99 mô hình trồng trọt, 56 mô hình chăn nuôi, 14 mô hình lâm nghiệp và 8 mô hình thủy sản. Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như: ươm nuôi cá giống ở xã Châu Quang; chăn nuôi bò vàng ở xã Bắc Sơn; bảo tồn giống lợn cỏ bản địa tại xã Liên Hợp; nuôi dê ở xã Châu Thái, Châu Lý, Thọ Hợp; trồng cam ở xã Minh Hợp, Nghĩa Xuân, trồng mía chất lượng cao ở xã Châu Đình... Đặc biệt với mô hình nuôi dê thương phẩm ở xã Thọ Hợp, chỉ trong thời gian ngắn đàn dê đã tăng từ 82 con lên 150 con, qua đó các hộ có thêm 4,5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, UBND huyện còn trích 1 tỷ đồng ngân sách để xây dựng 11 mô hình trồng giống lúa mới với tổng diện tích 150 ha tại các xã Châu Tiến, Châu Thành, Châu Quang, Châu Thái, Châu Lý... Chính nhờ vậy, năng suất lúa bình quân tăng từ 50 tạ/ha lên 58 tạ/ha.

Ông Hoàng Văn Thái - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp khẳng định rằng, chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự tạo ra động lực vô cùng mạnh mẽ đối với đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn. Từ phong trào làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho đến triển khai các mô hình kinh tế đã được nhiều xã, nhiều hộ dân đồng tình hưởng ứng. Tính lan tỏa của chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ diễn ra ở các đơn vị được lựa chọn để chỉ đạo điểm mà còn được người dân nhiều xã hưởng ứng mạnh mẽ. Ở bản Xết và bản Thắm (xã Châu Lý) bà con nhân dân đã tự vận động khai quang, giải phóng mặt bằng hệ thống giao thông liên thôn và hiện tại đang chờ có xi măng hỗ trợ là triển khai làm đường bê tông. Chị Nguyễn Thị Lam - Cán bộ phụ trách nông - lâm xã Châu Lý cho biết, hiện tại người dân bản Xết, bản Thắm đã tự nguyện đóng góp được 40 triệu đồng/bản. Bà con đang rất nóng lòng chờ nguồn xi măng hỗ trợ của Nhà nước để tiến hành làm đường.

Ông Bùi Thanh An - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp nói rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau 3 năm đã tạo được sự đột phá về kinh tế - xã hội của địa phương. Biểu hiện rõ nhất là sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. “Cũng là vấn đề tam nông theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), nhưng đây thực sự là một cuộc cách mạng đối với đời sống nông thôn, miền núi. Chưa bao giờ phong trào của quần chúng lại mạnh mẽ đến vậy”. - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp chia sẻ. Tuy vậy, ông Bùi Thanh An cũng thừa nhận việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương còn nhiều khó khăn.

Nhiều khả năng, trong số 5 xã chỉ đạo điểm chỉ có 2 xã Nghĩa Xuân và Minh Hợp về đích đúng thời hạn vào năm 2015. Đến thời điểm này có 4 xã đạt 13/19 tiêu chí theo quy định, riêng Châu Quang chỉ đạt 11/19 tiêu chí. Phần lớn các xã gặp khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí về môi trường, giao thông, thu nhập và chợ nông thôn. Để thực hiện được các nội dung này đòi hỏi nguồn ngân sách lớn, nằm ngoài khả năng huy động sức dân. Bên cạnh đó, do đặc thù địa hình miền núi, dân cư phân bố thưa, 53% đồng bào thuộc dân tộc thiểu số trình độ dân cư không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 22%, tập quán sản xuất canh tác cũ đã tác động đến việc thực hiện các tiêu chí theo chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sẽ cần thời gian để chứng minh hiệu quả mang lại từ chương trình, nhưng điều quan trọng là người dân nhận thấy ích lợi, trách nhiệm của mình trước cộng đồng, xã hội.

Bài, ảnh: Đào Tuấn

Mới nhất
x
Khi lòng dân đã thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO