Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống

06/09/2011 09:41

(Baonghean) - Sau 9 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 12 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV), du lịch Nghệ An có bước chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác chỉ đạo triển khai nghị quyết được thực hiện khá đồng bộ, nghiêm túc từ tỉnh đến các địa phương và đơn vị cơ sở. Cấp ủy các cấp quan tâm hơn đến việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch. Ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của các tầng lớp dân cư, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch tiến bộ đáng kể. Nhiều chương trình, đề án cụ thể hóa nghị quyết được xây dựng và triển khai thực hiện, giúp cho Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, thúc đẩy ngành Du lịch phát triển.

Hầu hết các chỉ tiêu về du lịch Nghị quyết đề ra đều đạt và vượt. Năm 2010 tổng lượt khách lưu trú đạt 2,74 triệu lượt, bình quân giai đoạn 2006 - 2010 tăng 14,4%/năm, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là 2,2 triệu lượt, trong đó có 98.285 lượt khách quốc tế, tăng bình quân 19,2%/năm. Tổng doanh thu dịch vụ du lịch năm 2010 đạt 1.003 tỷ 811 triệu đồng, bình quân 2006 - 2010 tăng 23,7%/năm, vượt mức 73% so với chỉ tiêu của Nghị quyết, hoạt động du lịch đã nộp ngân sách trên 87 tỷ đồng, tăng bình quân 22,9%/năm (giai đoạn 2006-2010) ; tổng số lao động trực tiếp trong các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn là 9.500 người, tăng bình quân 15,6%/năm, chưa kể hàng ngàn lao động gián tiếp trong các cơ sở dịch vụ liên quan đến du lịch.

Cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển. Năm 2004-2005, để chuẩn bị cho năm Du lịch quốc gia tại Nghệ An, tỉnh đã đầu tư 49 công trình hạ tầng du lịch với tổng số vốn lên tới 1.422 tỷ đồng; giai đoạn 2006 - 2010, đầu tư 551 tỷ 810 triệu đồng cho hạ tầng du lịch, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 116 tỷ đồng; toàn tỉnh có thêm 307 khách sạn, nhà nghỉ được đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư gần 1.600 tỷ đồng. Đến nay toàn tỉnh có 455 khách sạn, nhà nghỉ với 10.392 phòng, 19.968 giường,tăng 45,6% so với năm 2005.

Sản phẩm du lịch phát triển đa dạng, chất lượng các dịch vụ du lịch được nâng cao, một số khu du lịch như Kim Liên, Cửa Lò, Pù Mát đã trở thành điểm đến hấp dẫn và địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch Việt Nam; nhiều tuyến du lịch mới được hình thành đáp ứng nhu cầu của du khách. Công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể được triển khai tích cực; có 24 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, trong đó một số lễ hội đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến với Nghệ An như Lễ hội Làng Sen, Đền Vua Mai, Hang Bua, Đền Cờn, Đền Cuông, Lễ hội du lịch biển Cửa Lò,... Toàn tỉnh có 23 trung tâm lữ hành quốc tế và nội địa, trên 400 đầu xe taxi các loại, chủ yếu của hãng Mai Linh, Vạn Xuân; các phương tiện vận chuyển đường dài cao cấp của Công ty cổ phần Xe khách Nghệ An, Công ty Du lịch Văn Minh, Công ty Taxi Vạn Xuân góp phần giải quyết nhu cầu đi lại của du khách. Loại hình du lịch nghỉ dưỡng có tốc độ phát triển rất nhanh và trở thành sản phẩm có nguồn thu lớn nhất. Du lịch sinh thái gắn với văn hoá và làng nghề, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng đang có xu hướng phát triển. Tuyến du lịch sinh thái tham quan sông Giăng và bản dân tộc Đan Lai (Vườn quốc gia Pù Mát) đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Đến nay 100% doanh nghiệp thuộc ngành Du lịch hoàn thành việc cổ phần hóa và chuyển đổi hình thức sở hữu, hàng chục doanh nghiệp hoạt động du lịch được sắp xếp lại; 3 doanh nghiệp đoàn thể và LLVT chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên; các doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh du lịch có xu hướng phát triển mạnh. Công tác bảo vệ môi trường thường xuyên được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và được coi là điều kiện sống còn đối với hoạt động du lịch.

Công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đặc biệt là thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại; nhiều địa phương xây dựng được mô hình quản lý các cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo văn minh, trật tự được du khách đánh giá cao, tình trạng chèo kéo, đeo bám khách giảm đáng kể, tiêu biểu là mô hình "5 không" của thị xã Cửa Lò.

Tuy nhiên, chất lượng triển khai Nghị quyết chưa đồng đều, có lúc, có nơi vẫn còn mang tính hình thức; công tác sơ kết, tổng kết chưa được coi trọng đúng mức. Tăng trưởng về khách quốc tế chưa đạt chỉ tiêu đề ra; hoạt động du lịch còn chịu tác động của thời tiết và tính mùa vụ; mức chi tiêu bình quân của khách du lịch đạt thấp, nhất là chi tiêu cho các dịch vụ, tham quan, mua sắm. Sản phẩm du lịch Nghệ An còn đơn điệu, chất lượng không đồng đều, khả năng cạnh tranh thấp. Mô hình du lịch cộng đồng phát triển còn mang tính tự phát, hiệu quả thấp nên chưa thu hút được nhiều người dân tham gia. Hoạt động lữ hành thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh của các đơn vị lữ hành còn yếu, nhất là khả năng vươn ra thị trường quốc tế, khu vực. Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư còn chậm, dàn trải. Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, lãnh đạo doanh nghiệp và công nhân lao động trong ngành chưa cao; thiếu cán bộ giỏi về quản lý kinh doanh khách sạn, lữ hành, ngoại ngữ, kỹ năng nghiệp vụ...


Phan Thanh Đoài

Mới nhất
x
Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO