Khi "Nhà nông đua tài"

13/10/2011 17:32

Từ "đua" sản xuất kinh doanh giỏi...

Từ "đua" sản xuất kinh doanh giỏi...

Anh Phan Văn Hòa (Vĩnh Thành- Yên Thành) được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến "Ông giám đốc nông dân". Từ một nông dân chân lấm tay bùn, trăn trở trước cái đói, cái nghèo của những người cùng cảnh "Người nông dân do không tự chủ được giống, không kiểm soát được qui trình sản xuất khép kín nên năng suất, chất lượng hạt gạo không cao. Giống không hợp với đồng đất của mình thì dễ sâu bệnh, năng suất kém. Vậy nên, tìm được loại giống phù hợp là điều quan trọng, là "mấu chốt" để xóa nghèo cho bà con..." Và Công ty TNHH Vĩnh Hòa (Yên Thành) chuyên sản xuất giống do anh làm giám đốc ra đời.

Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, Công ty cho ra đời các loại giống lúa thuần, vừa rẻ, vừa chất lượng như AC5, AH1. Anh cung cấp giống với giá ổn định và bao tiêu luôn sản phẩm cho nông dân khắp các huyện trong tỉnh và cả các tỉnh bạn. Với năng suất trên 70 tạ/ha, giá cả thu mua luôn cao hơn giống lúa lai, chất lượng gạo dẻo, thơm, ngon nên người nông dân xứ Nghệ đã bén duyên với loại lúa AC5 chất lượng cao này. Và thương hiệu "Gạo xứ Nghệ" được đón nhận Cúp Vàng sản phẩm dịch vụ xuất sắc; Công ty TNHH Vĩnh Hòa được trao tặng Cúp Vàng doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2009, "Gạo xứ Nghệ" tiếp tục được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tặng Cúp vàng nông nghiệp, Công ty TNHH Vĩnh Hòa được Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam Vàng" tại hội chợ công nghệ Techmart. Ông được Bộ NN&PTNT vinh danh "Nông dân sản xuất lúa sáng tạo" toàn quốc năm 2010.

Còn anh Nguyễn Công Tâm (khối 6, thị trấn Kim Sơn, Quế Phong) chọn mô hình chăn nuôi nhím để phát triển kinh tế gia đình. Từ cặp nhím giống bố mẹ, anh đã nhân giống thành công các cặp nhím con, mỗi năm cho xuất chuồng 20 cặp giống sinh sản, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Hiện anh đang mở rộng chăn nuôi cầy hương, xuất bán giống và bán thịt cho các nhà hàng lớn. Anh chia sẻ: "Cái quan trọng để người nông dân thoát khỏi đói nghèo là ngoài sự chăm chỉ, cần cù cần có đầu óc linh hoạt, nhạy bén trong nắm bắt thị trường, để có sự chuyển đổi phù hợp..."



Mô hình trang trại nuôi lợn theo hướng hàng hóa ở xã Nam Anh (Nam Đàn)

Sinh năm 1950, bắt đầu nghề cơ khí phục vụ sản xuất từ năm 1990, anh Hồ Văn Hoàn (Hội viên Hội nông dân xóm 6, xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu) đã cho ra lò hàng loạt sản phẩm: mũi diệp cày, quạt lò, kiềng bếp, máy bằm thái chuối, máy tẻ ngô, máy xay bột gạo, máy thái thuốc lào tự động... Năm 1993, anh sáng chế thành công quạt lò nấu bếp bằng gang tiết kiệm 30-40% chất đốt được thị trường đón nhận. Anh được vinh danh là "Vua bếp", được cấp bằng sáng tạo khoa học kỹ thuật. Năm 2004, trước nhu cầu của thị trường vật liệu xây dựng đang "sốt", anh nhanh nhạy chuyển sang nghiên cứu và cho ra đời dây chuyền sản xuất gạch ép xi-măng mang thương hiệu cơ khí Hoàn Cầu. Sản phẩm dây chuyền sản xuất gạch ép xi-măng được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất sang cả nước bạn Lào. Trung bình mỗi năm xưởng của anh bán ra từ 300-400 bộ dây chuyền, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động. Cá nhân anh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 2 lần được tuyên dương tại Hội nghị Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc cùng nhiều Bằng khen của TW Hội Nông dân, của UBND tỉnh...

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có gần 45.000 hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp, chiếm 9,6% so với hộ nông nghiệp. Trong đó hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp TW chiếm 0,55%; cấp tỉnh chiếm 3,03%; cấp huyện chiếm 10,86% và cấp xã chiếm 85,56%. Hàng vạn hộ nông dân vươn lên làm giàu ở mọi lĩnh vực: là ông chủ trang trại, là giám đốc xưởng sản xuất; là chủ kinh doanh dịch vụ... Nhờ đó, kinh tế nông thôn tỉnh ta chuyển mạnh từ độc canh thuần nông sang đa canh, đa nghề theo hướng công-nông-dịch vụ.

Đến "đua" trên sân khấu...

Nhằm tạo sân chơi bổ ích cho nông dân, tạo diễn đàn để nông dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giao lưu, học hỏi lẫn nhau, qua đó, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp-nông dân-nông thôn đến mỗi cán bộ hội viên, khuyến khích nông dân vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội thi "Nhà nông đua tài".



Màn tiểu phẩm tại Hội thi "Nhà nông đua tài" huyện Nghi Lộc.

Hội thi "Nhà nông đua tài" năm 2011 đã "khởi động" rộn ràng, sôi nổi ở vòng thi cấp cơ sở ở 20/20 huyện, thành thị với hàng nghìn thí sinh và cổ động viên tham gia. Với 4 phần thi: lời chào nông dân, hỏi nhanh đáp gọn, tài năng nông dân (tiểu phẩm) và kiến thức nhà nông, Hội thi đã thật sự cuốn hút khán giả với những lời giới thiệu mộc mạc, chân thành về đặc sắc của từng địa phương qua lời ca, tiếng hát, thơ ca, hò vè của các đội tham gia. Đặc biệt, sự hiểu biết về KHKT, kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất của nông dân tại các hội thi trên những lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, công tác hội... được thể hiện qua phần thi kiến thức nhà nông và hỏi nhanh đáp gọn. Không chỉ thể hiện sự hiểu biết về kiến thức sản xuất, những nông dân chân lấm tay bùn còn rất "tài năng" khi hoá thân xuất sắc trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm đề cập đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội, an ninh - quốc phòng, sản xuất kinh doanh, phê phán những thói hư, tật xấu diễn ra ở địa phương, đơn vị... Qua đó, những kiến thức về công tác Hội, về ứng dụng KHKT trong sản xuất được chuyển tải một cách dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tiếp thu. Anh Lương Văn Quyền, thành viên đến từ xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) cho biết: "Để đến với hội thi, đội chúng tôi đã luyện tập cả tháng trời. Ngoài đọc, tìm hiểu các sách nói về kỹ thuật trồng trọt, các văn bản pháp luật, các thành viên trong đội còn tích cực tập luyện, dàn dựng tiểu phẩm. Đến với hội thi, chúng tôi mong tiếp thu được nhiều kiến thức để về truyền đạt lại với bà con trong xã, cùng áp dụng vào sản xuất, phát triển..."

Để hội thi trở thành một hoạt động thi đua rộng lớn, nhiều huyện, thành hội đã chỉ đạo 100% các xã, phường, thị trấn tổ chức hội thi ở từng đơn vị. Trên cơ sở đó, lựa chọn những đội xuất sắc tham gia hội thi cấp huyện, thành phố, tiêu biểu như Hội Nông dân huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Thành phố Vinh... Và để đảm bảo chất lượng, hiệu quả tuyên truyền nhiều huyện đã lựa chọn hình thức thi cụm, mỗi cụm lựa chọn từ 2 đến 3 đội xuất sắc tham gia hội thi cấp huyện. Cùng với việc lựa chọn hình thức thi hợp lý, các huyện, thành hội đã rất chủ động phối hợp với các ngành chức năng như Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông...lựa chọn, bổ sung thêm những câu hỏi để phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương trên cơ sở bộ câu hỏi do Tỉnh hội ban hành...

Hội thi "Nhà nông đua tài" đã động viên, khích lệ nông dân tích cực thi đua lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng nông thôn mới ngày càng ấm no hạnh phúc.


Thanh Phúc

Mới nhất
x
Khi "Nhà nông đua tài"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO