Khi nhà nông "xa" ruộng - Bài cuối: Hướng mạnh giải pháp sản xuất hàng hóa
(Baonghean) - Trong khi một số nông dân thờ ơ với đồng ruộng, thì ở nhiều nơi ruộng đất canh tác đang thực sự là “tấc đất tấc vàng”, mang lại giá trị sản xuất hàng trăm triệu đồng/ha/năm; và đã xuất hiện nhiều mô hình mới giúp người nông dân làm giàu chính đáng trên thửa ruộng của mình... Thực tế ấy cũng đặt ra cho ngành Nông nghiệp và chính quyền cơ sở cần có những giải pháp khắc phục tình trạng một số cánh đồng “trắng” vụ hè thu...
Dồn điền đổi thửa - hình thành vùng chuyên canh lớn
Những ngày này tại xóm 5, xã Thịnh Sơn (Đô Lương), anh Trần Văn Hiền đang tích cực cải tạo vùng ruộng sau dồn điền đổi thửa để xây dựng trang trại cá giống. Anh đã mạnh dạn đầu tư gần 900 triệu đồng để thuê máy móc cải tạo 8 cái ao, diện tích mỗi ao gần 1 sào, thả các giống cá đặc sản, có giá trị cao như cá trắm đen, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, cá trê lai. Nhờ diện tích tập trung anh đã có điều kiện quy hoạch diện tích ruộng trồng lúa cho thu nhập thấp thành trang trại, tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương. Với cách làm của mình, anh Hiền đang tích cực tìm hướng đi mới hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại vùng quê bán sơn địa này.
Chăm sóc hành tăm vừa gieo tại xóm 11, xã Nghi Lâm (Nghi Lộc). |
Xã Thịnh Sơn có 15 xóm với 1.393 hộ, số thửa ruộng lúc chưa dồn điền đổi thửa là 3.530 thửa. Sau khi thực hiện chuyển đổi, diện tích đất canh tác của từng hộ đã giảm bớt sự manh mún, số thửa giảm xuống còn 1.883 thửa, bình quân 1,68 thửa/hộ. Diện tích đất sản xuất của mỗi hộ nhỏ nhất là 500m2 và lớn nhất là 2.875m2, đảm bảo cho quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, hình thành các vùng chuyên canh lớn. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đầu tư thâm canh, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí sản xuất. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất đạt 159,42 tỷ đồng, tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2012 khi chưa chuyển đổi ruộng đất là 31%. Ông Võ Văn Hào, Xóm trưởng xóm 1, xã Thịnh Sơn cho biết: “Vì diện tích đất canh tác được mở rộng và thuận tiện cho canh tác, nên bà con dễ dàng sử dụng máy móc trong khi sản xuất. Hiện xóm có 6 máy dập đất và 5 xe công nông để vận chuyển nông sản. Với diện tích 5ha ruộng vùng Bàu bà con đã tiến hành nuôi cá lúa vụ 3, hứa hẹn sẽ mang lại năng suất cao”.
Thịnh Sơn chỉ là một trong nhiều xã của Đô Lương thực hiện tốt dồn điền đổi thửa, từ đó xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo tiêu chí nông thôn mới góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Từ đây người nông dân có thể canh tác trên quy mô sản xuất lớn, số lượng hàng hóa tập trung có chất lượng cao đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào làm ăn để hạ giá thành, nâng cao thu nhập. Ông Nguyễn Trọng Hợi, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đô Lương cho biết: “Những thành công nhất định của việc dồn điền đổi thửa đã tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai xây dựng các cánh đồng mẫu lớn như: Cánh đồng lúa tại Lạc Sơn và Văn Sơn; cánh đồng ngô ở Trung Sơn; cánh đồng lạc tại Bắc Sơn và Đại Sơn. Riêng Lạc Sơn, việc quy hoạch và triển khai sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn được triển khai từ đầu vụ xuân năm 2012, hiệu quả và năng suất tăng rõ. Năng suất tăng từ 10 đến 15% so với trước chuyển đổi, giá trị kinh tế cũng cao hơn”.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng đang được nhiều địa phương áp dụng có hiệu quả nhằm tăng giá trị sử dụng đất. Tại xã Nghi Lâm (Nghi Lộc), trên diện tích các xứ đồng của các xóm 2, 4, 5,11… trước đây đất cằn, xấu, vụ hè thu hầu hết bị bỏ hoang. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm gần đây, xã đã có bước khởi sắc mới trong sản xuất khi mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao. Trên cánh đồng Thông Lẫy, Giáp Cầu của xóm 11, trong những ngày này bà con đang hối hả vào vụ trồng hành tăm. Được biết, năm nay xóm 11 có gần 10ha trồng hành. Ông Trần Tiến Dũng, ở xóm 11, chia sẻ: “Thời gian sinh trưởng của hành tăm khoảng 3 tháng rưỡi, ngắn hơn lúa; hành lại là cây chịu hạn, vốn đầu tư ít, năng suất bình quân đạt 2,5-3 tạ/sào, nếu nhân với giá 1,8-2 triệu đồng/tạ, có khi giá lên đến 30-40 nghìn đồng/kg, tính ra 1 sào hành đạt 5 triệu đồng, lãi hơn trồng lúa, lạc”.
Theo ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm, thì năm nay xã trồng gần 46ha hành tăm, chủ yếu trên đất ruộng khô, đất trồng hoa màu hoặc những diện tích trồng cây lương thực nhưng kém hiệu quả. Hành tăm là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi chi phí nhiều về giống, phân bón, ít sâu bệnh, nhiều hộ nông dân đã tận dụng diện tích đất để trồng. Có những diện tích trồng hành tăm đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn...
Hiện tại ở hầu hết các địa phương của Nghi Lộc đều đã khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đất màu để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Ngoài những cây trồng truyền thống như lạc, vừng, ngô đông… thì các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như hành tăm, dưa hấu, cây lê cũng đang dần được đưa vào và mở rộng. Huyện đã từng bước hình thành các vùng chuyên sản xuất rau hàng hóa quy mô lớn như vùng sản xuất dưa hấu tập trung tại Nghi Long: 45ha, Nghi Thịnh: 25ha, Nghi Hợp: 15 ha. Các cây trồng khác như ớt cay, cây dược liệu, nhân trần, hành tăm tại các xã Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Đồng cũng có diện tích khá lớn. Việc đưa các giống cây mới vào sản xuất được gắn với xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao; trên địa bàn Nghi Lộc có 1.000ha đất màu cho thu nhập mỗi năm đạt 80-100 triệu đồng/ha, riêng đất hai lúa cũng cho thu nhập bình quân 35 triệu đồng/ha, tăng 11 triệu đồng/ha.
Trồng trọt gắn chăn nuôi
Tại xã Thanh Lâm (Thanh Chương), vào thời gian này đồng ruộng của xã ít có diện tích bỏ hoang hơn những địa phương khác, bởi gắn bó với ruộng đồng đã trở thành tập quán bao năm nay của bà con. Ngoài diện tích các cây trồng lương thực, thì rau màu được xem là một trong những thế mạnh của địa phương này. Trái ngược một số nơi cho rằng trồng trọt hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí là lỗ, thì ở đây bà con lại xem đó là nguồn thu chủ lực để phát triển kinh tế, nhờ bà con biết kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi.
Người dân xóm 5, xã Thịnh Sơn (Đô Lương) xây dựng ao nuôi cá trên diện tích ruộng sau chuyển đổi. |
Với đàn trâu bò trên 3.500 con, đàn lợn gần 2.900 con được xem là nguồn cung cấp lượng phân hữu cơ tương đối lớn cho diện tích canh tác sản xuất ở Thanh Lâm. Số lượng gia súc này tiêu thụ lượng thức ăn phụ phẩm nông nghiệp. Đồng thời, người dân tận dụng sức trâu bò cho khâu làm đất, cày bừa, đánh luống, giảm được nguồn chi phí đáng kể khi không phải thuê máy làm đất... Đó là những lợi ích để bà con nông dân Thanh Lâm cố gắng bám đồng, bám ruộng. Một số xã khác như Diễn Mỹ (Diễn Châu), Cẩm Sơn (Anh Sơn) cũng tập trung trồng trọt để có điều kiện phát triển mạnh chăn nuôi.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Đình Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương chia sẻ: “Giá thành sản phẩm chăn nuôi đối với nhiều địa phương của Thanh Chương thấp hơn so với vùng khác là do bà con đã liên kết chặt chẽ giữa trồng trọt và chăn nuôi. Nhận thức được tầm quan trọng của điều này, nên người dân trong toàn huyện nhiều năm gần đây chú trọng thực hiện để phát triển chăn nuôi duy trì tổng đàn trâu bò trên dưới 75.000 con và đàn lợn trên 100.000 con”.
Trước thực trạng diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang trong khi đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, tạo hướng đi mới tạo ra hiệu quả của bà con nông dân, ông Trương Minh Châu, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), cho biết: “Hiện toàn tỉnh có 93.657ha gieo cấy vụ hè thu, trong đó có 1.705ha không thể canh tác. Bên cạnh 20.000ha lúa phải chạy lụt mỗi năm, trong đó có 10.000ha là thuộc vùng ngập úng nghiêm trọng, thì diện tích bỏ hoang đất ruộng cũng là một vấn đề đang gây “đau đầu” cho các cơ quan, ban, ngành. Thông thường, hằng năm toàn tỉnh có 300 đến 400ha đất lúa hè thu bị bỏ hoang. Vụ hè thu vừa rồi diện tích này tăng đột biến bởi nắng nóng kéo dài gây ra tình trạng khô hạn nặng nề.
Có nhiều diện tích thuộc vùng Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên do nằm ở cuối nguồn thủy lợi sông Cả, nên đầu vụ thường xảy ra hạn nặng và không đủ nước tưới, nhưng cuối vụ lại bị ngập lụt bởi nước từ thượng nguồn đổ về. Tuy nhiên, dù vì lý do gì đi chăng nữa thì vấn đề bỏ hoang đất đã gây những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân cũng như vấn đề an ninh lương thực tại mỗi địa phương. Ông Trương Minh Châu cho biết thêm: “Mới đây nhất, giống lúa Khang dân cải tiến đưa vào thử nghiệm trong năm 2015 đã cho kết quả khả quan về chất lượng và năng suất, trong khi đó thời gian canh tác cũng rút ngắn chỉ còn lại 85 ngày, nên bà con có thể yên tâm sử dụng gieo cấy vụ hè thu; ngoài ra là các giống lúa P6 đột biến và Việt lai 20 cũng là những lựa chọn phù hợp cho sản xuất hè thu của Nghệ An”...
Giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng là thực hiện nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa ở các địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa lớn. Bên cạnh đó là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để chạy đua với thời tiết, thậm chí như trồng lúa tái sinh (hay còn gọi là lúa chét), nuôi cá - lúa, hay trồng cây nguyên liệu cho chăn nuôi.
Thanh Quỳnh
TIN LIÊN QUAN |
---|