Khi nông, lâm nghiệp ghi dấu ấn

28/06/2013 15:27

Đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Đại hội XIX Ban Chấp hành đảng bộ huyện Tân Kỳ đề ra 21 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Sau 2 năm rưỡi thực hiện, 14/21 chỉ tiêu mà đại hội đề ra đã đạt và gần đạt kế hoạch; 7 chỉ tiêu còn lại thuộc diện khó đạt. Trong các chỉ tiêu đạt được, lĩnh vực nông, lâm nghiệp tạo được dấu ấn nổi bật.

(Baonghean) - Đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Đại hội XIX Ban Chấp hành đảng bộ huyện Tân Kỳ đề ra 21 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Sau 2 năm rưỡi thực hiện, 14/21 chỉ tiêu mà đại hội đề ra đã đạt và gần đạt kế hoạch; 7 chỉ tiêu còn lại thuộc diện khó đạt. Trong các chỉ tiêu đạt được, lĩnh vực nông, lâm nghiệp tạo được dấu ấn nổi bật.

Đến Tân An, một trong những xã có tiến bộ vượt bậc trong thực hiện nghị quyết giữa nhiệm kỳ của Tân Kỳ, là 1 trong 3 xã đặc thù của Tân Kỳ, ngoài chính quyền xã quản lý hành chính thì nông trường quản lý 50% quỹ đất. Với diện tích 2.453 ha, điều kiện đất đai tương đối thuận lợi nhưng việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao ở Tân An không phải không có những khó khăn. Phải đến khi có nghị quyết cấp trên và xác định được đúng cây trồng chủ lực, Tân An mạnh dạn đưa cây cao su vào. Có thể nói, cây cao su đã mở ra hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Hiện nay, ngoài 100 ha mía cho sản lượng từ 4.500 đến 5.000 tấn/năm, Tân An có 400 ha cao su, trong đó từ 2010 mỗi năm trồng mới khoảng 100 ha; 42 ha đã cho thu hoạch bói, 300 ha dự kiến đến năm 2015 sẽ cho thu hoạch.

Anh Phan Xuân Lương - Bí thư Chi bộ xóm Diễn Châu, người chăm sóc và trồng cao su sớm nhất ở Tân An cho biết: Gia đình anh có 11 ha cao su, trong đó 8 ha trồng mới theo chủ trương của xã. Hiện nay, gia đình anh có 4 ha cao su đang thu hoạch, bình quân mỗi ngày cạo được khoảng 120 kg mủ giá mủ nước 14.000 đ/kg, mỗi ngày thu khoảng 1,7 triệu đồng. Để trồng cao su, ngoài chi phí giống ban đầu ở mức 800 đồng đến 20.000 đồng/cây (nếu cây giống 1 năm tuổi); mỗi năm, người dân phải bỏ chi phí từ 20 - 30 triệu đồng/ha để mua phân bón. Xóm Diễn Châu có 33 hộ thì đã có 31 hộ trồng cao su, trong đó 24 hộ bắt đầu khai thác nên đời sống kinh tế rất khá giả.

Tân An phấn đấu mỗi năm trồng mới 30 ha để đến năm 2015 có 600 - 650 ha cao su, góp phần cùng với các xã hoàn chỉ tiêu trồng mới cao su của huyện Tân Kỳ. Ngoài cao su, nhờ mối quan hệ phối hợp tốt với Công ty TNHH một thành viên Nông trường An Ngãi, nông dân còn được nhận đất khoán của nông trường để trồng và nuôi một số cây, con khác có giá trị kinh tế cao như cam, quất. Về phía nông trường cũng đảm bảo một số dịch vụ cung cấp giống và thu mua mủ cao su… nên bà con cũng yên tâm hơn. Bí thư Đảng ủy xã Tân An, ông Cao Tiến Thìn cho biết: Thành công của việc đưa cây cao su vào địa bàn là bước đột phá trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã.

Có thể nói, việc đưa cây cao su vào địa bàn là một ví dụ sinh động, sáng tạo và bám cơ sở thực hiện nghị quyết của đại hội về chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tân Kỳ.



Ông Phan Công Đoàn ở xóm Diễn Châu giới thiệu vườn cao su 4 tuổi.

Ngoài điển hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Tân An còn được chọn là 1 trong 4 xã điểm của Tân Kỳ để triển khai xây dựng nông thôn mới. Ngay sau lễ phát động, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới để tổ chức thực hiện. Trong 3 năm, xã huy động được tổng số tiền 7,5 tỷ đồng (bình quân 720 ngàn đồng/khẩu), trong đó 1,299 tỷ đồng tiền mặt, người dân hiến 6.000m2 đất (khoảng 6 tỷ đồng); huy động 10.000 ngày công, tương đương khoảng 1,5 tỷ đồng để làm đường bê tông và xây dựng các công trình phúc lợi. Trong 2 năm xây dựng nông thôn mới, Tân An làm được 8,85 km đường bê tông, chiếm gần ½ chỉ tiêu làm đường bê tông của huyện. Tân An được huyện xác định là một trong những xã khi có điều kiện thì tập trung đầu tư để hoàn thành tiêu chí nông thôn mới sớm nhất.

Một lĩnh vực khác trên lĩnh vực kinh tế mang đậm dấu ấn của việc chỉ đạo, bám cơ sở để thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, đó là Đề án nâng cao chất lượng đàn gia súc. Mặc dù đầu nhiệm kỳ, mục tiêu đề ra là tăng tổng đàn gia súc nhưng do tình hình dịch bệnh nên đàn gia súc không những không tăng mà còn có xu hướng giảm (thời điểm 2010-2011 giảm gần 4.000 con mỗi loại trâu, bò). Xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở chính sách của tỉnh, Huyện ủy thống nhất chủ trương và giao cho UBND huyện ban hành Đề án điều chỉnh theo hướng thay vì tăng tổng đàn thì chú trọng nâng cao chất lượng đàn, từ đó tạo giá trị kinh tế cho chăn nuôi.

Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, kết quả chuyển biến rõ rệt, sau một thời gian tổng đàn bị giảm thì nay đã tăng trở lại. Đáng chú ý, cơ cấu chất lượng đàn gia súc đã thay đổi với trên 50% đàn bò lai sind thay thế cho giống bò bản địa chất lượng kém. Trong 2 năm 2011 và 2012, mặc dù tổng đàn không tăng nhưng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên địa bàn tăng xấp xỉ 9%/năm. Người dân đã phấn khởi tham gia vào việc tiếp nhận dự án mở rộng đàn gia súc. Điển hình trong số này là Đồng Văn, Nghĩa Dũng, Nghĩa Đồng, Kỳ Tân, Tân Hương mỗi xã nuôi từ 3.000 - 4.000 con, nhiều gia đình nuôi đến hàng chục con trâu bò…

Việc điều chỉnh cách thức thực hiện đề án trên không chỉ thể hiện khả năng chỉ đạo linh hoạt trong tổ chức thực hiện nghị quyết, mà còn xuất phát từ việc bám cơ sở, nắm bắt tâm lý người dân. Nhờ Đề án này mà người dân đã thay đổi từ chăn thả rông sang nuôi nhốt; người dân cũng biết tận dụng đất bờ bãi để trồng cỏ, vừa làm thức ăn cho gia súc vừa chống xói lở đất…

Rõ ràng, để đạt được kết quả trên là không dễ, trên cơ sở dự báo, nắm bắt tình hình thuận lợi và khó khăn, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Kỳ đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực kinh tế như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; xác định các loại cây trồng chủ lực cho từng vùng và từng bước quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng; chỉ đạo nông dân “dồn điền đổi thửa”, tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng mẫu lớn; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề nông thôn tại 5 xã Tân An, Nghĩa Bình, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Dũng...

Nhờ đó, một trong những điểm nhấn lớn nhất về thực hiện nghị quyết nửa nhiệm kỳ ở Tân Kỳ là giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt mức tăng trưởng 4,47%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 4-5%. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất năm 2012 Tân Kỳ đạt 1.039 tỷ đồng, bằng 88% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực bình quân 54.591 tấn/kế hoạch 55.000 tấn/năm; diện tích trồng mía 5.778 ha/kế hoạch 4.500 ha, năng suất 58,5 tấn/ha; trồng được 2.346 ha/kế hoạch 5.000 ha cao su…. Chỉ số này một lần nữa chứng minh trong khó khăn, nông, lâm nghiệp vẫn là “giá đỡ” giúp kinh tế xã hội Tân Kỳ ổn định và phát triển.


Bài, ảnh: Nguyễn Hải

Mới nhất
x
x
Khi nông, lâm nghiệp ghi dấu ấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO