Khi nông thôn thiếu lao động

02/05/2013 18:45

Nhiều địa phương ở Nam Đàn đang xảy ra tình trạng lao động ở độ tuổi 25-35 “ly nông” để tìm những công việc có mức thu nhập hấp dẫn. Trong 82.000 lao động của huyện, mỗi năm có tới 1.000 lao động tìm việc làm ở những địa phương khác. Điều đó gây thiếu lao động thời vụ tại chỗ.

(Baonghean) - Nhiều địa phương ở Nam Đàn đang xảy ra tình trạng lao động ở độ tuổi 25-35 “ly nông” để tìm những công việc có mức thu nhập hấp dẫn. Trong 82.000 lao động của huyện, mỗi năm có tới 1.000 lao động tìm việc làm ở những địa phương khác. Điều đó gây thiếu lao động thời vụ tại chỗ.

Lao động nông nghiệp đang là vấn đề đáng lo ngại của Nam Đàn. Ông Trần Văn Sinh - Bí thư kiêm Chủ tịch xã Nam Anh, cho biết: “Từ mô hình đưa hoa lý xuống đồng với tổng diện tích 12 ha, mỗi hộ thu 300 triệu đồng/năm, gấp 5-6 lần so với trồng lúa... Thế nhưng, xu hướng chung của thanh niên trong xã là không muốn bám đồng, bám ruộng. Hiện nay xã đang có gần 1000 thanh niên đi lao động ngoài xã, hơn 400 thanh niên đi xuất khẩu lao động, khoảng 300 người đi làm công nhân cho các nhà máy may ở xã bên cạnh. Lực lượng lao động chủ yếu trên các cánh đồng của xã Nam Anh hiện đã… qua tuổi lao động!

Theo ông Sinh thì so với việc phát triển kinh tế tại chỗ, lao động tìm việc làm tại các khu công nghiệp và XKLĐ thu nhập cao hơn rất nhiều. Bây giờ Nam Anh nhà nào có “xe hơi, nhà lầu” đều nhờ vốn từ xuất khẩu lao động. Con em Nam Anh từ 20-35 tuổi đều mong có cơ hội được đi XKLĐ”. Ông Lê Văn Chiến ở xóm 6, xã Nam Anh là cựu chiến binh có trang trại rộng 20 ha vườn - ao - chuồng cho thu nhập mỗi năm từ 200 - 300 triệu đồng, chia sẻ: “Những lao động già không có nghề như chúng tôi mới ở nhà thôi chứ con cháu còn trẻ thì phải đi tìm việc khác có thu nhập cao chứ. Những công việc chăn nuôi nhỏ lẻ thế này thì ông già bà lão như chúng tôi trụ được”.



Cánh đồng mướp đắng cho thu nhập cao tại xã Nam Anh. Ảnh: Thu Huyền

Ở xã Nam Anh những năm gần đây có nhiều xóm không thể sinh hoạt chi đoàn vì không có đoàn viên. Năm 2012 cả xã chỉ kết nạp được 8 đoàn viên thanh niên vào hàng ngũ của Đảng. Không chỉ ở Nam Anh, nhiều xã cũng đang trong tình trạng thiếu lao động. Ở Hồng Long, lâu nay nhiều làng của xã này vẫn được gọi là “làng đàn ông” bởi hầu hết chị em phụ nữ đi xuất khẩu lao động, để lại ruộng vườn, nhà cửa cho các ông chồng quán xuyến,… Ở các xã khác, thanh niên nông thôn không có tư tưởng bám đồng, bám ruộng mà thường lựa chọn con đường vào Nam, sang Lào hoặc đi xuất khẩu lao động. Thiếu lao động, nhiều nơi phải thuê người vùng khác để cấy hái khi đến mùa vụ, ví như vụ xuân 2013 một số xã vùng 5 Nam phải thuê lao động từ Thanh Chương xuống cấy. Làm nông vất vả, có được hạt thóc thì người nông dân phải tính đến những khoản trang trải như: tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê phương tiện chở lúa, tuốt lúa… chưa kể đến phải đối diện với câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa. Chính vì vậy, nhiều người dân không còn mặn mà với đồng ruộng, cho người khác mượn sản xuất để đi làm những nghề phụ nhưng lại có mức thu nhập cao hơn.

Trưởng phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Nam Đàn - ông Phạm Mẫu Tùng, cho biết: Trong 82.000 lao động của huyện, mỗi năm có hàng ngàn lao động tìm việc làm ở các KCN trong Nam ngoài Bắc. Gần đây, việc các nhà máy may mặc đi vào hoạt động cũng đã giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động, trong đó có không ít con em Nam Đàn với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, tuy không phải là cao, nhưng an nhàn so với nghề nông. Đối với những lao động trong độ tuổi từ 40-45, khó xin được việc tại các công ty thì đi làm thuê, làm dịch vụ. Thế nên, ở Nam Đàn mới có thực trạng, lao động trên đồng ruộng bây giờ chủ yếu lại là người già và trẻ em.

Là huyện quê Bác, thời gian qua Nam Đàn đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và nhà nước. Người dân Nam Đàn cũng không vì thế mà ỷ lại, mà họ rất chịu khó lao động sản xuất. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện cũng đã có nhiều nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng…; có những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho bà con nông dân như: hàng năm mua phân bón trả chậm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, giúp bà con tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh…

Tuy nhiên, những sự đầu tư này sẽ không thực sự hiệu quả nếu Nam Đàn không sớm tìm ra lời giải cho bài toán thiếu lao động nông thôn. Tuy nhiên, trong lúc địa phương cần thời gian để nghiên cứu tìm giải pháp lâu dài, thì thiết nghĩ trước mắt, cần thực hiện có hiệu quả chủ trương “dồn điền đổi thửa”. Bởi có như vậy, địa phương mới có thể áp dụng được cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân làm giàu ngay trên chính đồng ruộng của mình; đó cũng là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực hiện nay.


Thanh Nga

Mới nhất
x
Khi nông thôn thiếu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO