Khi trường nghề ở Nghệ An thiếu giáo viên
Đây là tình trạng chung đang diễn ra tại nhiều trường nghề ở Nghệ An. Thiếu và không được bổ sung biên chế khiến các nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí đội ngũ và sắp xếp công việc.
Mòn mỏi chờ biên chế
"Từ năm 2017 đến nay, trường chúng tôi không được bổ sung biên chế dù đã có hơn 10 người về hưu" - ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc chia sẻ tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trong khi đó, ông Lê Vũ Anh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh cho biết, trường đang vừa thiếu giáo viên vì không được bổ sung biên chế, vừa không tuyển được giáo viên các môn nghệ thuật: "Trường chúng tôi đang đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, văn nghệ cho tỉnh nên đội ngũ giáo viên có những đặc thù riêng. Tuy nhiên, hiện nay trong công tác cán bộ, trường đang có những khó khăn; thứ nhất là từ năm 2015 đến nay, trường đã có 20 giáo viên về hưu, nhưng lại không được bổ sung một biên chế nào, đội ngũ giáo viên toàn trường giảm từ 90 xuống chỉ còn 70 người. Thứ hai, hiện có những môn học nhà trường không tuyển được giáo viên, nhất là những môn nghệ thuật".
.jpeg)
Do có nhiều “lỗ hổng” trong đội ngũ nên hiện nay giáo viên ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đang phải kiêm nhiệm và gánh một khối lượng công việc không nhỏ. Nhà trường cũng đang phải tiếp tục hợp đồng giáo viên, thậm chí phải hợp đồng cả giáo viên từ tỉnh Hà Tĩnh sang giảng dạy do thiếu nguồn giáo viên ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Tôi mong tỉnh quan tâm, có cơ chế để trường được tuyển dụng giáo viên chuyên ngành nghệ thuật, thu hút những giáo viên có trình độ cao. Ngoài ra, nhà trường mong muốn tỉnh ưu tiên, bổ sung biên chế để các trường nghề có điều kiện tuyển dụng giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giúp giảm áp lực và phù hợp với thực tế quy mô đào tạo của các nhà trường".
Ông Lê Vũ Anh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh
Khó giữ chân giáo viên
Do không có biên chế, thiếu cơ chế để thu hút nên hiện nay nhiều trường nghề ở Nghệ An đang xảy ra tình trạng "chảy máu" chất xám.
Cũng trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Hữu Hằng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Đức nêu thực trạng, nhiều giáo viên giỏi của trường đã xin nghỉ hoặc sang nước ngoài làm việc: Đội ngũ giáo viên trường nghề hiện nay đang đứng trước 2 vấn đề, đó là do thực hiện tinh giản biên chế "ra 2 vào 1" nên không có chỉ tiêu tuyển dụng. Điều này lại càng khó giữ chân giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ, bởi lẽ họ sẽ không yên tâm gắn bó lâu dài với nhà trường.

Không chỉ trường chúng tôi mà nhiều trường nghề khác, giáo viên trẻ, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia đã sang nước ngoài để làm việc. Điều này là dễ hiểu. Nếu các trường nghề không có cơ chế "tự vận động" thì sẽ không giữ được chân giáo viên.
Ông Nguyễn Hữu Hằng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Đức
Trong bối cảnh thiếu giáo viên, hiện nay ở nhiều trường nghề, giáo viên đang phải làm quá tải.
Thầy giáo Đào Quốc Minh - giáo viên môn Hàn - Trường Trung cấp Kỹ thuật Yên Thành cho biết, thông thường, mỗi tuần thầy sẽ dạy 4 buổi. Tuy nhiên, hiện nay, lịch dạy của thầy đã lên 11 buổi - vượt gần gấp 3 so với quy định.
"Hiện chúng tôi đang có 100 học sinh lớp Hàn và nếu đủ giáo viên phải có 4 người. Tuy nhiên, thực tế ở trường tôi chỉ có 2 giáo viên nên các giáo viên đều đang phải dạy vượt tiết và quá tải. Điều này sẽ gây khó khăn cho giáo viên và cả học sinh, nhưng trong bối cảnh hiện nay đây là giải pháp tốt nhất để vẫn duy trì việc dạy và học ở nhà trường" - thầy Minh nói thêm.

Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra nhiều năm nay tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Yên Thành với nhiều bộ môn khác nhau, gây khó khăn cho nhà trường trong hoạt động. Nói về điều này, bà Vũ Thị Hồng Phúc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường chúng tôi có 1.000 học sinh nhưng hiện nay chỉ có 16 biên chế, trong đó có 13 giáo viên dạy nghề. Nếu tính theo quy định đang thiếu 24 giáo viên nữa mới đảm bảo việc dạy và học.
Cũng theo hiệu trưởng nhà trường, để có thể duy trì các lớp học, hiện nay nhà trường đang có 2 giải pháp, đó là tăng tiết cho giáo viên của trường hoặc hợp đồng giáo viên.
Tuy nhiên, các giải pháp này đều không ổn định lâu dài, bởi hiện nay với mức chi trả 60.000 đồng/1 tiết, hầu hết các giáo viên dạy nghề đều không mặn mà, thấp hơn nhiều so với thu nhập ở ngoài: "Chúng tôi mong muốn có một chính sách để thu hút giáo viên các trường nghề để các giáo viên yên tâm gắn bó lâu dài với nhà trường" - bà Vũ Thị Hồng Phúc cho biết.

Với những bất cập trên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp thì việc quan tâm đến đội ngũ giáo viên ở các nhà trường là điều hết sức quan trọng. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi các trường nghề đang từng bước tái cơ cấu sau khi chuyển đổi cơ quan chủ quản từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Sở Giáo dục và Đào tạo thì đây phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Nghệ An đang triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2026 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Vì thế, thời gian tới, tỉnh cần tập trung rà soát, đánh giá quy hoạch hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch ngành nghề đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ, giáo viên phù hợp với quy hoạch của cả nước, của vùng và quy hoạch của tỉnh Nghệ An.
Song song với đó, sẽ tiếp tục rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo đề án vị trí việc làm đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo...
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo