Khi văn hóa Thái đã thành máu thịt

07/04/2012 14:34

(Baonghean)-  Hàng chục năm qua, dấu chân ông đã in khắp các bản làng của vùng Tây Bắc Nghệ An, rồi có khi ra tận Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La… sưu tầm những hiện vật văn hóa của người Thái.  Đến bây giờ, căn nhà nhỏ của ông như một  “bảo tàng” thu nhỏ giàu giá trị truyền thống của văn hóa người Thái...

(Baonghean)- Hàng chục năm qua, dấu chân ông đã in khắp các bản làng của vùng Tây Bắc Nghệ An, rồi có khi ra tận Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La… sưu tầm những hiện vật văn hóa của người Thái. Đến bây giờ, căn nhà nhỏ của ông như một “bảo tàng” thu nhỏ giàu giá trị truyền thống của văn hóa người Thái...


Nhà ông Lô Thanh Trợ, ở bản Na Xiểm, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp. Dù đã nghe kể nhiều về ông, nhưng khi bước chân vào nhà, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước các hiện vật văn hóa của người Thái mà ông sưu tầm và lưu giữ. Hàng trăm đồ vật như cồng, chiêng, trống, mâm đồng, nồi đồng, thỏi bạc đến những thứ như xe chỉ, gặt lúa, cối gỗ, sáo, đàn, khung cửi…. tất cả đều có mặt trong căn nhà sàn đơn sơ.




Vợ chồng ông Trợ bên những "báu vật" của gia đình.

Bên chén rượu, ông tâm sự: “Từ bé, tui đã yêu thích những câu chuyện, câu hát của dân tộc mình, được bố mẹ động viên, khuyến khích nên niềm đam mê văn hóa dân tộc mình cứ lớn dần lên, ăn vào máu, vào ruột gan của mình rứa, chú à”. Hiện ông đang cất giữ được 2 bộ chiêng có tuổi lên đến 100 năm. Đặc biệt, ông còn lưu giữ được 3 thỏi bạc có tuổi khoảng 300 năm được cha ông để lại, xem đó như là những “báu vật”, để lưu truyền lại cho con cháu sau này. Còn các loại hiện vật như khèn, sáo, trống, đàn thì nhiều, đặc biệt ông còn thuộc và hát được hàng chục bài dân ca, hát đối của dân tộc mình.


Như để chứng minh, ông cầm cây sáo (tiếng Thái gọi là Pi khuy) lên thổi một điệu nhạc của dân tộc, vợ ông chị Ngân Thị Tính khẽ hát lên bài hát “Mấy khi khách đến nhà chơi….đến nhà ta chẳng có gì…chỉ có tấm lòng vàng đãi khách thôi…”. Ông còn vui vẻ cho biết, mình lấy được vợ cũng là nhờ chiếc sáo và những bài hát này.


Để có được một “bảo tàng” hiện vật đáng kể, ông đã phải vất vả, ngược xuôi đi sưu tầm. Suốt hàng chục năm qua, dấu chân ông đã in khắp các bản làng của vùng Tây Bắc, Nghệ An. Có khi chỉ vì để làm cái giàn bếp đúng với kiểu của người Thái, ông phải đích thân vào rừng tìm những cây tre thật ưng ý, sau đó mới ngồi vót, đan mất cả tuần mới xong. Rồi có khi, ông phải ra tận Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La để tìm mua một chiếc chiêng đẹp, ưng ý. Nhiều lần nhận tiền lương là ông giấu vợ để đi mua các hiện vật, rồi những khi không có tiền ông còn lấy tiền nhà để đi sắm cồng chiêng…


Được hỏi, trong những bộ hiện vật này cái nào đắt tiền nhất? Ông lắc đầu bảo: “Đối với tôi, tất cả những gì liên quan đến văn hóa Thái cũng đều vô giá cả”. Ông chưa bao giờ nghĩ đến việc bán đi các hiện vật mà ông có, mặc dù đã có nhiều người trả giá đến hàng chục triệu đồng. Vợ ông luôn ủng hộ, động viên nên ông luôn cố gắng sưu tầm, học hỏi để thực hiện được mong muốn lớn nhất của ông là khôi phục và phát huy được những nét văn hóa của dân tộc mình. Cả 3 người con của ông và các cháu trong dòng họ, được ông chỉ dạy nên ai cũng biết hát, sử dụng các loại nhạc cụ của dân tộc Thái.


Tuy nhiên, điều khiến ông lo lắng là hiện giờ, cả xã chỉ còn khoảng trên 10 bộ chiêng. Tại các ngày lễ, tiếng chiêng, tiếng hát ngày một ít xuất hiện hơn. Cả xã chỉ có vài người cao tuổi là biết viết và đọc chữ Thái! Đăc biệt, thanh niên bây giờ không còn quan tâm tới những giá trị văn hóa của cha ông mình để lại nữa, chỉ thích nhạc Tàu, nhạc Tây…?!


Ông Lô Thanh Tường, Chủ tịch UBMTTQ xã cho biết: “Ông Trợ là một người rất nhiệt tình, luôn đi đầu trong các phong trào văn hóa quần chúng ở địa phương, là hạt nhân quan trọng trong kế hoạch khôi phục và bảo tồn văn hóa mà chính quyền các cấp ở địa phương”. Sắp tới, ông có ý định cùng với một số người già trong vùng, kết hợp với chính quyền địa phương tiến hành mở các lớp dạy về hát, chơi các loại nhạc cụ của người Thái cho con, em trong địa phương.


Nguyễn Đăng Hiệp

Mới nhất

x
Khi văn hóa Thái đã thành máu thịt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO