Khó bảo hộ công dân đối với lao động bất hợp pháp

25/08/2015 13:52

(Baonghean) - Tình trạng lao động chui, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính bản thân người lao động, mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác bảo hộ công dân khi xảy ra sự cố…

Qua thống kê, rà soát của các cơ quan chức năng, trên địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An tính từ năm 2010 đến nay đã có 270 hộ/1.058 khẩu di cư trái phép sang Lào; 1.362 người xuất khẩu lao động trái phép ở Trung Quốc; đối với các trường hợp xuất cảnh trái phép sang Úc, từ năm 2013 đến nay, đã có 94 trường hợp người Nghệ An bị chính phủ bạn trao trả về. Bên cạnh đó là tình trạng xuất cảnh trái phép, lao động chui sang các nước như Anh, Canada, Angola, Thái Lan, lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc… (Thống kê chưa đầy đủ của Công an tỉnh trong năm 2014, số lượng công dân trên địa bàn sang các nước lao động tự do khoảng 9.822 người).

Anh Giang Công Huy, Trưởng phòng Lãnh sự biên giới (Sở Ngoại vụ) cho hay: Số lao động bất hợp pháp chiếm khoảng hơn 35% tổng số người Nghệ An đang cư trú, lao động tại nước ngoài. Qua khai thác thông tin từ những người bị phía nước ngoài trục xuất về nước, công dân cư trú tại các nước châu Âu được chính quyền nước sở tại đưa vào trại tị nạn và đối xử tốt; còn tại các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ thì quá trình sinh hoạt, lao động rất vất vả, thu nhập thấp, ít được quan tâm về sức khỏe và chế độ làm việc; riêng đối với các công dân bị Trung Quốc bắt giữ và trao trả thì phải trải qua quá trình lao động và sinh hoạt rất khổ cực và không ít người trước khi bị trục xuất về nước phải nộp lại một số tiền nhất định.

Chợ đêm Viêng Chăn (Lào) có nhiều lao động người Việt sang bằng hộ chiếu du lịch hoặc thăm thân mưu sinh.
Chợ đêm Viêng Chăn (Lào) có nhiều lao động người Việt sang bằng hộ chiếu du lịch hoặc thăm thân mưu sinh.

Trong năm 2014 và quý 1 năm 2015, Sở Ngoại vụ Nghệ An đã phối hợp với Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đôn đốc, khâu nối thông tin với các địa phương giải quyết 30 vụ việc liên quan đến 77 công dân là người Nghệ An ở nước ngoài, chủ yếu là các đối tượng di cư, nhập cảnh, xuất khẩu lao động trái phép hoặc tổ chức vượt biên trái phép bị các nước tạm giữ, yêu cầu trục xuất về nước hoặc xét xử, phạt tù (chủ yếu là Trung Quốc). Sở đã hỗ trợ giúp đỡ liên hệ với chính quyền địa phương, gia đình các đối tượng để thông báo tình hình, hướng dẫn thân nhân gia đình liên hệ với Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để tiến hành các thủ tục cần thiết đưa công dân về nước, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

Tuy nhiên, hiện tượng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới đưa sang một số nước như: Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada, các nước Đông Âu,… làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân hoặc kết hôn giả,… đã gây thiệt hại cho chính bản thân người lao động và gây nhiều khó khăn cho công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân ở nước ngoài. Chẳng hạn như đối với những trường hợp người lao động bất hợp pháp, lao động chui không may bị tai nạn lao động, ốm đau, bệnh tật hay bị xâm phạm… vì không có hợp đồng lao động hợp pháp nên sẽ không được đảm bảo các chế độ bảo hiểm, chính sách, quyền lợi liên quan. Nhiều trường hợp còn bị chủ chèn ép, quỵt lương, nợ lương không cho hưởng bảo hiểm hoặc các chính sách về người lao động theo đúng như quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp bị giết hại, bị bệnh qua đời, việc xác minh nhân thân, can thiệp để đưa thi thể về quê cũng gặp rất nhiều khó khăn. Như trường hợp của anh Nguyễn Công Nguyên (khối Tân Diện, phường Nghi Hòa, Thị xã Cửa Lò) vì đi theo con đường xuất khẩu lao động không chính thống đến khi bị sốt rét và tử vong tại Angola, không có ai đứng ra lo liệu, phải nhờ sự can thiệp của Đại sứ quán và số tiền quyên góp của các nhà hảo tâm lên đến cả tỷ đồng, thi hài anh mới được đưa về quê. “Quá trình làm thủ tục cũng rất phức tạp và mất nhiều thời gian…”, ông Nguyễn Công Hợp, bố anh Nguyên chia sẻ. Hay như hoàn cảnh của Nguyễn Văn Ngọc (xóm 6, phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò) cũng là một câu chuyện đau lòng. Ngọc giờ chỉ có thể kể về 6 năm lưu lạc của mình ở Thái Lan bằng những lời nói đứt quãng, lúc nhớ, lúc quên bởi di chứng của vụ tai nạn thảm khốc khi sang Thái Lan lao động chui. Còn Cường (xóm 2), bạn thân đi cùng với Ngọc khi đó mới chỉ sang Băng Cốc được đúng 3 tiếng đã bị tử vong tại chỗ. Ngày ở nhà hai đứa là bạn thân nên vừa sang Thái Lan Ngọc đã chở bạn đi tìm việc làm. Ngọc kể: Mình và bạn đang đi trên đường thì bị một chiếc ô tô cán phải, sau đó lái xe bỏ trốn nhưng chẳng dám truy trách nhiệm vì thân phận là lao động “chui”. Mẹ Ngọc chạy đôn chạy đáo khắp nơi, lên cả Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan để cầu xin giúp đỡ. Sau đó, may mắn, người Việt bên đấy khá đông, thấy hoàn cảnh thương tâm của mẹ con Ngọc đã quyên góp tiền giúp Ngọc trải qua cơn đại nạn và đưa thi hài bạn về quê.

Vì vậy, bên cạnh các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động, đa dạng hóa hình thức tập huấn, phổ biến, triển khai các văn bản pháp luật, các điều ước, thỏa thuận quốc tế liên quan đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đến cán bộ, công chức, viên chức và công dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách bảo hộ người lao động Việt Nam đang làm việc, học tập và sinh sống ở nước ngoài. Tăng cường cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong và ngoài nước phục vụ công tác bảo hộ công dân kịp thời…. Chính bản thân người lao động cần có ý thức tôn trọng pháp luật nước sở tại trong quá trình nhập cảnh và cư trú. Bởi suy cho cùng người lao động cũng là đại diện cho hình ảnh và uy tín của một quốc gia, một địa phương.

Khánh Ly

Mới nhất

x
Khó bảo hộ công dân đối với lao động bất hợp pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO