Khó cả về nguồn lực và công nghệ
(Baonghean) Một yếu tố làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn Nghệ An hiện nay đó là việc tồn tại khá nhiều các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và việc xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các điểm này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Kho chứa hóa chất BVTV tại xã Diễn Yên (Diễn Châu) được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, đến thời điểm này đã tồn lưu hàng chục năm. Mặc dù đã không còn sử dụng trong thời gian khá dài, nhưng ảnh hưởng từ kho chứa vẫn tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương. Tồn dư các hóa chất BVTV ngấm vào đất, nguồn nước tận hôm nay, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Hiện tại, người dân không dám đào giếng khơi hay giếng khoan gì mà chỉ dùng nguồn nước mưa làm nguồn nước sinh hoạt cho gia đình.
Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam xử lý điểm tồn dư thuốc BVTV tại Nam Lĩnh, Nam Đàn (ảnh xử lý bằng công nghệ ô xy hóa khử thuốc BVTV tồn dư trong đất).
Kho chứa hóa chất BVTV ở Diễn Yên là một trong số 913 điểm tồn dư thuốc BVTV mà các cơ quan chức năng đã khảo sát sơ bộ trên cơ sở lịch sử các kho chứa hóa chất của quân đội, bệnh viện, hợp tác xã nông nghiệp, các nông – lâm trường trước đây. Nghệ An là địa phương có số điểm tồn dư thuốc BVTV lớn nhất cả nước. Có thể nói, từ năm 1990 trở về trước, cứ ở đâu có kho của đơn vị quân đội, bệnh viện, hợp tác xã nông nghiệp, nông - lâm trường thì ở đó có sử dụng, dự trữ hóa chất bảo vệ thực vật.
Ở thời điểm đó, sự hiểu biết về tác dụng của hóa chất còn hạn chế nên trong quá trình vận chuyển, lưu giữ, sang chiết, pha chế các loại hoá chất (được thực hiện thủ công) không có các biện pháp ngăn ngừa. Thêm vào đó, hầu hết các kho chứa được xây dựng kết cấu không có khả năng ngăn ngừa ô nhiễm. Qua thời gian, các kho đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nền và tường phần lớn bị rạn nứt, mái lợp dột nát, nhiều kho không có cửa sổ, thậm chí cửa ra vào…
Những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã tập trung nguồn lực kinh phí, kể cả việc huy động nguồn lực từ Trung ương để tiến hành điều tra, rà soát và phân tích mức độ ô nhiễm tại 277/913 điểm tồn dư thuốc BVTV trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả phân tích cho thấy, có 265/277 điểm có mức độ ô nhiễm vượt quá quy chuẩn cho phép, tập trung ở các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Diễn Châu, Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn. UBND tỉnh cùng Sở TNMT đã tích cực làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để tranh thủ các nguồn lực tài chính cũng như công nghệ xử lý. Đặc biệt, đã có 286 điểm tồn dư thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh được đưa vào danh sách để xử lý theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 55 điểm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.
Tuy nhiên, xử lý những điểm tồn dư thuốc BVTV chưa rõ lấy từ đâu. Riêng 55 điểm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia được sử dụng nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh phải đối ứng vốn đảm bảo 50%, mà số điểm tồn dư thuốc BVTV cần xử lý từ nay đến năm 2020 là rất lớn. Kinh phí để xử lý cho mỗi điểm mất khoảng vài ba tỷ đồng trở lên, trong điều kiện là tỉnh nghèo thì đây đang là bài toán khó về vốn. Bên cạnh đó, công nghệ xử lý cũng là một khó khăn đang đặt ra.
Hiện tại, ở mỗi điểm tồn dư có chứa từng loại hóa chất khác nhau. Mỗi điểm lại có một địa hình, địa chất khác nhau (kho ở vùng đất sét thì sự lan tỏa độc tố ít hơn kho ở khu vực đất cát) nên mỗi điểm có một phương án xử lý riêng. Có điểm cần phải bốc đất vùng lõi vận chuyển tận vào Kiên Giang để tiêu hủy triệt để (gồm 83 điểm); có điểm phải dùng công nghệ hóa lý kết hợp vi sinh nhằm ô xy hóa các chất tuần lưu trong đất, trả lại dinh dưỡng cho đất... Hiện tại, Bộ TNMT cũng đang lúng túng trong việc lựa chọn phương án xử lý và chưa có hướng dẫn cụ thể cho địa phương. Lâu nay ở tỉnh ta, để tiến hành xử lý các điểm tồn dư thuốc BVTV, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh và Sở TNMT đều hợp đồng thuê đơn vị ở tận Hà Nội (Nghệ An hiện tại chưa có đơn vị nào có đủ năng lực, thiết bị để thực hiện phân tích). Ngoài ra, do các điểm tồn dư thuốc BVTV nằm xen trong các khu dân cư nên khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Theo khảo sát của Sở TNMT để xử lý ô nhiễm tại 263 điểm có tồn dư thuốc BVTV vượt mức cho phép cần phải di dời 423 hộ và 43 trụ sở văn phòng.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị trực tiếp làm chủ đầu tư các dự án xử lý ô nhiễm tồn dư thuốc BVTV. Đó là Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam thực hiện xong việc xử lý điểm tại Nam Lĩnh (Nam Đàn). Sở TNMT làm chủ đầu tư 2 dự án: 1 kho thuốc ở Dùng (Thanh Chương) và 1 ở Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu). Về phía Bộ TNMT lựa chọn 3 địa điểm, gồm: Kim Liên (Nam Đàn), Hòn Trơ (Diễn Châu), Vực Rồng (Tân Kỳ).
Theo ông Võ Duy Việt – Giám đốc Sở TNMT: Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện xử lý ô nhiễm tại các điểm tồn dư thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh, với trách nhiệm ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, các cơ quan chức năng tăng cường nguồn lực và hỗ trợ công nghệ xử lý. Về phía chính quyền các địa phương và người dân sống xung quanh vùng bị ô nhiễm phải thật sự hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xử lý, nhất là việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Có như vậy, việc xử lý tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong đất mới sớm thu được kết quả tốt góp phần ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cho con người và môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Mai Hoa