Khó cho công tác quản lý

09/07/2013 14:52

Thông tư liên tịch số 9/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 cho phép trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh bằng giấy khai sinh, giấy chứng sinh, thẻ khám bệnh miễn phí hoặc giấy xác nhận của  y tế cơ sở. Điều đó, vô tình tạo thói quen không sử dụng thẻ BHYT của người dân khi đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh, gây khó khăn cho công tác quản lý.

(Baonghean) - Thông tư liên tịch số 9/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 cho phép trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh bằng giấy khai sinh, giấy chứng sinh, thẻ khám bệnh miễn phí hoặc giấy xác nhận của y tế cơ sở. Điều đó, vô tình tạo thói quen không sử dụng thẻ BHYT của người dân khi đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Chưa đầy 20 phút đứng ở phòng khám của Bệnh viện Sản Nhi tôi đã thấy hai trường hợp đến khám bệnh mà không có có thẻ BHYT. Trường hợp thứ nhất là của cháu Võ Minh Hằng (sinh ngày 13/1/2013), con của anh Võ Đình Công (xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên). Cháu bé chưa đầy 6 tháng tuổi, mặt mũi tái xanh vì sốt và ho nhiều ngày nhưng vì không có thẻ BHYT nên khi đến làm thủ tục ở bộ phận tiếp nhận bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT phải đợi lâu hơn những người có đầy đủ thủ tục.

Trường hợp thứ 2 là của cháu Nguyễn Quốc Khánh, con chị Phan Thị Phương Nam (khối 12, phường Nghi Thủy), nghi bị viêm phổi nên chuyển đến từ Bệnh viện Thị xã Cửa Lò. Chị Ngô Thị Cẩm Nhung – Bộ phận phân sổ ở Bệnh viện Sản Nhi cho biết: “Hầu hết bệnh nhân khi đưa con vào bệnh viện đều có tâm trạng sốt ruột, lo lắng. Thế nên, nếu chúng tôi chỉ làm chậm vài phút thôi đôi khi cũng làm họ tức giận. Nhưng với những bệnh nhân không có thẻ BHYT, chúng tôi muốn làm nhanh cũng không được vì họ không có mã thẻ buộc bệnh viện phải điền đầy đủ các thông tin. Trường hợp may mắn thì làm một lần là được, còn những đối tượng nào mà chẳng may trùng nơi sinh, trùng ngày sinh với bệnh nhân khác thì phải làm đi làm lại nhiều lần”.



Làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Sản - Nhi

Mỗi năm Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An có hàng trăm trường hợp bị trùng thông tin như vậy. Riêng bệnh nhân đến khám bệnh không có thẻ BHYT thì hơn 10.000 người. Trong đó chỉ tính riêng quý 1 năm nay, đã có 2.754 bệnh nhân khám ngoại trú và 2.339 bệnh nhi nội trú dưới 6 tuổi đi khám bệnh không có thẻ BHYT. Điều này không những gây phiền toái cho chính bệnh nhân mà còn làm cho vấn đề quản lý người bệnh của bệnh viện gặp nhiều khó khăn.

Nói về những trở ngại trên, Bác sỹ Phạm Văn Diệu – Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Bệnh nhân có thẻ BHYT thì chỉ cần nhập mã số là chúng tôi đã kiểm tra được số lần khám, số tiền đã chi do đó dễ dàng quản lý được việc thu chi, BHXH cũng dễ trong việc thanh toán. Nhưng với bệnh nhân dùng giấy chứng sinh, giấy khai sinh thì bệnh nhân một ngày khám mấy lần chúng tôi cũng không quản lý được, chi bao nhiêu cũng khó thống kê hết. Thế nên, năm nào Bệnh viện Sản Nhi cũng bị “thổi còi” vì vượt quỹ khám chữa bệnh. Ở Bệnh viện Đa khoa Nghi Lộc, chị Hoàng Thị Mai – kế toán bệnh viện cũng thống kê mỗi năm bệnh viện có khoảng 600 trẻ dưới 6 tuổi đến khám không có thẻ BHYT. Nếu những bệnh nhân này phải chuyển tuyến thì mọi chi phí bệnh viện vẫn sẽ phải thanh toán mà không quản lý được số tiền sẽ phải trả.

Thực tế này cũng khiến cho đơn vị quản lý là BHXH tỉnh gặp nhiều khó khăn, bởi theo ông Lê Trường Giang – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh thì: “Do số lượt khám, chữa bệnh của trẻ em dưới 6 tuổi quá lớn, việc thống kê tháng năm sinh của trẻ ở các cơ sở khám chữa bệnh (trong và ngoài tỉnh) gặp rất nhiều khó khăn, nên mặc dù có hướng dẫn của liên ngành, nhưng các cơ sở khám, chữa bệnh chỉ thống kê năm sinh của trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám, chữa bệnh. Điều này đã làm cho cơ quan BHXH không thể xác định chính xác số tháng cấp chậm thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi làm cơ sở xác định mức tối đa kinh phí mua thẻ BHYT cho trẻ. Do vậy, đến nay, BHXH tỉnh mặc dù đã thanh toán đủ chi phí 26.801.941.173 đồng khám, chữa bệnh năm 2012 cho 39.726 lượt trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT nhưng vẫn chưa được Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định bổ sung kinh phí”.

Vì sao người nhà bệnh nhân không dùng thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh mà lại dùng các giấy tờ thay thế. Câu hỏi này có nhiều lý giải, trong đó nguyên nhân chính là bởi vì “tiện”. Thường bệnh nhân thấy dùng thẻ BHYT trước khi đi khám phải làm thủ tục chuyển viện, chuyển tuyến nên nhiều gia đình thấy ngại, trong khi đó chỉ cần giấy khai sinh thì bệnh nhân đến khám bệnh viện nào, địa phương nào cũng được. Bên cạnh đó, do Thông tư liên tịch số 9/2009/TTLT-BYT-BTC thiếu chặt chẽ, không quy định rõ đến độ tuổi nào là bệnh nhân không còn được dùng giấy tờ thay thế.

Ngoài ra, do ở tỉnh ta có nhiều xã, thôn, bản miền núi vùng sâu, vùng xa đi lại gặp nhiều khó khăn nên cán bộ xã thường nhiều tháng mới đi làm thẻ BHYT cho trẻ một lần, dẫn đến việc cấp thẻ bị chậm. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác này, chưa coi đây là việc làm thường xuyên nên chưa đốc thúc cán bộ chính sách thống kê số lượng trẻ sinh ra hàng tháng để kịp thời làm thủ tục gửi cơ quan BHXH cấp thẻ. Như trường hợp của cháu Nguyễn Quốc Khánh – con chị Phan Thị Phương Nam (ở phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò) mà chúng tôi nêu trên, chị Nam cho biết: “Ngay khi cháu sinh ra gia đình đã làm giấy khai sinh và báo cáo với cán bộ khối để xin được cấp thẻ. Thế mà gần 6 tháng rồi vẫn chưa có”.

Bên cạnh đó, hiện ý thức, hiểu biết của người dân về thẻ BHYT còn hạn chế, chưa hiểu rõ đây là lợi ích thiết thực cho con em mình nên không có ý thức trong việc làm thẻ, giữ gìn thẻ. Tại bộ phận nhận hồ sơ của Bệnh viện Sản Nhi và nhà thuốc bệnh viện hiện còn giữ hàng trăm thẻ BHYT do người nhà bệnh nhân quên, thế nhưng họa hoằn lắm mới có người quay lại lấy – chị Nguyễn Thị Thảo, nhân viên Bệnh viện Sản Nhi cho biết.

Để sớm chấm dứt tình trạng này, thiết nghĩ, cần tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu hơn về quyền lợi của trẻ và tính ưu việt của BHYT; đồng thời phải xác định rõ trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong việc phổ biến và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT; giao nhiệm vụ cụ thể cho cộng tác viên dân số phụ trách từng cụm dân cư, phối hợp cùng cán bộ tư pháp xã rà soát và lập danh sách, sau đó làm thẻ.

Về phía ngành BHXH tỉnh, hiện ngành mới đưa vào phần mềm quản lý thẻ bảo hiểm khám, chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi, theo đó nếu trẻ đã có thẻ nhưng bị mất hoặc thất lạc thì chỉ cần đánh tên là có thể tìm đúng số thẻ. Xa hơn, để thuận lợi cho người dân trong quá trình cấp thẻ, hạn chế tình trạng chậm cấp thẻ cho trẻ dưới 6 tuổi, BHXH tỉnh vừa phối hợp với ngành LĐ,TB&XH xin ý kiến của UBND tỉnh ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa liên thông nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn tỉnh. Nếu được chấp nhận, trẻ em sau khi sinh, chỉ cần đến UBND phường, xã đăng ký cấp giấy khai sinh sẽ đồng thời được đăng ký hộ khẩu thường trú và cấp thẻ BHYT, tránh phải qua nhiều cửa, nhiều khâu như hiện nay.


Bài, ảnh: Mỹ Hà

Mới nhất
x
Khó cho công tác quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO