Khó giảm 2% hộ nghèo vì lạm phát

17/05/2011 10:36

Đời sống vật chất của gần 1,6 triệu công nhân, lao động trong 260 khu công nghiệp, 15 khu kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, đồng lương eo hẹp không đủ chi trả cho những chi tiêu tối thiểu.

Đây là thông tin của Bộ KH-ĐT đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động của tăng giá đối với đời sống của người nghèo, người làm công ăn lương. Theo đó, với 3 kịch bản về CPI bình quân năm 2011 mà Bộ này đưa ra: 11,9%, 13,1% và 13,9% thì không thể hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% trong năm nay do Quốc hội giao. Bộ KH-ĐT cũng tính toán, nếu chỉ số giá bình quân năm 2011 khoảng 13,9% thì người nghèo đang mất đi 30 -40.000 đồng/tháng/người.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phân tích: Tác động chính của quá trình tăng giá là giá lương thực – thực phẩm và giá xăng dầu leo cao. Chúng làm thay đổi cơ cấu chi tiêu của nhóm 20% dân cư nghèo nhất. Nhóm người này phải chi nhiều hơn cho nhu cầu hằng ngày, chiếm 55,9% cơ cấu chi tiêu để có lượng hàng hóa tiêu dùng tối thiểu nhằm duy trì cuộc sống trong điều kiện giá cả tăng lên, đồng thời sẽ giảm đi những khoản mục tiêu khác, dẫn tới làm giảm phúc lợi của hộ gia đình.

Một nghiên cứu khác về đói nghèo cũng cho thấy, sự tăng giá của hàng hóa không tương xứng với mức tăng của thu nhập, cụ thể mức thu nhập của người dân tại khu vực khảo sát chỉ tăng tối đa khoảng 10 - 20%, trong khi đó, giá cả các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng 30 - 50%. Điều này đã làm cho đa số người nghèo và cận nghèo, lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất… gặp nhiều khó khăn. Với mức thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 2 triệu đồng, bao gồm cả các khoản phụ cấp như tiền xăng xe, nhà trọ, làm thêm giờ…, thì thống kê cho thấy, hiện có tới 48,2% người lao động có mức thu nhập thấp nên phần lớn phải làm thêm giờ hoặc chấp nhận sống thiếu thốn.

Lạm phát tăng cao sẽ tác động xấu trước hết và nặng nề đến đời sống những người nghèo, người thu nhập thấp, đặc biệt là những người có nguồn thu nhập chủ yếu từ tiền lương tiền công, từ tiền trợ cấp xã hội. Những nguồn thu nhập được định trước không được tính trượt giá một cách đầy đủ hoặc được chậm điều chỉnh theo trượt giá. Do vậy, thu nhập thực tế của họ bị giảm sút, từ đó ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2011.


Theo nongnghiep.vn

Mới nhất
x
Khó giảm 2% hộ nghèo vì lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO