Khó huy động nguồn lực xây dựng nhà văn hóa khối, xóm

23/12/2013 19:33

(Baonghean) - Nhà văn hóa khối, xóm là trung tâm hội họp và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí của một khu dân cư. Với ý nghĩa đó, nhà văn hóa đóng vai trò không thể thiếu trong việc tổ chức các phong trào và là tác nhân quan trọng quyết định đến việc xây dựng làng văn hóa. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa xây dựng được nhà văn hóa khối, xóm theo đúng chuẩn…

Người dân xóm 6 (xã Hưng Tân, Hưng Nguyên) chơi thể thao tại nhà văn hóa xóm.
Người dân xóm 6 (xã Hưng Tân, Hưng Nguyên) chơi thể thao tại nhà văn hóa xóm.

Toàn tỉnh hiện có 5.182/5.859 làng, bản, khối phố có nhà văn hóa, sân chơi thể thao. Trong đó, có 3.697 nhà văn hóa đủ diện tích theo quy định của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, có hơn 4.000 nhà văn hóa có sân chơi thể thao, có trên 3.500 nhà có trạm truyền thanh, hơn 5.000 nhà được trang bị đủ thiết bị tăng âm loa máy… Nhà văn hóa khối xóm giúp cho các phong trào hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở phát triển, cũng là cơ sở quan trọng để các đơn vị xây dựng làng, bản khối phố văn hóa và là một trong những tiêu chí để được công nhận nông thôn mới.

“Nói về sự đầu tư và hiệu quả thì Hưng Tân (huyện Hưng Nguyên) là một trong những đơn vị đi đầu của cả tỉnh bởi ít có nơi nào 9/9 xóm đều được công nhận xóm văn hóa và cũng ít có nơi nào người dân tự đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa, dù là một xã thuần nông. Kết quả này là một quá trình mà nếu không có sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân thì khó có thể thực hiện được”, ông Phan Đăng Minh, chuyên trách văn hóa xã Hưng Tân tự hào. Để chứng minh điều này, ông dẫn tôi đi hết 9 nhà văn hóa của xóm. Đây cũng là thời điểm xã đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập nên đi đến đâu cũng thấy các hoạt động thể dục, thể thao được tổ chức sôi nổi. Ông Hoàng Văn Âu, Xóm trưởng xóm 6 cho biết: “Hai năm trở lại đây khi xóm đầu tư gần 600 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa với thiết chế thể thao đồng bộ từ sân bóng chuyền, bàn thi đấu bóng bàn... thì phong trào thể thao phát triển nhanh chóng và thu hút được đông đảo người dân tham gia. Xóm 6 cũng là xóm dẫn đầu về kêu gọi xã hội hóa trong xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó chỉ riêng gia đình ông Ngô Đức Ngọc đã ủng hộ 100 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa và hơn 10 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị”.

Xác định rõ vai trò của văn hóa cơ sở, trong đó có việc xây dựng các nhà văn hóa khối, xóm nên từ năm 2012 huyện Hưng Nguyên đã triển khai đề án xây dựng thiết chế văn hóa thể thao – thông tin đạt chuẩn. Trong đó, riêng việc xây dựng nhà văn hóa khối, xóm ngoài các nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia huyện hỗ trợ từ 20 – 50 triệu đồng/ một nhà văn hóa, ưu tiên đối với những xóm có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa. Nhờ thế, hiện nay toàn huyện đã có hơn 190 nhà văn hóa, trong đó có 107 nhà văn hóa đạt chuẩn. Tuy vậy, hiện vẫn còn hơn 50 xóm chưa có nhà văn hóa, còn phải sinh hoạt chung với nhà mẫu giáo. Trong đó tập trung chính ở những xã thuộc vùng khó khăn, xã có đông đồng bào giáo dân như Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng Trung, Hưng Tây.

Điều đó thực sự ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt chung của bà con, ảnh hưởng đến các phong trào văn hóa, văn nghệ và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Như ở xóm Đại Huệ 7, xã Hưng Tây do không có nhà văn hóa nên mấy chục năm nay xóm đều phải thuê nhà của dân mỗi năm 1 tạ lúa để hội họp. Nhưng do phải đi thuê nên “không tránh khỏi bất tiện vì chỉ riêng họp xóm cả năm đã 6, 7 cuộc, rồi các hội họp khác của 6 đoàn thể, chẳng nhà nào cho thuê lâu được. Ai cũng sợ đông người vào gây ồn ào, lộn xộn”, ông Nguyễn Văn Hùng, Xóm trưởng cho biết. Không có nhà văn hóa nên xóm cũng không có các hoạt động như văn hóa, văn nghệ, thể thao, sinh hoạt hè cho thiếu nhi, không tổ chức được các hoạt động vui xuân, mừng thọ cho những người cao tuổi… Khó khăn lớn nhất hiện nay của xóm Đại Huệ là thiếu kinh phí, bởi xóm chỉ có 55 hộ, trong khi để xây dựng một nhà văn hóa là vài trăm triệu đồng, kinh phí hỗ trợ của huyện và xã chỉ là “muối bỏ bể”.

Ông Nguyễn Xuân Thủy – Trưởng phòng Văn hóa huyện cho biết: “Trước đây các nhà văn hóa đều nằm giữa các xóm nên diện tích nhỏ, không đủ theo tiêu chí xây dựng nhà văn hóa. Nay, nhiều xóm, sau khi quy hoạch đã tăng diện tích nhưng lại chủ yếu là ở ngoài đồng hoặc trên các ao hồ nên chi phí san lấp mặt bằng cao. Tất cả các khoản chi này, chủ yếu là dựa vào nguồn xã hội hóa nên gặp nhiều khó khăn”.

Ông Nguyễn Văn Lĩnh chuyên trách văn hóa xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ chia sẻ: “Với một xã nghèo, đông dân, địa bàn rộng như xã Đồng Văn nếu không có sự hỗ trợ từ các chương trình thì người dân không thể xây dựng được nhà văn hóa. Hiện nay, 15/15 xóm đã có nhà văn hóa, nhưng để đạt chuẩn thì chưa có xóm nào vì trang thiết bị đang còn thiếu thốn. Nhiều nơi như xóm Vĩnh Đồng, nhà văn hóa còn được tận dụng để làm nhà học cho trường mầm non của xã; xóm Đồng Mỹ, Đồng Lau, Khe Kiềm, Châu Thành, bục nhà văn hóa có “khung” nhưng chưa có bàn ghế, phông màn, loa máy để hoạt động”. Toàn huyện Tân Kỳ hiện có 6/22 xã chưa hoàn thành nhà văn hóa thôn xóm đó là xã Tân Hương, Hương Sơn, Kỳ Tân, Nghĩa Dũng, Nghĩa Phúc, Nghĩa Đồng.

Số tủ sách tại các khối, xóm chỉ đạt 12/266 xóm; còn 103/266 chưa đạt các tiêu chuẩn về diện tích khu thể thao, có 88 xóm chưa đạt đủ các tiêu chí nhà văn hóa. So với các huyện miền núi, những kết quả này của huyện Tân Kỳ có thể xem là khá cao, nhờ đó đã góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, hoạt động câu lạc bộ. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Phượng – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin của huyện thì hiện nay, tại nhiều xã diện tích đất dành cho các hoạt động văn hóa thông tin còn hạn hẹp nên chưa đủ để xây dựng nhà văn hóa, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/năm dành cho một khối để hoạt động cũng còn thấp chưa đủ để đảm bảo các hoạt động thường xuyên. Ngoài ra do một số làng bản đời sống kinh tế còn nghèo nên không huy động được nguồn để mua sắm các trang thiết bị để hoạt động. Điều đó cũng ảnh hưởng nhiều đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của huyện.

Đánh giá 10 năm xây dựng thiết chế văn hóa thể thao đạt chuẩn ở tỉnh cũng cho thấy hiện chỉ mới có 53,62% số làng, bản, khối xóm có thiết chế văn hóa – thể thao đạt chuẩn theo quy định của tỉnh, nghĩa là có nhà văn hóa, có ít nhất một sân thi đấu thể thao và có đủ các thiết bị như loa, đài máy, phông màn, bàn ghế… Ngoài ra, theo quy hoạch hiện chỉ có 4.057/5.859 làng, bản khối xóm quy hoạch đất dành cho sân chơi thể thao, trong đó chỉ mới 1.115 xóm đạt theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Mặc dù có nhiều địa phương đã ban hành một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ việc xây dựng các thiết chế ở cơ sở như Nam Đàn hỗ trợ một nhà văn hóa xóm 10 triệu đồng; Anh Sơn mỗi làng văn hóa được hỗ trợ 10 tấn xi măng; Hưng Nguyên hỗ trợ một xóm xây dựng nhà văn hóa từ 20 – 50 triệu đồng nhưng có thể thấy số địa phương quan tâm đến các hoạt động ở thôn xóm là còn quá ít, phần lớn dựa vào nguồn đóng góp của nhân dân và một số nhà hỗ trợ.

Để đạt được tiêu chí từ nay đến năm 2015, trong đó có ít nhất 60% người dân trở lên vùng đồng bằng, 25% người dân vùng miền tham gia các hoạt động văn hóa thể thao ở cơ sở, hơn 60% làng, bản khối xóm được công nhận và giữ vững làng văn hóa và có thiết chế văn hóa đạt chuẩn… thiết nghĩ cần hơn nữa sự quan tâm của các ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ kinh phí để xây dựng và mua sắm trang thiết bị. Ngoài ra, trong quy hoạch các xã, phường, thị trấn cũng nên tạo điều kiện dành diện tích cho các khối xóm xây dựng nhà văn hóa, không nên quy hoạch ở vùng xa dân cư, hoặc ở những nơi khó san lấp mặt bằng như ao, hồ hoặc ở các khu vực cần chi phí giải phóng mặt bằng cao…

Trong việc hỗ trợ, không nên cào bằng giữa các thôn xóm mà cần tính đến các yếu tố đặc thù như số hộ, mức độ giàu nghèo, hay khả năng huy động nguồn xã hội hóa. Ngoài ra cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các điển hình, mô hình, hội diễn văn nghệ quần chúng, thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ. Đưa việc xây dựng thiết chế vào nghị quyết hàng năm của các cấp ủy đảng, Hội đồng nhân dân để theo dõi thực hiện. Gắn việc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Mỹ Hà

Mới nhất
x
Khó huy động nguồn lực xây dựng nhà văn hóa khối, xóm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO