Khó nhân rộng các mô hình hiệu quả?

17/12/2012 17:17

Là huyện miền núi rẻo cao với điều kiện khó khăn về nhiều mặt, trong đó phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, lạc hậu.  Trong những năm gần đây, việc xây dựng các mô hình sản xuất  tập trung đã được Kỳ Sơn thực hiện mở ra hướng sản xuất hiệu quả.

(Baonghean) - Là huyện miền núi rẻo cao với điều kiện khó khăn về nhiều mặt, trong đó phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, lạc hậu. Trong những năm gần đây, việc xây dựng các mô hình sản xuất tập trung đã được Kỳ Sơn thực hiện mở ra hướng sản xuất hiệu quả.

Với đặc thù là huyện vùng cao, hầu hết diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp của Kỳ Sơn đều là đồi núi. Địa hình không thuận lợi cộng với tập quán du canh nên diện tích đất nông nghiệp của Kỳ Sơn nhanh chóng bị xói mòn và bạc màu. Thay vì cải tạo đất, bà con lại mở rộng diện tích đất rẫy trên đồi núi. Và đất nương rẫy phát triển đến đâu, đồi núi bị tàn phá đến đó. Trong khi đó, mục tiêu lâu dài của huyện Kỳ Sơn là phát triển sản xuất phải gắn với bảo vệ rừng. Kỳ Sơn đã đưa mô hình trồng cây bo bo dưới tán rừng đến với bà con nông dân. Đến nay, diện tích cây bo bo được trồng mới của huyện xấp xỉ 30 ha. Người dân tích cực trong việc bảo vệ và chăm sóc diện tích cây bo bo, từ đó, việc bảo vệ rừng được chú trọng.

Bên cạnh đó, mấy năm trở lại đây, cây ngô lai đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân huyện Kỳ Sơn đã chứng tỏ mô hình trồng ngô lai trên đất dốc sau khi thí điểm đã được áp dụng đại trà thành công. Năm 2005, phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn triển khai mô hình điểm trồng giống ngô lai. Sau khi thí điểm thành công, cây ngô lai cho năng suất cao hơn nhiều so với ngô địa phương, cây lại thích hợp với khí hậu nơi đây, bà con được hỗ trợ 70% giá giống ngô, được tập huấn khoa học kỹ thuật. Đến nay, diện tích ngô lai là 2600 hecta, chiếm trên 90% diện tích ngô của toàn huyện, năng suất ngô lai đạt từ 3 - 3,5 tấn / 1 ha; năm 2012, sản lượng ngô ước đạt 12 nghìn tấn. Nhiều gia đình đã thu về hàng chục triệu đồng từ một vụ ngô. Ngoài ra còn có mô hình trồng lạc lai, mô hình trồng hoa ly, mô hình nuôi cá hồi…

Từ thực tế nói trên, có thể thấy những mô hình phát triển nông nghiệp đã đem lại giá trị kinh tế cao, nhưng cái khó là việc nhân rộng các mô hình này. Nguyên nhân là việc triển khai thực hiện các mô hình ở vùng cao còn gặp khó khăn lớn do giao thông không thuận tiện, trình độ thâm canh thấp. Mặt khác, mỗi khi một mô hình kết thúc, nông dân thường gặp khó khăn khi mua giống về sản xuất và bán nông sản do việc thông tin thị trường cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm. Khi triển khai mô hình, các hộ nông dân đều được hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật sau khi kết thúc chương trình, do không còn được hỗ trợ, nông dân không còn mặn mà để tiếp tục sản xuất. Đặc điểm này xuất phát từ tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận không nhỏ người dân vùng miền núi. Ông Lê Công Tâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết: “Để khắc phục tình trạng đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ quyết liệt hơn trong vấn đề chỉ đạo. Đối với xã phải gắn trách nhiệm nhân rộng mô hình với việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, phải lấy các mô hình trực tiếp cho người dân nhìn thấy và noi theo.”

Ngoài ra, để các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, thì việc củng cố và nâng cao chất lượng cán bộ khuyến nông cơ sở cũng là yếu tố hết sức cần thiết. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi lớn hơn so với lâu nay. Và đặc biệt trong quá trình tiến hành xây dựng và triển khai các mô hình, cần chọn đúng đối tượng, có nhu cầu, có ý chí quyết tâm vươn lên để làm giàu.


Phan Tâm - Xuân Tuấn (Đài Kỳ Sơn)

Mới nhất
x
Khó nhân rộng các mô hình hiệu quả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO