Khó nhân rộng diện tích cây dược liệu tại các huyện miền Tây xứ Nghệ

Tiến Đông 09/11/2021 09:52

(Baonghean.vn) - Mặc dù có điều kiện rất thuận lợi để phát triển cây dược liệu, nhưng việc nhân rộng diện tích cây dược liệu tại các huyện miền núi phía Tây Nghệ An vẫn còn rất khó khăn.

Khó mở rộng diện tích

Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho việc phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển cây dược liệu tại địa phương này cũng chỉ mới dừng lại ở trồng khảo nghiệm thông qua sự phối hợp giữa Sở KH&CN Nghệ An và Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống thuộc Tập đoàn TH.

Anh Hờ Bá Rê trú tại bản Mường Lống 2 có hơn 2 ha rẫy gần nhà lâu nay chỉ trồng đào, mận và thả bò. Anh Rê cho biết, mặc dù có nghe nói đến hướng phát triển cây dược liệu nhưng đến nay gia đình anh chưa biết phải bắt đầu từ đâu và trồng cây gì.

Khu vực Mường Lống (Kỳ Sơn) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho cây dược liệu phát triển, tuy nhiên việc nhân rộng trong người dân lại chưa thực hiện được. Ảnh: Tiến Đông
Khu vực Mường Lống (Kỳ Sơn) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho cây dược liệu phát triển. Ảnh: Tiến Đông

Toàn bản Mường Lống 2 có hơn 200 hộ dân và hầu như nhà nào cũng có vườn, trong đó có khoảng 20 nhà có diện tích vườn lớn. Vậy nhưng, khi nhắc đến việc nhân rộng phát triển trồng cây dược liệu thì ai cũng lắc đầu. Bởi trên thực tế do chưa có một đơn vị nào xác nhận việc đảm bảo đầu ra cho người dân nên không ai trồng.

Xã Mường Lống có 13 bản, trong đó có 5 bản tập trung xung quanh khu vực thung lũng trung tâm xã. Tại đây các cơ quan chức năng và đơn vị đã trồng và khảo nghiệm được 12 loại dược liệu khác nhau như: sâm Puxailaileng, cây 7 lá 1 hoa, tam thất bắc, lan thạch hộc tía, đương quy, đẳng sâm, đan sâm, la hán quả, hà thủ ô đỏ... Mặc dù vậy, để nhân rộng ra diện tích lớn cho nhiều người dân cùng tham gia thì chưa làm được.

Mặc dù xã đã quy hoạch khu vực trồng dược liệu theo tinh thần chỉ đạo của huyện và tỉnh nhưng trên thực tế, chưa có hộ dân nào cùng tham gia vào việc trồng và khai thác cây dược liệu, khiến cho việc tận dụng những tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy.

Ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã Mường Lống

Không riêng gì Mường Lống, tại huyện Kỳ Sơn có nhiều khu vực rất thuận lợi cho sự phát triển của cây dược liệu, như tại Na Ngoi, Keng Đu, Huồi Tụ, Nậm Cắn, Tây Sơn…Tuy nhiên, việc đưa cây dược liệu trở thành mũi nhọn của địa phương này cũng chỉ mới dừng lại ở ý tưởng.

Ông Vi Văn Oanh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn cho biết: Thời gian gần đây cũng đã có một số đơn vị về khảo sát khu vực này để trồng dược liệu, tuy nhiên chưa triển khai được gì. Theo ông Oanh, trên thực tế, cây dược liệu đòi hỏi thời gian canh tác dài hơn so với các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, nếu không đảm bảo đầu ra thì sẽ không ai dám trồng.

Trồng khảo nghiệm cây Giảo cổ lam tại Kỳ Sơn. Ảnh: Tiến Đông
Trồng khảo nghiệm cây giảo cổ lam tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Tiến Đông

Tại huyện Quế Phong năm 2016 địa phương này đã xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020", trong đó có cây chè hoa vàng. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020 trồng được 5 ha cây chè hoa vàng, đạt năng suất 7,5 tạ, chi phí đầu tư cho 1 ha hơn 140 triệu đồng, đồng thời bảo vệ được 90 ha. Tuy nhiên, sau khi kết thúc đề án, kết quả cũng chỉ bảo tồn được 81,3/90 ha; riêng trồng mới chỉ đạt được 2/5 ha chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim. Mặc dù giá trị kinh tế của cây trà hoa vàng rất lớn, 1 kg hoa khô có thể lên tới 3-4 triệu đồng, nhưng nó rất khó nhân rộng ra đại trà, bởi vì không chủ động được cây giống, ngoài ra, tỷ lệ cây chè hoa vàng sống đạt rất thấp, trong khi chi phí cây con giá rất cao.

Cần sự vào cuộc của doanh nghiệp

Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Phong cho rằng, dù cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao, người dân có thể trồng xen dưới tán rừng, nhưng do nó không cho thu hoạch tức thì nên cũng rất khó thu hút người dân. Chưa kể do không chắc chắn về đầu ra nên người dân không dám mở rộng diện tích.

Chăm sóc cây Thìa canh ở Con Cuông. Ảnh: Tiến Đông
Chăm sóc cây thìa canh ở huyện Con Cuông. Ảnh: Tiến Đông

Nói về chuyện phát triển diện tích cây dược liệu, ông Lô Khăm Kha -Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tương Dương đã phải thở dài. Ông Kha bảo, có nhiều loại cây dược liệu dưới tán rừng Tương Dương còn có dược tính tốt hơn ở những nơi khác, nhưng vấn đề là chưa có sự đầu tư để trở thành hàng hóa.

Thực tế, toàn huyện Tương Dương có đến hơn 222.000 ha rừng, việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là một trong những định hướng của địa phương. Cũng đã có nhiều đoàn doanh nghiệp, đoàn nghiên cứu đến khảo sát, đánh giá nhưng cũng chưa đi đến tận cùng vấn đề. Mà bản thân người dân thì không thể cứ trồng, cứ phát triển đại trà khi không có một sự cam kết về đầu ra cho cây dược liệu.

Người dân thu hoạch dược liệu ở Con Cuông. Ảnh: Tiến Đông
Người dân thu hoạch dược liệu ở huyện Con Cuông. Ảnh: Tiến Đông

Ngày 3/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1187/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo Quy hoạch này, mục tiêu phấn đấu bảo tồn 38 loài cây thuốc với tổng diện tích 15 ha tại 3 khu bảo tồn gồm: Liên Hợp (Quỳ Hợp), Hạnh Dịch (Quế Phong) và Mường Lống (Kỳ Sơn). Khai thác 17 loài, nhóm cây dược liệu tại 13 huyện, thị xã với sản lượng dự kiến hàng năm khoảng 900 tấn. Xây dựng vùng trồng dược liệu tập trung 14 loài, nhóm cây dược liệu với tổng diện tích 905 ha tại 11 huyện, thị xã.

Quy hoạch này cũng đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Nghệ An, trong đó, chia tổng diện tích 905 ha thành 3 vùng. Gồm vùng núi cao có diện tích 520 ha, vùng núi trung bình 100 ha và vùng núi thấp là 285 ha.

Đề án "Quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu của tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng và quy hoạch của các ngành, lĩnh vực trong tỉnh. Tuy nhiên, cần phải xem xét một cách kỹ càng các điều kiện về nguồn nhân lực, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và thị trường, để phát triển cây dược liệu hàng hóa theo hướng ổn định, lâu dài, có quy mô diện tích lớn, tập trung, chuyên canh. Đồng thời phải kêu gọi được các doanh nghiệp có tiềm lực để bắt tay cùng với người dân để khép kín chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu và tạo ra sản phẩm phân phối trên thị trường. Nếu không, thì rất khó có thể đạt được diện tích và năng suất như kỳ vọng.

Mới nhất
x
Khó nhân rộng diện tích cây dược liệu tại các huyện miền Tây xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO