Khó quản lý dịch vụ cầm đồ ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Tiếp nối loạt bài về thực trạng sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.Vinh cầm cố, tín chấp thẻ sinh viên tại các hiệu cầm đồ để vay những khoản tiền với lãi suất cắt cổ, PV Báo Nghệ An đã tìm hiểu về công tác quản lý sinh viên ở một số trường học đại học, cao đẳng.
Qua trao đổi, ông Hoàng Ngọc Diệp - Phó trưởng Phòng Công tác chính trị và Quản lý học sinh sinh viên ,Trường ĐH Vinh thừa nhận: Tình trạng sinh viên dùng thẻ và chứng minh nhân dân để tín chấp vay tiền là có, nhưng trường hợp cụ thể thì phía nhà trường chưa nhận được sự phản ánh nào từ cơ quan chức năng.
Ông Hoàng Ngọc Diệp - Phó trưởng Phòng Công tác chính trị và Quản lý học sinh sinh viên Trường ĐH Vinh. |
Ông Diệp cũng cho biết, Trường Đại học Vinh có hơn 20.000 sinh viên, nên công tác quản lý là cả một vấn đề. Giải pháp quản lý sinh viên chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các em tránh xa các tệ nạn xã hội. Ngoài tổ chức tuần sinh hoạt công dân cho tất cả sinh viên các khối vào đầu năm học, hàng tuần trường đều cử cán bộ giảng viên của trường tới các địa bàn sinh viên thuê trọ để tổng hợp tình hình HSSV ngoại trú.
Về hỗ trợ sinh viên khó khăn, ông Hoàng Ngọc Diệp nói rằng, năm học vừa qua, Đại học Vinh đã cấp học bổng toàn phần cho 30 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất là 28 triệu đồng; thành lập CLB Mái ấm trường Vinh để hỗ trợ cho 38 sinh viên là con mồ côi cả cha lẫn mẹ, bố trí ở KTX hoàn toàn miễn phí và trợ cấp 200.000 đồng/tháng, đồng thời hỗ trợ tìm việc làm bán thời gian tại trường để các em có thêm thu nhập. Những hoạt động này nhằm giúp sinh viên có thêm động lực học tập trong môi trường lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Một góc đường Bạch Liêu (TP.Vinh), nơi tập trung hàng chục cửa hàng, cửa hiệu cầm đồ |
Tìm hiểu tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, ông Nguyễn Đình Ninh - Trưởng Phòng công tác HSSV cho rằng, với gần 3.000 sinh viên, chủ yếu sống ngoài ký túc xá, công tác quản lý cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng - Phó trưởng Công an xã Nghi Phú, nơi đứng chân của trường cho biết, hiện trên địa bàn có 10 điểm kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hàng tháng công an xã đều tiến hành kiểm tra từng nơi nhưng mới ở mức độ nhắc nhở, chưa có trường hợp nào bị răn đe và xửa phạt.
Theo "quy định" của nhiều hiệu cầm đồ, sinh viên muốn dùng thẻ sinh viên tín chấp vay tiền, cần có người vay cùng để tránh "rủi ro" cho chủ hiệu. |
Giấy dành cho người cùng vay. |
Theo trung tá Nguyễn Thị Thanh Hoa - Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về TTXH – Công an TP.Vinh, cá nhân hoặc tổ chức sau khi có đầy đủ các điều kiện (vốn, thủ tục pháp lý, ANTT, PCCC...), chỉ cần làm giấy phép đăng ký kinh doanh là có thể mở một cơ sở cầm đồ.
Tuy nhiên, cấp phép thì dễ, nhưng quản lý loại hình kinh doanh này thì không hề đơn giản. Để che mắt các lực lượng chức năng, các hiệu cầm đồ thường bố trí điểm giao dịch một đằng và để tài sản một nẻo, vì thế rất khó kiểm soát, phát hiện những tài sản không rõ nguồn gốc.
Nếu có phát hiện thì cũng không có đủ bằng chứng, vì khi đến nơi, các đối tượng đã kịp thời phi tang, tẩu tán hoặc nếu bắt được tang chứng, vật chứng thì cũng chỉ phạt dưới hình thức cảnh cáo nên chưa đủ sức răn đe.
Hơn nữa, việc cầm đồ với lãi suất cao, cho vay nặng lãi thường là thỏa thuận miệng giữa 2 bên chứ hiếm khi ghi vào trong văn bản, giấy tờ nên càng khó xử lý…
Thư Thư – Đặng Nguyễn
TIN LIÊN QUAN