Khó thực hiện!
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra một số giải pháp trên tinh thần đưa lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh về mức 17-19% trong tháng 9.
Trong đó, sẽ không cứng nhắc áp dụng các tỷ lệ an toàn sử dụng vốn của ngân hàng thương mại, đặc biệt là sử dụng vốn giữa thị trường một (thị trường giao dịch với dân cư và doanh nghiệp) và thị trường hai (thị trường liên ngân hàng).
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ linh hoạt hơn trong việc điều hòa lượng tiền cung ứng cho thị trường. Theo đó, các ngân hàng phải nỗ lực giảm dần lãi suất và mục tiêu là trong tháng 9 sẽ kéo lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường về mức 17-19%. Đồng thời phải nghiêm túc thực hiện quy định trần lãi suất huy động 14%/năm sau thời gian ngấm ngầm đẩy lên tới 17-18%/năm thậm chí 19% /năm.
Thế nhưng, hiện nhiều ngân hàng vẫn âm thầm huy động vượt trần quy định với lãi suất linh hoạt từ 14-18%/năm tùy khoản. Ghi nhận của phóng viên tại Ngân hàng Vietinbank sáng 29/8, với khoản tiền trên 200 triệu, khách hàng được hưởng mức lãi suất 18%/năm, trên 30 triệu là 17%/năm... Và đương nhiên, khi huy động cao thì cho vay sẽ không thể thấp.
Vì thế, mục tiêu đặt ra là kéo lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường về mức 17-19% của Ngân hàng Nhà nước liệu có khả thi là câu hỏi dư luận quan tâm. Nếu cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước không vào cuộc quyết liệt, các ngân hàng không nghiêm túc thực hiện, thiết nghĩ, câu chuyện lãi suất "đi đêm", thỏa thuận sẽ vẫn tiếp diễn, và mục tiêu, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội... khó mà thực hiện được.
Thu Huyền