Khó tìm "thủ lĩnh" cho chi đoàn thôn, xóm
(Baonghean) - Một trong những khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của đoàn, hội khối nông thôn hiện nay là lực lượng lao động trẻ đi làm ăn xa chiếm số lượng lớn, đội ngũ bí thư chi đoàn thôn xóm - “thủ lĩnh” phong trào thanh niên thường xuyên biến động, nhiều nơi đội ngũ bí thư chi đoàn vừa thiếu lại vừa yếu…
Nhiều Chi đoàn khuyết Bí thư
Xã Thanh Khê (Thanh Chương) hiện có 10 chi đoàn thôn xóm, trong đó có 3 chi đoàn vừa mới được kiện toàn, còn 1 chi đoàn hiện vẫn đang khuyết bí thư. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thái Châu - Bí thư Đoàn xã Thanh Khê chia sẻ: Hiện nay việc tìm người để bố trí đảm nhận vai trò bí thư chi đoàn thôn xóm hết sức khó khăn. Lực lượng thanh niên đi làm ăn xa đông, một bộ phận đi học đại học, cao đẳng, số ở nhà chủ yếu là học sinh và những người đã cứng tuổi, có gia đình nên bị gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai. Bởi vậy nên đội ngũ bí thư chi đoàn thôn xóm thường xuyên biến động, có khi vừa kiện toàn xong, làm được mấy tháng lại đi học, đi làm ăn xa”. Ví dụ như chi đoàn 4 năm nay thay 2 bí thư, năm trước thay đến 3 bí thư.
Chi đoàn xóm 5 cũng vừa mới thay bí thư là một thanh niên mới đi làm ăn xa về. Cũng bởi thiếu nguồn nên ở Thanh Khê có người sinh năm 1978, đã làm bí thư chi đoàn 10 năm nhưng vẫn phải tiếp tục gánh vác trách nhiệm. Các chi đoàn đã nhiều lần kiến nghị với các chi bộ, Đoàn xã cũng đề xuất với cấp ủy, Đoàn cấp trên về kiện toàn đội ngũ Bí thư chi đoàn thôn xóm nhưng thực tế không có nguồn nên cũng lực bất tòng tâm. Hiện Đoàn xã phải vận dụng công chức xã, học sinh THPT, thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương và thanh niên đi làm ăn gần để làm bí thư chi đoàn. Hiện tại có 2 bí thư chi đoàn là công chức kiêm nhiệm, 4 bí thư chi đoàn làm phụ hồ, 2 bí thư chi đoàn là học sinh cấp 3.
Nói về khó khăn trong việc tìm nguồn đào tạo, bồi dưỡng để đảm nhận vai trò bí thư chi đoàn thôn xóm, anh Phan Sỹ Đức - Bí thư Huyện đoàn Thanh Chương cho hay: “Hiện nay toàn huyện có 69 tổ chức Đoàn cơ sở, trong đó khối Đoàn xã, thị trấn là 40 đơn vị với tổng số 485 chi đoàn. Có nhiều nơi có những thời điểm phải chấp nhận “trắng” về bí thư chi đoàn như Cát Văn, Thanh Hưng… Nguyên nhân là do chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp chi đoàn còn thấp, đời sống kinh tế của thanh niên không ổn định, số đi làm ăn xa trong toàn huyện chiếm khoảng 20 nghìn người, số đi học cao đẳng, đại học khoảng 1.500 người, lực lượng còn lại năng lực, trình độ hạn chế, không mấy mặn mà với các hoạt động đoàn thể. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến phong trào Đoàn, đến việc bồi dưỡng, tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ đoàn thôn, xóm. Viêc thường xuyên biến động về cán bộ cấp chi đoàn đã tác động không nhỏ đến chất lượng hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khu vực nông thôn”.
Thực tế ở Thanh Chương cũng đang là vấn đề nan giải ở nhiều vùng nông thôn ở các địa phương trong toàn tỉnh. Anh Võ Minh Vỹ - Bí thư Thị đoàn Cửa Lò cho hay: Cán bộ Đoàn ở khối nông thôn thiếu tính ổn định, một năm có chi đoàn phải thay 2-3 bí thư do đi làm ăn xa hoặc đi xuất khẩu lao động, chủ yếu phải lấy nguồn từ học sinh sinh viên, bộ đội xuất ngũ và thanh niên có mô hình phát triển kinh tế tại địa phương…
Cũng bởi làng vắng bóng thanh niên, khó tìm “thủ lĩnh” nên hoạt động Đoàn ở nhiều nơi thường chỉ rộ lên vào thời điểm chiến dịch hè tình nguyện, khi thanh niên, sinh viên đi làm ăn, đi học xa trở về địa phương. Còn nhiều tháng sau đó, gần như "chìm xuồng". Do đó, nhiều chi bộ thôn xóm không tìm ra nguồn để đào tạo, bồi dưỡng phát triển đảng viên mới cho đủ chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra hàng năm và khắc phục tình trạng “tre đã già nhưng chưa đủ măng thay” ở các chi bộ nông thôn hiện nay.
Thanh niên khối nông thôn Thị xã Cửa Lò chung tay bảo vệ môi trường biển. |
Đi tìm giải pháp
Anh Chu Đức Thái - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh đoàn cho hay: “Trước thực tế khó khăn trên, BTV Tỉnh đoàn đã ban hành Hướng dẫn 14 về việc sinh hoạt Đoàn trên địa bàn dân cư, tăng cường sinh hoạt hai chiều. Quy định nêu rõ đoàn viên, thanh niên, học sinh các nhà trường phải tham gia sinh hoạt tại các chi đoàn, chi hội, chi đội nơi mình cư trú. Định kỳ, chi đoàn nông thôn nhận xét về ý thức tham gia sinh hoạt của đoàn viên thanh, thiếu nhi về ban giám hiệu các nhà trường. Các trường học xem việc tham gia hoạt động của học sinh tại các đơn vị thôn, xóm, bản là tiêu chí để đánh giá, xếp loại đạo đức, hạnh kiểm trong từng tháng, từng học kỳ và cả năm học. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2013-2020, trong đó giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Tỉnh đoàn phối hợp triển khai thí điểm mô hình bí thư chi đoàn kiêm thôn đội trưởng. Trên thực tế đã có một số địa phương thực hiện mô hình này như Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ”.
Theo anh Phan Sỹ Đức - Bí thư Huyện đoàn Thanh Chương thì, việc lựa chọn các đồng chí đoàn viên thanh niên mới xuất ngũ trở về địa phương, vận động bố trí chức danh bí thư chi đoàn kiêm thôn đội trưởng vừa là để thực hiện chính sách hậu phương quân đội, đồng thời lựa chọn được cán bộ đã qua thử thách, rèn luyện trong môi trường quân đội để đảm nhận vai trò “thủ lĩnh” chi đoàn thôn xóm. Mặt khác, sự kết hợp giữa hai chức danh sẽ có sự hỗ trợ về mặt vật chất tương đối ổn định (khoảng trên dưới 1 triệu đồng), từ đó tạo sự yên tâm công tác cho đội ngũ cán bộ chi đoàn ở nông thôn.
Hiện nay ở Thanh Chương có khoảng 165/485 chi đoàn khối xóm ở 40 xã, thị trấn có bí thư chi đoàn kiêm thêm chức danh thôn đội trưởng, trong đó có những xã đạt tỷ lệ cao như Thanh Tùng 11/11 xóm đạt 100%, Thanh Liên 14/16 xóm đạt 87,5%... Ngoài ra có một số địa phương đang thực hiện mô hình bí thư chi đoàn thôn xóm kiêm công an viên. Còn huyện Tân Kỳ mặc dù mới triển khai thực hiện đầu tháng 1 năm 2013 nhưng hiện có khoảng 68 bí thư chi đoàn kiêm thôn đội trưởng trên tổng số 268 chi đoàn nông thôn. Kết quả thực hiện bước đầu hết sức khả quan, vừa góp phần thực hiện chính sách hậu phương quân đội đối với các đối tượng quân nhân xuất ngũ.
Một giải pháp nữa đó là đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm tại chỗ cho đoàn viên thanh niên, đồng thời tiến hành hỗ trợ vay vốn từ quỹ thanh niên lập nghiệp các cấp xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giúp thanh niên an tâm lập nghiệp tại quê nhà. Trên cơ sở đó lựa chọn các nhân tố nhiệt tình, tâm huyết bố trí nhiệm vụ bí thư chi đoàn. Điều này vừa đảm bảo tính ổn định về mặt cán bộ, đồng thời cũng là biện pháp nêu gương để vận động ĐVTN đến với nghề nghiệp, việc làm, đặc biệt là nâng cao ý thức phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình.
Đồng thời đổi mới phương thức, hình thức sinh hoạt, tổ chức các hoạt động tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, thiết thực phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và điều kiện của thanh niên nông thôn để họ gắn bó hơn với tổ chức Đoàn, Hội, hào hứng tham gia các hoạt động bề nổi ở địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn, Hội các cấp cần chú trọng công tác tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ban, ngành chức năng tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị, dành cho tổ chức Đoàn nhất là cấp chi đoàn thôn xóm một sự quan tâm đúng mức trên tinh thần xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh là xây dựng Đảng trước một bước.
Bài, ảnh: Khánh Ly