Khó trong công tác dập dịch

03/07/2012 18:39

(Baonghean) Trước thực trạng tôm chết chưa rõ nguyên nhân, tỉnh đã có quyết định công bố dịch và xuất hóa chất dập dịch hỗ trợ người nuôi tôm xử lý ao đầm và hạn chế nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh khác đang tiềm ẩn trong môi trường.

Theo thống kê từ Chi cục Nuôi trồng thủy sản, hiện toàn tỉnh đã thả giống được khoảng 1.000 ha diện tích nuôi tôm. Diện tích bị nhiễm bệnh hiện thống kê là hơn 180 ha, chủ yếu tập trung trên các đầm tôm tại huyện Quỳnh Lưu. Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trong những ngày qua, thời tiết diễn biến bất thường, xuất hiện nhiều cơn mưa nên số đầm tôm chết tăng lên. Có nhiều đầm có tôm đã nuôi được gần 2 tháng vẫn bị chết. Đến nay, toàn huyện có hơn 118 ha tôm bị chết với 237 đầm. Tại huyện Nghi Lộc, dịch bệnh đã làm hơn 100 đầm với gần 24 ha có tôm bị chết, làm thiệt hại 1.980 vạn con giống.



Trong khi các cơ quan chuyên môn đang “bó tay” trước nạn tôm chết thì tiền của người dân cứ “bay” đi hàng ngày.

Hiện nay, một số đầm có tôm chết nhưng không được người dân báo cáo với các cơ quan chức năng. Có đầm, tôm đã lớn, khoảng 100-200 con/kg. Khi thấy tôm bị bệnh, nhiều người dân đã đưa ra chợ bán non nhằm vớt vát được chút vốn liếng. Phần lớn hộ nuôi tôm thua lỗ, hộ nhiều thì lỗ vài ba trăm triệu đồng, ít cũng mất 5-7 chục triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hưng, xã Nghi Thái (Nghi Lộc) cho biết: Nhà tôi có khoảng 0,6 ha diện tích nuôi tôm. Từ tiền tôm giống, tiền thức ăn rồi tiền thuốc men từ khi nuôi đến bây giờ cũng đã tốn khoảng gần 200 triệu đồng. Nuôi được hơn 40 ngày thấy tôm chết và biết bệnh này không có thuốc chữa, nếu cứ để vậy thì mất trắng nên mới quyết định bán non.

Trước tình hình đó, Cục Thú y đã có thông báo về hiện tượng tôm chết hàng loạt tại Nghệ An được xác định Tôm chết hàng loạt tại tỉnh ta hiện nay liên quan đến hội chứng hoại tử gan tụy. Bệnh này đã xảy ra từ đầu năm 2011 và đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, Cục Thú y đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị trong nước và các tổ chức quốc tế (FAO, OIE) tìm tác nhân gây bệnh nhưng vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm là bệnh nằm trong danh mục 8 bệnh nguy hiểm gây chết hàng loạt và lây lan trên diện rộng được quy định tại Thông tư số 52 của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, bệnh này lại không nằm trong danh mục các loại bệnh được hỗ trợ thuốc dập dịch theo Quyết định số 09/2012 của UBND tỉnh. Do tính chất phức tạp của bệnh, cộng với mức độ thiệt hại lớn nên UBND tỉnh đã có quyết định công bố dịch theo vùng và đề nghị các cơ quan chuyên môn, địa phương và người dân thực hiện tốt các biện pháp dập dịch theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân liên quan đến chất lượng nguồn tôm giống. Theo ông Trần Xuân Học -Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thì chất lượng nguồn tôm giống phụ thuộc vào chất lượng tôm bố mẹ. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng nguồn tôm bố mẹ của các đơn vị cung ứng tôm giống thì hiện vẫn chưa làm được. Hầu hết, việc kiểm tra chỉ diễn ra trên giấy tờ và không thể loại trừ việc các công ty này đánh tráo nguồn tôm giống thuần được nhập từ nước ngoài về với tôm giống chợ. Trước khi vào vụ mới, hầu hết các cơ sở đã ký cam kết nhưng do lịch thời vụ thả giống ngắn, diện tích ao đầm lớn nên rất khó cho công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nguồn tôm giống.

Trong quá trình quan trắc môi trường, nhận thấy còn tiểm ẩn các loại dịch bệnh như đốm trắng, Taura trong nguồn nước, trong khi nhiều hộ nuôi tôm còn xả thẳng nước thải từ các đầm có tôm bị chết ra ngoài môi trường. Sở NNPTNT đã yêu cầu Chi cục thú y tiếp tục lấy mẫu bệnh xét nghiệm để có thể phát hiện sớm nếu tôm mắc các bệnh có cơ chế lây nhiễm nhanh. UBND tỉnh đã có quyết định cấp hơn 13 tấn hóa chất Chorine để dập dịch, hỗ trợ người dân xử lý ao đầm và khống chế mầm bệnh đang tiềm ẩn trong môi trường, trong đó ưu tiên cho các đầm tôm chưa qua 21 ngày.

Trước hiện tượng tôm chết hàng loạt, cơ quan chuyên môn tiếp tục khuyến cáo người dân không nên nóng vội thả tôm giống. Những nơi nuôi tập trung không đủ nguồn nước sạch nên chuyển một phần diện tích nuôi bán thâm canh hoặc quảng canh cải tiến. Đặc biệt, tuyệt đối người nuôi tôm không được xả nước ra môi trường làm lây lan dịch bệnh và cần đảm bảo thời gian xử lý ao đầm để tiêu diệt mầm bệnh tồn dư trong ao nuôi tối thiểu 30 ngày.


Phạm Bằng

Mới nhất
x
Khó trong công tác dập dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO