Khó trong thu thuế tài nguyên khoáng sản
(Baonghean) - Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Nghệ An khá sôi động, đem lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều khó khăn đặt ra trong công tác quản lý làm hạn chế nguồn thu. Khoáng sản vẫn “chảy” đi, còn thất thu thuế, phí tài nguyên đã và đang diễn ra.
Nợ đọng và thất thu thuế
Địa bàn huyện Quỳ Hợp có trên 240 doanh nghiệp, trong đó hầu hết hoạt động khai thác chế biến khoáng sản. Nhiều năm qua, lĩnh vực thu thế tài nguyên khoáng sản rất khó khăn. Ông Trần Minh Đức - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quỳ Hợp cho biết: Tổng số nợ thuế tài nguyên khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn Quỳ Hợp tính từ năm 2005 đến tháng 10/2016 là hơn 29 tỷ đồng. Năm 2016, huyện đã xử lý, truy thu được hơn 10 tỷ đồng.
Đơn cử, một số doanh nghiệp nợ đọng kéo dài như: Công ty TNHH Khoáng sản An Thái (xã Châu Hồng) nợ trên 9 tỷ đồng, Công ty Khai thác khoáng sản Đất Việt nợ trên 1,4 tỷ đồng, Công ty cổ phần Khoáng sản Pha Lê nợ 400 triệu đồng... Nguyên nhân nợ đọng thuế tài nguyên ở Quỳ Hợp cao, theo Chi cục Thuế huyện là do những năm vừa qua ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều mặt hàng đá không xuất bán được, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động, nợ thuế. Tính đến thời điểm này, có 10 doanh nghiệp đang chờ phá sản không có khả năng trả nợ thuế, có 40 doanh nghiệp dừng hoạt động do khó khăn. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ chưa nạp thuế, hoặc nạp chậm.
Thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thường chiếm tỷ lệ cao trong thu ngân sách. |
Địa bàn huyện Nam Đàn hiện có 8 mỏ, trong đó 6 mỏ cát, 2 mỏ đất và việc thu thuế tài nguyên môi trường cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Đình Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Nam Đàn cho biết thêm: Tình trạng thất thu thuế trong khai thác cát trên địa bàn là không hề nhỏ. Một số doanh nghiệp khi nhập kho kê khai ít hơn thực tế khai thác và xuất bán… Tính đến thời điểm này, Nam Đàn mới thu được hơn 7 tỷ đồng tiền thuế khoáng sản, nợ thuế khoáng sản hơn 800 triệu đồng.
9 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh thu kinh phí cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 66.780 triệu đồng, đạt hơn 70% dự toán, thuế bảo vệ môi trường 565.241 triệu đồng, đạt hơn 90% dự toán. Hiện nay, công tác quản lý thuế tài nguyên rất khó khăn, do đặc điểm của các mỏ khai thác rất đa dạng, phức tạp, địa bàn rộng, chủ yếu ở đồi núi, ven sông, xa dân… và còn do một số nguyên nhân khác như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thuế tài nguyên còn hạn chế, công tác kiểm soát chưa sát thực tế, chế tài xử lý chưa nghiêm, các đơn vị chức năng chưa phối hợp quản lý đồng bộ. Một số tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nhưng chưa thực hiện đăng ký, kê khai nộp thuế tài nguyên hoặc kê khai chưa đầy đủ, thiếu chính xác, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế. Công tác thanh, kiểm tra về tình hình chấp hành nghĩa vụ với NSNN đối với các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên chưa thường xuyên, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân khai thác nhỏ lẻ, nộp thuế không thường xuyên, nộp thuế khoán. Cùng đó, việc đánh giá, phân loại rủi ro trong công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, nhằm phát hiện đối tượng có nhiều khả năng trốn, lậu thuế còn hạn chế… |
Nâng cao khả năng quản lý, kiểm soát
Để từng bước thực hiện tốt công tác thu thuế tài nguyên khoáng sản, cơ quan thuế Quỳ Hợp đang phối hợp với ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp để thu nợ đọng thuế tài nguyên khoáng sản. Cụ thể, cơ quan thuế phối hợp với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng cung cấp, trao đổi thông tin về số dư tài khoản; phối hợp với phòng Tài chính, phòng Tài nguyên và Môi trường xác định số nợ tiền cấp quyền khai thác mỏ, tiền thuê đất của các doanh nghiệp, báo cáo UBND huyện để xử lý và ra quyết định ngừng khai thác, thu hồi đất đối với các trường hợp nợ đọng thuế, công khai doanh nghiệp nợ thuế.
Trong năm 2016, Chi cục Thuế Quỳ Hợp đã tiến hành phối hợp cưỡng chế hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với 7 doanh nghiệp (1,6 tỷ đồng), cưỡng chế trích tiền từ tài khoản 147 trường hợp (hơn 15 tỷ đồng), kiến nghị thu hồi mỏ của 6 doanh nghiệp.
Còn Chi cục Thuế Nam Đàn thực hiện các giải pháp để giảm thất thu thuế khoáng sản như: Thực hiện kiểm tra tại địa bàn (kê khai thuế điện tử của doanh nghiệp tại cơ quan thuế) để xác định sản lượng khai thác hàng quý, tập hợp bảng kê bán lẻ hàng ngày, đối thoại với các doanh nghiệp. Gửi công văn cho đơn vị quản lý để đôn đốc nợ đọng thuế. Từ đầu năm 2016 đến nay, chi cục phối hợp với lực lượng chức năng cưỡng chế hóa đơn 6 trường hợp nợ thuế...
Chế biến đá tại xã Châu Cường (Quỳ Hợp). |
Để tăng cường hiệu quả quản lý thuế tài nguyên, ngành Thuế đã đề ra nhiều giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thuế; có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế kê khai, nộp thuế; kiểm tra, rà soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế, qua đó đánh giá chính xác các nội dung thông tin kê khai trong hồ sơ thuế như sản lượng khai thác, sản lượng tiêu thụ, giá thành, giá bán... giúp cơ quan thuế nắm được khối lượng, chủng loại khoáng sản có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp; tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác quản lý thuế.
Đồng thời, ngành đề nghị cơ quan chức năng các huyện, thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các dự án, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn hoạt động kinh doanh, khai thác không kê khai, nộp các loại thuế, phí theo quy định, trường hợp không chấp hành đúng kiên quyết cưỡng chế, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép.
Cùng đó, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế để người nộp thuế tiếp cận thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời với những thay đổi của chính sách thuế tài nguyên ở mỗi thời điểm, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh giáo dục ý thức công dân trong việc sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguồn tài nguyên không tái tạo. Nâng cao kiểm soát về thuế đối với khai thác tài nguyên sẽ góp phần khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp lựa chọn phương thức đầu tư công nghệ khai thác, chế biến hợp lý, phù hợp với điều kiện của địa phương, hạn chế xuất khẩu thô, tăng giá trị tài nguyên.
Văn Trường
TIN LIÊN QUAN |
---|