'Khó' trong xử lý rác thải sinh hoạt

26/12/2016 06:49

(Baonghean) - Song song với sự phát triển KT-XH là sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu của con người, kéo theo lượng phát sinh rác thải sinh hoạt ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc xử lý lại đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Thực trạng đáng lo ngại

Có thể khẳng định, việc thu gom rác thải sinh hoạt thời gian gần đây được nhiều địa phương quan tâm, từng bước tạo ra bước chuyển về nhận thức trong nhân dân, nhất là khu vực nông thôn.

Song vấn đề nổi lên hiện nay đó là đang thiếu biện pháp hữu hiệu trong xử lý rác thải, đảm bảo môi trường. Bởi hiện nay các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc thu gom để tập kết về một địa điểm quy định mà chưa có biện pháp xử lý, gây ra tình trạng quá tải tại các điểm, bãi rác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Rác được thu gom khi chưa được phân loại tại thành phố Vinh.
Rác được thu gom khi chưa được phân loại tại thành phố Vinh.

“Mục sở thị” tại bãi rác thị trấn Dùng (Thanh Chương), chứng kiến rác được đổ từ đầu đường (giao nhau với đường từ thị trấn Dùng đi vào Nhà máy tinh bột sắn Intimex) vào tận đến bãi rác.

Mặc dù đã đeo 2 lớp khẩu trang nhưng mùi hôi thối từ các bao, đống rác đổ tràn trên đường vào bãi rác, cũng là đường vào nghĩa trang thị trấn bốc lên nồng nặc.

Bà Nguyễn Thị Văn, khối 2, thị trấn Dùng bức xúc cho biết: “Rác đổ tràn ra cả đường vào nghĩa trang, đến là cơ cực vì mùi thối từ rác, rồi ruồi nhặng vo ve bám vào người”.

Thừa nhận thực trạng này, ông Nguyễn Văn Vinh – Chủ tịch UBND thị trấn Dùng, cho biết: Bãi rác hiện tại của thị trấn được “quy hoạch” từ năm 2002. Thời điểm đó, dân số của thị trấn chỉ khoảng 3.000 nhân khẩu và lượng rác thải phát sinh cũng ít; còn bây giờ dân số của thị trấn lên đến gần 10.000 người, nhu cầu sinh hoạt của người dân cũng ngày càng tăng cao, tăng lượng phát thải rác.

Trong khi đó, bãi rác này chỉ đơn thuần là bãi tập kết được gom từ các khu dân cư đổ về mà chưa thực hiện một hình thức xử lý nào. Bởi vậy, cùng với thời gian, lượng rác tích tụ về bãi rác ngày một nhiều dẫn đến quá tải.

Ông Nguyễn Văn Vinh cho biết thêm: Mấy năm gần đây, thị trấn quan tâm trích ngân sách phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường, nhưng do kinh phí hạn chế nên cũng chỉ đủ cho các hoạt động thu gom, vận chuyển rác từ các hộ dân đến bãi. Kinh phí hỗ trợ từ huyện khoảng 200 triệu đồng/năm để hợp đồng với Công ty Môi trường uốn ép và chở rác xuống Khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên để xử lý.

Tuy nhiên, việc xử lý này cũng chỉ đảm bảo được 2/3 lượng rác thải phát sinh mỗi năm, chưa tính rác thải tồn đọng cũ. Theo số liệu kiểm đếm vào trung tuần tháng 12 này, ở bãi này đang còn gần khoảng 1.700 m3 rác thải.

Tương tự ở bãi rác Ngọc Sơn (xã Ngọc Sơn) - nơi tập kết rác chung của hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng đang có sự quá tải. Ô nhiễm từ bãi rác này tác động trực tiếp đến 160 hộ dân với gần 600 nhân khẩu thuộc thôn 5, xã Ngọc Sơn, bao gồm mùi hôi thối và ruồi nhặng bay vào khu dân cư.

Ngoài ra, do thực hiện biện pháp chôn lấp, nước rỉ rác chưa được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường, chảy vào đập An Ngãi, ảnh hưởng đến sản xuất và đe dọa đến sức khỏe của người dân xã Quỳnh Tân.

Theo ông Hồ Văn Lập – Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, bãi rác này được huyện giao cho Công ty TNHH Thái Bình Nguyên quản lý, và bơm hóa chất khử trùng, hóa chất chống ruồi nhặng.

Tuy nhiên, do lượng rác thải quá lớn cũng không thể nào đảm bảo được vệ sinh môi trường. Hay ở Khu liên hợp xử lý rác thải rắn Nghi Yên có diện tích 46 ha, với biện pháp xử lý đầm nén, chôn lấp theo quy trình Đan Mạch hợp vệ sinh nhưng dự báo cũng chỉ còn khoảng 15 năm nữa là lấp đầy.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh, toàn tỉnh hiện có 15 bãi rác tập trung cấp huyện và 1 nhà máy xử lý rác thải. Trong số đó có 8 bãi rác được UBND tỉnh đưa vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần được xử lý.

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung quyết liệt và dành kinh phí để xử lý các bãi rác ô nhiễm, tuy nhiên tiến độ đang còn chậm. Hiện tại mới chỉ có 3 bãi rác thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm; các bãi rác còn lại đang trong quá trình lập hồ sơ, kế hoạch và huy động nguồn vốn thực hiện xử lý.

Riêng đối với cấp xã, mặc dù đã có 431/431 xã có quy hoạch bãi rác tập trung, song việc đưa vào vận hành trên thực tế còn hạn chế. Và tình trạng chung là rác thải được thu gom, tập kết và được xử lý chủ yếu bằng phương pháp đốt, chứ chưa áp dụng biện pháp xử lý hợp vệ sinh.

Đơn cử như tại huyện Thanh Chương, 40/40 xã, thị trấn có quy hoạch bãi rác nhưng đến nay mới chỉ có 10 xã, thị trấn có bãi rác. Nói là bãi rác, nhưng ở 10 địa phương này mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng bờ bao, cổng ra vào và biện pháp xử lý rác thải duy nhất là đốt.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Thực tế cho thấy tình trạng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn mà chưa được xử lý hoặc xử lý không đảm bảo vệ sinh là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm giải quyết triệt để trong thời gian tới.

Theo số liệu từ Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh, tổng lượng chất thải rắn phát sinh trên toàn tỉnh khoảng 2.081,7 tấn/ngày. Mặc dù, các địa phương đã quan tâm đến việc thu gom, song do nguồn kinh phí còn hạn chế nên nhiều xã hiện vẫn chưa thành lập được bộ phận, hoặc các bộ phận tham gia công tác thu gom từ các hộ gia đình để vận chuyển rác đến các địa điểm tập kết của xã, cho nên số lượng rác được thu gom chưa đạt yêu cầu.

Ở các địa phương thực hiện được việc thu gom thì việc xử lý rác thải đang đặt ra nhiều vấn đề. Biện pháp xử lý rác chủ yếu đang được các địa phương áp dụng là vận chuyển đến bãi chôn lấp rác thải lộ thiên để đổ, đốt, hoặc chôn lấp.

Bất cập hiện nay là do lượng rác thải phát sinh lớn, các địa phương thực hiện biện pháp chôn lấp không đáp ứng yêu cầu, gây quá tải.

Đối với các địa phương sử dụng phương pháp xử lý đốt cũng có những hạn chế, đó là do đặc điểm rác thải sinh hoạt hiện tại chưa được phân loại tại nguồn, còn lẫn lộn nhiều loại chất thải vô cơ và hữu cơ, rác thải xây dựng, kể cả chất thải nguy hại, nên đốt không triệt để. Nhìn chung, cả 2 giải pháp mà các địa phương áp dụng nêu trên đều chưa đảm bảo vệ sinh và thực tế thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ các bãi rác, nhất là ô nhiễm do nước rỉ rác, ô nhiễm không khí.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tìm được giải pháp xử lý rác phù hợp, hiệu quả. Vừa qua, UBND tỉnh mới chấp thuận chủ trương đầu tư thí điểm lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ cho Công ty cổ phần Công nghệ T-Tech tại các huyện: Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn và thị xã Hoàng Mai. Hiện tại, doanhh nghiệp đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục có liên quan để tiến hành lắp đặt lò đốt.

Tỉnh cũng đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý rác thải, bảo vệ môi trường để triển khai các dự án xử lý và tái chế từ rác thải. Theo ông Hoàng Văn Khanh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An, cho rằng, tỉnh cần thu hút dự án đốt rác để phát điện; đồng thời đầu tư dây chuyền xử lý nước rỉ rác đảm bảo an toàn trước khi thải ra môi trường.

Bên cạnh trách nhiệm của tỉnh và các địa phương trong việc thu hút các dự án xử lý và tái chế rác thải thì mỗi người dân cũng cần thấy rõ trách nhiệm của mình. Bởi việc phát sinh lượng rác thải quá lớn, trước hết là do thói quen tiêu dùng của người dân quá lạm dụng vào các túi ni lông – đây là loại rác chiếm khá lớn trong rác thải sinh hoạt phát sinh trong các hộ gia đình hiện nay.

Theo phân tích của các nhà khoa học, sau khi sử dụng, rác ni lông phải mất từ 500 đến 1.000 năm mới tự phân hủy. Nếu chôn lấp, túi ni lông sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường nước, còn nếu đốt thì sẽ tạo khí thải có chất độc dioxin gây bệnh ung thư. Việc sử dụng túi ni lông để chứa thực phẩm lại càng nguy hại, vì khiến thực phẩm bị nhiễm các kim loại từ ni lông.

Mặt khác, do chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn, dẫn đến có nhiều loại rác thải phân hủy được như xác chết động vật, các loại rác từ rau, củ, quả, thân cây, hay thức ăn thừa; đáng lẽ được phân loại để chôn lấp trong vườn thì nhiều người dân đóng gói trong các bao tải, buộc chặt trong các túi ni lông . Loại rác này nếu được phân loại xử lý thì sẽ giảm được sự phát sinh lượng rác ra môi trường.

Chính vì vậy, các địa phương cần ban hành quy chế quản lý và thu gom rác thải, phân loại rác từ đầu nguồn; gắn với đó là làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải của các tổ chức, cá nhân gây phát thải để có biện pháp quản lý, xử lý rác thải và huy động nguồn lực phù hợp.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
'Khó' trong xử lý rác thải sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO