Khó xây dựng ngành công nghiệp nuôi bò thịt

21/10/2013 16:45

Trong 5 năm trở lại đây, đàn bò của Việt Nam giảm khoảng 1,5 triệu con, nguyên nhân chính là sự sụt giảm diện tích đồng cỏ. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư trang trại nuôi bò thịt nhưng chỉ dừng lại ở quy mô khoảng 200 con.

- Những người tiên phong

Vài năm trước, nhận thấy nhu cầu về thịt bò của Việt Nam ngày càng lớn nên một số nhà đầu tư thành lập Công ty Nông nghiệp Trang trại Việt với mục đích là đầu tư vào xây dựng trang trại bò thịt cung cấp cho thị trường.

Trong thư ngỏ gửi các cổ đông, Trang trại Việt cho biết, sẽ đầu tư vào 2 giống bò thịt nhập khẩu Red Angus (Mỹ) và Brahman (Úc) tại huyện Củ Chi, TPHCM.

Theo tính toán của công ty, nếu so sánh giữa mức lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng so với mức lãi suất lợi nhuận (tối thiểu) của dự án là 47%/năm thì dự án đầu tư nuôi bò thịt chất lượng cao tại Trang trại Việt là một kênh đầu tư hấp dẫn.

Tuy nhiên, ông Phan Văn Thắng, Trợ lý kinh doanh Trang trại Việt cho biết, hiện công ty tạm ngừng chương trình hợp tác với các nhà đầu tư trong việc xây dựng và phát triển những trang trại chăn nuôi bò thịt.

Hiện Trang trại Việt đang nuôi 200 con bò thịt trên diện tích đất 2,5 héc ta của công ty. Như vậy, kế hoạch nâng đàn bò thịt lên 5.000 con theo quy trình khép kín trong giai đoạn 2013-2018 của Trang trại Việt có thể nói là chưa thể thực hiện được.

Cách đây hơn 3 năm, ông Lưu Trí Diễn, quê Bến Tre, Việt kiều tại Thụy Sĩ, cũng đã bỏ vốn lập trang trại nuôi bò ở ấp Giồng Ao, xã An Hiệp, huyện Ba Tri (Bến Tre) đã đầu tư trang trại nuôi bò thịt trên diện tích 7 héc ta với 200 bò.

Theo Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đây có thể xem là hai doanh nghiệp có quy mô nuôi bò thịt lớn của Việt Nam trong mấy năm qua, còn lại chủ yếu rơi vào các hộ gia đình với số đàn bò thịt chỉ trên dưới 10 con. Nguyên nhân do thiếu quỹ đất, tiền giống cao nên khó có những trang trại chăn nuôi bò thịt quy mô lớn mà chủ yếu nuôi ở quy mô vài con để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên.

Sẽ không có công nghiệp chăn nuôi bò thịt

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện đàn bò thịt của Việt Nam trong những năm năm qua đã giảm khoảng 1,5 triệu con, từ 6,7 triệu con trong năm 2007 xuống còn 5,2 triệu con vào năm 2012 (xem bảng). Nguyên nhân là do diện tích các đồng cỏ, triền đê, bờ vùng bờ thửa đang thu hẹp dần do quá trình bê tông hóa.

“So với các nước khác, Việt Nam không có thế mạnh phát triển đàn bò thịt ở quy mô trang trại lớn mà chỉ ở những nông hộ dưới 10 con để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên”, ông Dương nói.

Theo ông Dương, chiến lược phát triển ngành chăn nuôi của Việt Nam trong những qua và cả những năm tới là tập trung vào thế mạnh hiện có và hạn chế nhập khẩu là chính.

Vì thế, đối với vấn đề thịt bò, ngành chăn nuôi trong nước chỉ có gắng cung cấp cho thị trường một mức độ nào đó, còn lại phải phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Do tổng đàn bò liên tiếp giảm trong 5 năm trở lại đây nên đồng nghĩa là Việt Nam phải nhập bò theo đường tiểu ngạch từ Lào, Camchia, Thái Lan để đáp ứng nhu cầu nội địa.

Theo Hội nông dân Quảng Trị, có thời điểm mỗi ngày có đến 500 con bò nhập từ Lào. Số bò này có nguồn gốc từ Lào và Thái Lan nhưng lại được hợp thức hóa là bò nuôi của người dân địa phương.

Theo Cục chăn nuôi những năm qua do bò nhập qua biên giới chủ yếu bằng đường tiểu ngạch nên không thể có số liệu thống kê cụ thể nhưng đó là một con số khá lớn.

Cũng vì lý do nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong nước tăng nên thời gian qua một số doanh nghiệp đã nhập bò từ Úc nhờ lợi thế về ưu đãi thuế nhập khẩu để nhập về bán với mức giá cạnh tranh với thịt bò nội địa.

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012

Bò (triệu con)

3,9

4,1

4,4

4,9

5,5

6,5

6,7

6,3

6,1

5,8

5,4

5,2

Tổng đàn bò (triệu con - đã được làm tròn) của Việt Nam trong những năm qua đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Số liệu của Tổng cục Thống kê.

Theo Kinh Tế Sài Gòn-P.H

Mới nhất
x
Khó xây dựng ngành công nghiệp nuôi bò thịt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO