Khoảng lặng tháng Bảy

26/07/2017 10:07

(Baonghean.vn) - Hồi chuông ngân lên, phút mặc niệm kính cẩn, chúng tôi khóc, những lời nói nghẹn lại, những khoảng lặng của thế hệ sau đầy cảm phục trước tinh thần hy sinh anh dũng của lớp lớp cha anh.

Tháng Bảy, người dân cả nước hướng về những người có công với đất nước. Ảnh Internet
Tháng Bảy, người dân cả nước hướng về những người có công với đất nước. Ảnh Internet

7h sáng 25/7, tạm gác lại mọi công việc, những cán bộ Tuyên giáo Tỉnh ủy rời thành Vinh giữa mưa gió lên xe hành trình “về nguồn”. Xe cứ thế mà vượt qua không biết bao cung đường để tới được Anh Sơn.

Tháng 7, tháng của 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, về với Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào những ngày này, người đến tri ân, cầu an lành cho các vong linh liệt sỹ đông đúc. Phòng và sảnh hành lễ không lúc nào vắng các đoàn khách đến dâng hương, tưởng nhớ những người đã vì hạnh phúc của nhân dân mà hy sinh xương máu.

Tại nhà tưởng niệm, thời khắc hồi chuông ngân lên, phút mặc niệm kính cẩn trước các anh linh, chúng tôi đã khóc, những lời nói nghẹn lại, những khoảng lặng đầy cảm xúc của thế hệ sau đầy cảm phục trước tinh thần hy sinh anh dũng của lớp lớp cha anh.

Dọc đường trở ra nghĩa trang, tôi nghe cô hướng dẫn viên kể lại rằng, khi đến địa danh này, dẫu trời mưa thì đúng lúc thắp hương, thế nào trời cũng ngưng. Và hôm nay, đúng như lời kể, giữa âm u mây đen giăng kín, thì ở Nghĩa trang Việt- Lào, khoảng trời vẫn bừng sáng.

Tôi gặp bác Ngô Viết Hoàng, quê ở xã Nghi Trung, Nghi Lộc, là cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia cùng với người thân về đây thắp hương cho anh trai vợ hy sinh năm 1972 tại Lào.

Bác bảo: “Thế hệ chúng tôi ngày đó, ra đi có ai nghĩ ngày trở về. Dù không còn lành lặn, nhưng với tôi là một may mắn lắm rồi, chứ đồng đội vẫn còn nhiều người còn nằm lại…”, tôi nghe trong giọng bác còn chất chứa, nặng trĩu bao điều trăn trở.

Và trong câu chuyện với người phụ nữ tên Tâm, quê ở Phú Thọ, chị kể: Anh trai chị là liệt sỹ Nguyễn Xuân Lưu hy sinh năm 1972 sau khi nhập ngũ không lâu, ở quê nhà, người thân chỉ nhận được giấy báo tử chứ không biết anh nằm lại ở đâu.

36 năm trời đằng đẵng biền biệt, cho đến năm 2009, qua một người đồng đội của anh đưa tờ báo có thông tin về liệt sỹ Lưu mới hay rằng anh trai được đưa về an táng tại Nghĩa trang quốc tế Việt- Lào.

Cũng như bác Hoàng, chị Tâm, nhiều người thân của các liệt sỹ dịp này đều khăn gói về đây để dự lễ cầu siêu cho vong linh các anh. Mỗi câu chuyện được kể từ hướng dẫn viên, mỗi dòng chữ được khắc trên bia mộ liệt sỹ “chưa biết tên” đều khiến khách đến thăm không thể cầm lòng.

Nơi đây, vẫn còn trên 7.000 ngôi mộ có dòng chữ “chưa biết tên” giữa nghi ngút khói hương. Các anh hy sinh không để lại tên tuổi. Có thể mãi mãi là liệt sỹ “chưa biết tên” nhưng sự hy sinh ấy đã hóa thành bất tử.

“Mãi mãi vẫn còn đây

Nơi yên nghỉ của các anh giờ quây quần nắng gió

Có núi, có sông, có hoa rừng thắm đỏ

Và vang vọng phía cuối trời có tiếng mẹ ru…”.

Lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy thăm, tặng quà bà Nguyễn Thị Huấn, mẹ liệt sỹ ở xóm 17 xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Hồ Hà
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm, tặng quà bà Nguyễn Thị Huấn, mẹ liệt sỹ ở xóm 17, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Hồ Hà

Xe trở ra, dọc theo tuyến đường 15 quanh co, vượt qua con đường uốn lượn, qua bao dốc, bao đồi keo, bạch đàn, chúng tôi về với Truông Bồn để được thắp lên nén hương tưởng niệm những người con gái, con trai tuổi mười tám, đôi mươi không tiếc đời mình cho cung đường huyết mạch.

Nơi đây, ngay trên “Tọa độ chết” năm xưa, màu xanh của sự sống đã xóa nhòa đi dấu vết của một thời đạn bom ác liệt trong những năm chống Mỹ gian khổ và bi tráng.

Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn hôm nay, đã trở thành địa chỉ ghi dấu lịch sử anh hùng, nơi hội tụ linh hồn của 1.240 cán bộ, chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông đã hy sinh vì độc lập tự do, nơi có thể đón khách đến thăm viếng, tri ân mỗi dịp “về nguồn”.

Có gì đó thật nao lòng dâng trào cảm xúc khi đứng trước Bia tưởng niệm khắc tên 13 liệt sỹ của Tiểu đội thép anh hùng thuộc Đại đội 317-N65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước. Nơi đây, các anh, các chị nằm xuống rất đỗi vinh quang. Những dòng tên ấy đã khắc vào bia đá như sông núi ngỏ lời tri ân bao anh hùng liệt sỹ, những người đã không tiếc thương xương máu, mất mát cho đất nước thanh bình, thay da đổi thịt hôm nay.

Nhà báo, nhà văn, chiến sỹ cộng sản CH Séc Julius Fucik trong tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ” đã từng coi các liệt sỹ là “Những người đã chết vì họ và vì các anh!”. Ông lý giải, ngày mai tươi sáng sắp tới rồi. Lúc đó, nhân dân sẽ nhắc lại về giai đoạn lịch sử oanh liệt mà họ đã tự nguyện dâng hiến cuộc đời.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã từng nhắc nhở: "Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa, độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời nhớ tới công ơn liệt sỹ và phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của liệt sỹ, để vượt qua tất cả mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ đã chuyển lại cho chúng ta”.

Để giờ đây, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, tấm gương của hàng triệu người đã ngã xuống luôn nhắc nhở chúng tôi không được ngủ quên trên chiếc gối quá khứ rất đỗi hào hùng.

Hồ Hà

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Khoảng lặng tháng Bảy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO