Khoảng trống

04/03/2015 17:07

(Baonghean) - Hơn hai mươi năm trước, anh chị đến với nhau, nhiều người khen chị có phước. Cô tiểu thương sánh duyên cùng chàng cử nhân vừa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Sử. Họ gặp nhau khi anh đến hàng chị mua mì tôm. Thấy anh mân mê gói mì, mắt ngời vẻ thèm muốn, lại rụt rè để xuống, chị động viên: “Anh mua đi, em bán rẻ cho!”. Và gói mì với những sợi loằng ngoằng ấy đã cột họ lại với nhau. Anh đến hàng chị dày hơn, tất nhiên chẳng phải chỉ để mua mì tôm...

Lúc đã bén duyên, chị bảo anh đưa đi thăm bạn bè khắp lượt. Sâu thẳm trong lòng chị là muốn chia, muốn khoe niềm vui khi được bẽn lẽn bên anh. Người nhà chị nhìn anh với đôi mắt có hai nửa ngược nhau, vừa quý mến, vừa dè chừng. “Nó học hành tử tế, đẹp trai thế lại ưng một cô hàng xén?”. Chị hoang mang, đem điều băn khoăn ấy của mẹ hỏi anh.

Anh nghiêm giọng: “Trong tình yêu không có chỗ cho sự tự ti, em ạ”. Không để ý tâm trạng phập phồng của con gái, mỗi lần anh đến, ba má chị thích lắm. Ông có thể ngồi với chàng rể tương lai hàng buổi để bổ sung trí nhớ cho nhau về những chuyện xa lắc, rồi cùng xuýt xoa bình phẩm cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật thư pháp, thư họa. “Cháu vừa tốt nghiệp đại học, đang làm ở Trung tâm nghiên cứu Lịch sử - Văn hoá”, nếu ai hỏi, ông cụ giới thiệu về anh bằng giọng tự hào như thế.

Những lúc ấy, dù đang đếm tiền trong buồng hay nấu cơm dưới bếp, chị đều dừng tay một chút, dường như để cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc ngọt ngào. Chị biết chàng công chức tạm tuyển rất nghèo khi hai người lần đầu vào công viên. Bắt đúng “điểm yếu” của người đang yêu, mấy đứa bé bán hàng rong lũ lượt mang cái mẹt có ngọn đèn tù mù cùng kẹo, hạt dưa, thuốc lá đến từng ghế đá. Nếu không chịu mua với giá trên trời, chúng đổ lì, đứng xem anh chị làm gì!? Vậy là mua được lần thứ hai, anh ngượng ngùng bảo chị về. Ra đến bãi giữ xe thì trời mưa. Lúc trả tiền mua áo mưa, anh luống cuống lục hết túi áo đến túi quần, chị mới hay chàng “cháy túi”. Cả chuyện đó cũng không làm vơi yêu thương chị dành cho anh.

Minh họa: N.P
Minh họa: N.P

“Thiếu!”, Cảm giác ấy cứ lửng lơ trước đôi vợ chồng trẻ trong những năm đầu họ mới ra riêng, rồi có con. Chị dường như bao mọi chi tiêu trong nhà. May mà việc làm ăn của chị liên tục phát triển. Xa rồi gian hàng nhỏ với bánh kẹo, hương đèn, mắm muối; giờ chị là chủ cửa hàng vải to ở mặt phố. Có tiền, chị nhăm nhắm tìm những sơ đồ quy hoạch, nghe ngóng việc mở đường rồi bung ra kinh doanh địa ốc. Tiền ùn ùn kéo tới. Phải có nhiều tiền, đó dường như là nỗi khát không bao giờ được thoả mãn trong chị.

Khi anh bước sang thâm niên thứ mười trong nghề, chị bàn:

- Hay anh nghỉ việc, phụ giúp em?

- Bỏ việc mình yêu thích để làm việc mình không biết, đâu được!

- Anh không lo - Chị cười cười, nửa đùa nửa thật - Em trả gấp ba lần lương nhà nghiên cứu của anh, chịu chưa?

Anh ngồi lặng, nụ cười méo mó trên môi. Sau cái lắc đầu dứt khoát, anh lại tiếp tục với những chuyến du khảo rồi tìm đến thư viện, lần giở từng trang thư tịch cổ và đêm đêm thức cùng trang viết. Những tập nghiên cứu văn hoá, lịch sử càng dày lên thì người anh càng mỏng đi bởi thuốc lá, trà đặc. Lắm khi chị nghĩ, anh như kẻ mộng du, lẩn thẩn. Gặp đường phố mới được mang tên một danh nhân đã có công khai phá đất này nhưng lâu nay bị lãng quên, anh vui lắm. Về làng Đồng Tràm, thấy hai cây thị được tiền nhân trồng từ bốn trăm năm trước, anh chụp ảnh rồi đi khoe với bạn bè như một gia bảo. Anh xuýt xoa, ngỡ như mất bạc triệu khi tìm được cái chén xưa nhưng chỉ còn một nửa. Các bạn cùng cơ quan anh hay đến nhà chơi, lúc họ sôi nổi nói với nhau về một di tích lịch sử nào đó vừa được trùng tu, khi họ trầm ngâm vì thấy bọn trẻ bây giờ học vi tính, tiếng Anh giỏi thật nhưng lịch sử nước mình thì lơ mơ quá. Lo bao đồng làm chi vậy trời, chị nghĩ.

Chị nhớ mãi lần anh hớn hở đưa tờ báo, khoe: “Phát hiện mới của anh về lịch sử quê mình, được người ta ghi nhận đây nè!”. Chị nhìn lướt qua rồi dừng lại tên anh ở cuối bài: “Họ trả được bao nhiêu?”. “Chắc khoảng vài trăm”. Bằng đúng tiền lời bán một cái áo lạnh! Chị mất hứng, hững hờ bỏ tờ báo xuống bàn, đi vào buồng ngủ. Anh nhìn theo chưng hửng.

Có lần, thấy chị vui sau một vụ làm ăn thắng đậm, anh rụt rè đề nghị: “Em tài trợ ít để anh in sách được không?”. Nụ cười trên môi chợt tắt, chị nhìn anh thận trọng: “Lãi có khá không, anh?”. “Xuất bản tiểu thuyết, truyện tranh thì lãi. Nhưng sách nghiên cứu thường chẳng lãi, có khi lỗ. Nhưng được đem những hiểu biết của mình đến với người đọc, vui lắm, em ạ”. Chị cười, lắc đầu: “Rất tiếc, em không thể mạo hiểm!”. Anh buồn.

Khi con trai chuẩn bị vào đại học, chị bảo phải thi thương mại hoặc tài chính kế toán. Theo chị, đó là những ngành về sau dễ kiếm tiền. Nhưng nó nhất mực thi sư phạm. Thì cũng được, khi học Nhà nước hỗ trợ, sau này dạy thêm dạy kèm, cũng không đến nỗi. Chị hỏi: “Sư phạm, nhưng con định học môn nào?”. “Con đăng ký học sử, địa”. Trời đất, mấy môn đó thì ma nào học thêm, chị nổi cáu: “Không được, phải học toán hoặc ngoại ngữ!”. Thằng bé vẫn kiên định lập trường. Anh từ trong buồng đi ra, tay cầm bút, tay kia cầm kính, giọng ôn tồn: “Con tự biết khả năng của mình, để nó tự chọn”. Thế mà cũng gọi là học nhiều hiểu rộng - chị ấm ức nghĩ - đến lúc chữ đầy đầu nhưng túi lép, bụng xẹp, mới sáng mắt ra.

Anh ngã bệnh. Chị giục đi khám nhưng anh hẹn mãi. Khi đến viện rồi qua xét nghiệm mới hay bệnh nặng và đã quá muộn. “Phải hết sức bình tĩnh, cái chính là đừng cho anh ấy biết”. Bác sỹ nào cũng khuyên vậy, nhưng bình tĩnh sao được, khi chị sắp mất anh. Mỗi lần vào với anh, chị đứng nơi cổng viện, khóc hồi lâu rồi lê bước trong cõi lòng tê tái. Chưa bao giờ chị thấy căng thẳng như thế, khi phải đóng kịch trước nỗi đau của chính mình. Có lúc không chịu được, chị chạy vào buồng tắm, khóc ngất; sợ anh nghe, phải đưa khăn mùi xoa vô miệng. Dù không cho nhưng anh vẫn đọc, viết. Mãi đến hôm phải ra viện trên chiếc băng ca, anh mới biết mình bệnh nặng. “Anh không qua được đâu, đừng tốn tiền nữa, hãy dành lo cho con”. Chị ôm chầm lấy anh, khóc không thành tiếng. Đúng nửa tháng sau, anh “đi”.

Với chị, đó là những ngày dài vô tận. Chẳng thiết ăn uống, suốt ngày chị ngồi trước bàn thờ, nhìn di ảnh anh nhoà sau khói hương, nước mắt cứ ứa ra. Bạn bè anh đến thăm, thắp cho người quá cố nén hương, động viên chị vài câu rồi về. Tự nhiên, chị thấy nhớ những buổi trao đổi thân tình giữa anh và các bạn, cũng chính tại phòng khách này. Cả anh bưu tá hay chuyển báo biếu mỗi khi anh có bài được đăng, giờ cũng vắng bóng. Những điều trước đây chị chẳng để ý như thế, nay bỗng trỗi dậy, nhân lên khoảng trống trong lòng chị. Chị run run giở từng trang nhật ký anh để lại:

“Ngày... Em lại không về. Bếp lạnh tanh. Vậy là hai hôm rồi, cha con toàn ăn cơm hộp. Thức ăn ngon nhưng sao khó nuốt!”.

“Ngày... Giỗ cha. Em lại bận chuyện làm ăn. Chỉ cách năm mươi cây số, nhưng hơn năm rồi em chưa về quê. Em mua đủ thứ gửi về cúng, nhưng anh vẫn thấy thiếu. Giá em biết anh buồn thế nào mỗi khi mẹ hỏi: “Má thằng cu sao không về?”.

“Ngày... Lại có bài được in trên báo ngành. Vui. Nhưng chẳng biết san sẻ cùng ai. Con còn nhỏ, em thì cái gì cũng quy ra tiền”.

Chị thẫn thờ. Suốt đời chị bươn chải kiếm tiền những mong đem lại đủ đầy cho người thân. Giờ chị mới ngộ ra, sự giàu có ấy không đủ lấp đầy khoảng trống trong lòng họ. Và nữa, chính chị vẫn nghèo mà đâu phải thiếu tiền, nhất là lúc này, đã xa anh.

Những ngày buồn ấy, may mà chị có con trai bên cạnh. Cháu đang thực tập gần nhà. Ngoài những buổi lên lớp, dự giờ, nó ở nhà đọc, viết, chuẩn bị cho luận văn tốt nghiệp. Có lúc không tìm được tài liệu tra cứu, nó vò đầu day dứt: “Cái này ba biết kỹ lắm. Ôi, giá như..”.. Nghe mà nát lòng, chị động viên con: “Con cần mua sách hay thuê thầy, mẹ cho tiền”. Giọng nó buồn buồn: “Con lục khắp thư viện của trường, lên mạng, rồi hỏi nhiều người nhưng họ đều lắc đầu. Nào phải cái gì có tiền cũng mua được đâu, hả mẹ?”.

Chị nhìn con, lặng trong nỗi đau không cất nên lời…

Nguyễn Trọng Hoạt

Đà Nẵng

Mới nhất
x
Khoảng trống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO