'Khóc ròng' vì tập luyện thể thao
Tập thể dục vì mục đích giúp cho cơ thể khỏe hơn. Tuy nhiên, không ít trường hợp bị chấn thương, hư khớp do tập sai.
ảnh:/// Shutterstock |
Điều này không chỉ xảy ra với những vận động viên chuyên nghiệp mà ngay cả người bình thường cũng khó tránh khỏi nguy cơ càng tập càng đau...
Thả, gồng đúng lúc
Chị Hạnh (Q.Tân Phú), do chân phải bị yếu hơn chân trái nên chị được huấn luyện viên phòng gym hướng dẫn bài tập nâng tạ bằng chân. Sau 2 tháng, kết quả là khớp gối của chị thường xuyên bị nhức, có cảm giác châm chích. Sau khi đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ kết luận chị bị viêm khớp gối và khuyên chị nên ngưng vận động mạnh, hạn chế lên xuống cầu thang.
Sau khi điều trị bằng thuốc, khớp gối của chị Hạnh hết đau, chị được bác sĩ hướng dẫn tập vật lý trị liệu. Trong quá trình tập, chị mới “vỡ” ra nhiều điều. Với động tác nâng chân với tạ, người tập phải gồng chân - điều này áp dụng với cả khi xuống tạ, nếu không, khớp gối bị “banh ta lông” là điều khó tránh.
Ngoài khớp gối, khớp vai cũng là bộ phận dễ bị “dính” chấn thương do chơi thể thao như cầu lông, tennis, bơi lội. Nguyên nhân chủ yếu là do không khởi động kỹ, chơi quá sức vì thường xuyên thi đấu với giải thưởng là… độ nhậu, không đúng kỹ thuật ở những động tác giơ tay quá đầu hay xoay vai. Ví dụ như với động tác tay giơ cao quá đầu thường xuyên, túi hoạt dịch khớp bị cọ xát, gây sưng, tụ dịch và bị đau.
Chọn mặt gửi vàng
Đối với những người mới bắt đầu tập luyện thể thao, nguyên tắc quan trọng đầu tiên là cần một người có kinh nghiệm hướng dẫn việc thực hiện các động tác cơ bản. Với mỗi động tác, người tập sử dụng nhiều nhóm cơ khác nhau và lực dồn vào những vị trí khác nhau trên cơ thể. Điều này, nếu chỉ đơn thuần quan sát bằng mắt sẽ không thấy được. Người hướng dẫn có kinh nghiệm sẽ chỉ cho bạn biết sử dụng nhóm cơ nào là chủ yếu, dồn lực ở vị trí nào và phát hiện ra những sai sót trong quá trình thực hiện động tác để điều chỉnh kịp thời.
Chuyên gia ở Đại học Cologne cũng đã chứng minh qua mô hình nghiên cứu đối chứng là vận động viên chọn tất cả thao tác bất kể cơ tạng, bất kể nhược điểm riêng về sức khỏe, không khỏe bằng nhóm được tư vấn để chọn thao tác theo kiểu “tuy không của riêng ai nhưng không ai giống ai”.
Tập dưỡng sinh, tập yoga ở nước ta, nhiều người tưởng đã đi tập phải tập cho hết tất cả động tác mới đáng tiền, nhưng nhiều phòng tập không có bác sĩ, chuyên gia giúp khoanh vùng thao tác cho mỗi đối tượng cá biệt. Thực tế, ngay cả những trường hợp đứt dây chằng khớp gối, người bệnh vẫn có thể tập thể dục với những động tác phù hợp với bệnh lý, chủ yếu tập trung cho cơ đùi mạnh, nhờ đó sẽ giữ cho khớp gối mạnh theo.
Ngoài chấn thương, người tập có thể đối mặt với nhiều vấn đề phiền toái như:
- Cơ thể cạn kiệt năng lượng do tập hăng quá nên trung khu điều hành giấc ngủ bị rối loạn khiến gia chủ ngáp vắn ngáp dài nhưng không tài nào chợp mắt.
- Thiếu khoáng tố trấn an hệ thần kinh và điều hòa thao tác co duỗi của bắp thịt, cụ thể là can xi, phốt pho và ma giê. Người tập dù tối lên giường là ngáy o o nhưng giữa đêm la làng vì chuột rút.
Theo TNO
TIN LIÊN QUAN |
---|