Khơi dậy hào khí cuộc khởi nghĩa Hoan Châu

19/02/2016 10:19

(Baonghean) - Để tưởng nhớ công đức Mai Hắc Đế và các tướng sỹ, nhân dân nhiều tỉnh thành trong cả nước đã lập tượng đài, đền, miếu thờ. Riêng tại Nam Đàn, nơi sinh ra và lớn lên của vua Mai, nơi cuộc khởi nghĩa bùng nổ và cũng là nơi có phần mộ của vua Mai, mẹ vua Mai… hàng năm, bắt đầu từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng, lễ hội Đền vua Mai lại được long trọng tổ chức để tưởng nhớ công đức Vua Mai cùng các tướng lĩnh của Ngài và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu đánh bại quân xâm lược phương Bắc xây dựng Nhà nước Vạn An độc lập.

(Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn xung quanh những vấn đề liên quan).

Lễ hội Vua Mai 2016 sẽ diễn ra tại Khu lăng Vua Mai (xã Vân Diên), Đền thờ Vua Mai (Thị trấn), Khu Lăng Thân mẫu vua Mai và các điểm di tích có liên quan từ ngày 20 đến ngày 22/2/2016 (tức từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch).

Ông Đinh Xuân Quế đánh trống khai mạc Lễ hội Đền vua Mai năm 2015.
Ông Đinh Xuân Quế đánh trống khai mạc Lễ hội Đền vua Mai năm 2015.

Phóng viên: Dù lịch sử đã lùi xa nhưng dấu tích của khởi nghĩa Hoan Châu gắn với tên tuổi vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan - vị Vua đầu tiên trên đất Nghệ An ngày càng được bảo tồn, gìn giữ và phát huy phải vậy không, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Xuân Quế: Theo sử xưa kể lại, vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, vốn gốc là người làng Mai Phụ (nay thuộc xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại thôn Ngọc Trừng xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ông sớm mồ côi cha mẹ nên phải đi ở từ thuở nhỏ, nhưng nhờ có sức vóc khỏe mạnh, thông minh, tài trí hơn người, lại đặc biệt giỏi võ nghệ nên ông sớm nổi tiếng trong vùng. Khi Mai Thúc Loan lớn lên, cũng là lúc nhà Đường thống trị nước ta và chúng đã đặt ra lệ cống nạp sản vật nặng nề. Đã có không biết bao nhiêu người phải bỏ mạng trên đường đi gánh, vác sản vật cống nạp vì đói khát, đòn roi của bọn quan hộ tống. Lòng căm thù bọn giặc Đường xâm lược ngày dâng cao trong nhân dân.

Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh Thanh Lê
Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh Thanh Lê
Lễ hội Đền Vua Mai 2015.  Ảnh: Bùi Văn Dũng

Lễ hội Đền Vua Mai 2015. Ảnh: Bùi Văn Dũng

Mai Thúc Loan là người thấu hiểu được nỗi cơ cực, uất ức của người dân mất nước, nên đã dũng cảm đứng lên lãnh đạo nhân dân nổi dậy làm nên cuộc khởi nghĩa ở Đụn Sơn rồi bùng nổ, lan rộng rộng khắp trên phạm vi cả nước, quét sạch lũ giặc xâm lược ra khỏi bờ cõi. Năm 713, Mai Thúc Loan được nhân dân suy tôn lên làm Vua và có niên hiệu là “Mai Hắc Đế”, Triều đình Vạn An ra đời. Sau này, nhà Đường lại đem quân ồ ạt xâm lược nước ta, vì thế giặc mạnh, giữa lúc đó Mai Hắc Đế lâm bệnh nặng và qua đời, Mai Thiếu Đế và các tướng sỹ không đủ sức giữ thành quả thắng lợi lâu dài nên cuối cùng bị phương Bắc thống trị trở lại.

Tuy nhiên, 10 năm độc lập có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nhân dân ta, cuộc khởi nghĩa Hoan Châu được đánh giá là một trong những cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất so với các cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc.

Lễ rước tại đền Vua Mai
Lễ rước tại đền Vua Mai.

Để tưởng nhớ công đức Mai Hắc Đế và các tướng sỹ, nhân dân nhiều tỉnh thành trong cả nước đã lập tượng đài, đền, miếu thờ. Riêng tại Nam Đàn, nơi sinh ra và lớn lên của vua Mai, nơi cuộc khởi nghĩa bùng nổ và cũng là nơi có phần mộ của vua Mai, mẹ vua Mai… hàng năm, bắt đầu từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng, lễ hội Đền vua Mai lại được long trọng tổ chức để tưởng nhớ công đức Vua Mai cùng các tướng lĩnh của Ngài và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu đánh bại quân xâm lược phương Bắc xây dựng Nhà nước Vạn An độc lập. Đồng thời giáo dục truyền thống tốt đẹp cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhằm tăng thêm niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là dịp để huyện Nam Đàn quảng bá, giới thiệu cụm di tích Vua Mai nhằm thu hút du khách, các nhà đầu tư đến tìm hiểu, thưởng ngoạn các giá trị văn hoá thông qua hệ thống di tích đền, lăng, miếu Vua Mai nhằm phát huy văn hoá truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, từ đó phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Đền Vua Mai.Ảnh: sỹ minh
Đền Vua Mai. Ảnh: Sỹ Minh

Phóng viên: Lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng âm lịch với rất nhiều hoạt động hấp dẫn, đồng chí có thể cho nhân dân biết rõ hơn những hoạt động chính của Lễ hội năm 2016?

Đồng chí Đinh Xuân Quế: Lễ hội Đền Vua Mai là lễ hội văn hoá truyền thống được tổ chức hàng năm vào dịp Rằm tháng Giêng âm lịch. Đây là một trong những lễ hội mở đầu cho các hoạt động lễ hội trong năm ở tỉnh Nghệ An. Về với lễ hội, nhân dân và du khách thập phương sẽ được hòa mình trong những hoạt động mang đậm bản sắc vùng đất “địa linh nhân kiệt” như lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ đại tế, lễ tạ, lễ thả đèn hoa đăng... hay cùng tham gia các trò chơi dân gian như cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, kéo co, đẩy gậy, hội vật... cùng hòa mình với giải bóng chuyền, hội thi “Thanh niên thanh lịch”, các tiết mục dân ca, hát kịch ca ngợi công đức Vua Mai. Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để Nam Đàn giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của quê hương như nước tương, bột sắn dây, ẩm thực truyền thống với các món ăn đặc sản,…

Đua thuyền tại Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh: Thanh Lê
Đua thuyền tại Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh: Thanh Lê

Phóng viên: Là Lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, Lễ hội Đền Vua Mai đã trở thành điểm nhấn của du lịch văn hóa tâm linh mỗi dịp đầu Xuân. Vậy Nam Đàn đã có những trăn trở gì để hấp dẫn du khách?

Đồng chí Đinh Xuân Quế: Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng được huyện đặt lên hàng đầu. Bên cạnh tập trung tuyên truyền trên Báo Nghệ An, Đài Truyền hình Nghệ An, Cổng Thông tin Điện tử huyện, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, Đài Truyền thanh 24 xã, thị trấn, chúng tôi còn chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao xây dựng các cụm panô giới thiệu chương trình lễ hội tại Khu Lăng Vua Mai, ngã tư Vân Diên, đường vào Đền thờ, ngã 3 Thị trấn, ngã tư Nam Giang, Nam Trung; treo hệ thống băng rôn qua Quốc lộ 46 từ Nam Giang tới Đền thờ (thị trấn), khu Lăng Vua Mai ở núi Đụn (Vân Diên), ở các ngõ ra vào của huyện; bổ sung hệ thống cờ đuôi nheo, cờ lễ hội, cờ tổ quốc. Chỉ đạo mỗi xã, thị trấn bố trí từ 2 đến 3 băng rôn qua đường treo tại các vị trí trung tâm, vận động nhân dân treo cờ Tổ quốc chào mừng lễ hội.

Chơi cờ người tại Đền thờ vua Mai.
Chơi cờ người tại Đền thờ Vua Mai.

Để lễ hội Đền Vua Mai ngày càng hấp dẫn du khách là điều mà Ban tổ chức hết sức trăn trở. Một trong những điểm nhấn quan trọng, cũng là nét mới của Lễ hội năm nay, đó là Đêm Hội thả đèn Hoa đăng tưởng niệm công đức Vua Mai, cầu cho “Quốc thái, dân an; Nam Đàn phát triển; nhà nhà no ấm” được tổ chức vào đêm 14 tháng giêng âm lịch tại sân và hồ nước trước khu Lăng Vua Mai. Sẽ có hàng ngàn chiếc đèn hoa đăng được thả trong khu vực Lăng Vua Mai và hồ nước. Những đèn hoa đăng này do Sư trụ trì và các phật tử chùa Hà (xã Hùng Tiến) đảm nhiệm. Hy vọng với công tác chuẩn bị chu đáo, kết hợp với các yếu tố tâm linh vừa trang trọng, linh thiêng; vừa có ý nghĩa thiết thực, Lễ hội Đền Vua Mai sẽ ngày càng hấp dẫn hơn để du khách tìm về mỗi dịp đầu Xuân./.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Thanh Thủy

(thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Khơi dậy hào khí cuộc khởi nghĩa Hoan Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO