Khơi dậy nội lực người dân

05/10/2015 08:49

(Baonghean) - Xây dựng và thực hiện mô hình “Dân vận khéo” bằng cách đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp nhân dân; có biện pháp linh hoạt, phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng cụ thể và có sự tôn vinh, biểu dương kịp thời. Quan trọng hơn cả là sức mạnh nội lực của chính từng người dân, từng cơ sở. Đó là những kinh nghiệm của TX. Cửa Lò trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo” 3 năm qua.

Những mô hình dân vận kinh tế hay

Chi hội nông dân khối Hải Bình, phường Nghi Hải là một trong những điển hình của công tác dân vận ở Thị xã Cửa Lò. Khối Hải Bình có 239 hộ với 1.064 nhân khẩu, trong đó có 145 hộ là nông dân. Người dân trong khối chủ yếu phát triển dịch vụ chế biến nước mắm, cung cấp thực phẩm, phục vụ du lịch, xuất khẩu, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ, hải sản. Các đội thuyền đánh bắt hải sản truyền thống dù có nhiều kinh nghiệm trên ngư trường, nhưng trước những yêu cầu mới, đòi hỏi thuyền to, tàu lớn để vươn khơi xa, đã phải đối mặt với nhiều thách thức.

Chế biến nước mắm tại gia đình ông Nguyễn Tài Thắng ở khối Hải Bình, phường Nghi Hải  (TX. Cửa Lò). Ảnh: Thanh Vân
Chế biến nước mắm tại gia đình ông Nguyễn Tài Thắng ở khối Hải Bình, phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò). Ảnh: Thanh Vân

Trước thực trạng đó, Chi hội nông dân khối Hải Bình do ông Nguyễn Hào Quang làm Chi hội trưởng đã có ý tưởng thành lập các tổ, đội liên doanh nghề cá, với mục đích giúp nhau có điều kiện cùng đánh bắt xa bờ, tăng sức chuyên chở sản phẩm nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất. Ý tưởng là vậy nhưng để triển khai trên thực tế, những người “vác tù và” giàu tâm huyết như ông Nguyễn Hào Quang đã phải cất công đến từng gia đình, trò chuyện, phân tích thiệt hơn cho các chủ tàu cá để nâng cao nhận thức, giúp họ nhận ra lợi ích của sự đoàn kết, hiệp đồng. Bên cạnh đó, Chi hội nông dân khối kết hợp với các tổ chức, đoàn thể như Chi hội phụ nữ, người cao tuổi, cựu chiến binh … để cùng tuyên tuyền, nắm bắt tâm tư người dân.

Vượt qua những vướng mắc, khó khăn bước đầu, toàn khối Hải Bình đã thành lập 1 tổ nghề cá, 3 tổ liên doanh, liên kết trên biển, tăng sức mạnh tập thể, tăng nguồn lợi đánh bắt và hậu cần nghề cá gấp nhiều lần so với trước đây. Trong 3 năm (2012 - 2014), các hộ tham gia khai thác, đánh bắt được 900 tấn thủy, hải sản các loại, đạt giá trị 9 tỷ đồng/năm, tạo thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Hào Quang cho biết thêm: “Công tác dân vận ở khối Hải Bình lấy việc khơi dậy nội lực làm trọng tâm. Không chỉ thành lập các tổ liên doanh trên biển, mà ở đất liền, chúng tôi cũng không ngừng vận động, khích lệ tinh thần đoàn kết trong bà con nhân dân để bảo vệ sự bền vững của môi trường biển như vận động ngư dân không dùng mìn, kích điện, dạ điện, thuốc nổ các loại tham gia đánh bắt hải sản; huy động hàng trăm ngày công và 35 triệu đồng xây dựng đường điện chiếu sáng dài hơn 300m ở khu bến neo đậu tàu thuyền...”.

Còn ở khối Nam Phượng, phường Nghi Thu, công tác dân vận lại thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, ghi dấu ấn người đứng đầu. Về khối Nam Phượng hỏi thăm Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Khang, ai cũng nhiệt tình chia sẻ về người cán bộ “miệng nói, tay làm” với dấu ấn rõ nét trong những đổi thay đi lên của khối xóm những năm gần đây. Khối Nam Phượng là địa bàn thuần nông - ngư, đời sống kinh tế trong nhiều năm không có khởi sắc đáng kể. Để vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông - ngư nghiệp thuần túy sang lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ - một mũi nhọn kinh tế của đô thị du lịch biển, ban cán sự khối đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, điểm sáng là vai trò của công tác dân vận. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người từ 18 triệu đồng (2010) lên đến 29 triệu đồng/người/năm; hộ khá, giàu chiếm 57%, hộ nghèo còn 1 hộ, chiếm 0,99%, tỷ lệ gia đình văn hoá chiếm 93% (2010) lên 97% (2014). Dân vận vừa có lý, vừa có tình, phân tích cho nhân dân hiểu xu thế tất yếu của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế; công khai, dân chủ lấy ý kiến về các hoạt động là “bí quyết” thành công của ban cán sự khối nói chung và Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Khang nói riêng.

Xây dựng điểm sáng dân vận chính quyền

Song song với công tác dân vận trong xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, công tác “Dân vận chính quyền” cũng được TX. Cửa Lò chú trọng, triển khai thực hiện từ thị xã xuống phường. Các buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được quan tâm và tổ chức thường xuyên để giải thích, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; công khai quy hoạch, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, huy động nội lực đóng góp xây dựng hạ tầng; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Hiện nay, UBND thị xã đang chỉ đạo xây dựng điểm sáng về thực hiện Quy chế dân chủ ở phường Nghi Thu, điểm sáng về công tác tiếp dân ở UBND phường Nghi Hương, về văn minh công sở ở UBND phường Nghi Hải; phòng Nội vụ tiếp tục tham mưu cho UBND thị xã chỉ đạo xây dựng công tác dân vận tại UBND các phường… Đồng thời, tiếp tục thực hiện Đề án cải cách hành chính, chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, giáo dục cán bộ, công chức thực hiện phong cách "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, xây dựng các mô hình tiêu biểu như: công tác triển khai và vận động nhân dân trong đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án của UBND phường Nghi Hương; vận động nhân dân chuyển đổi nghề khai thác hải sản từ lộng ra khơi xa của UBND phường Nghi Thủy; mô hình “Vận động nhân dân chấp hành chính sách, pháp luật thuế” của Chi cục Thuế Cửa Lò; mô hình “Bộ phận một cửa vì nhân dân phục vụ” của Công an Thị xã Cửa Lò; mô hình “Tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đền bù, giải phóng mặt bằng” của Trung tâm Phát triển quỹ đất.

Nhân rộng các mô hình

Trong 3 năm (2013 - 2015), phong trào “Dân vận khéo” ở Thị xã Cửa Lò đã được các đơn vị gắn với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua chào mừng 20 năm ngày thành lập thị xã. Mỗi tập thể, cá nhân đều có cách đi riêng, nhưng tựu trung đều đem đến những mô hình, điển hình tiêu biểu, hiệu quả trong số 107 mô hình được đăng ký xây dựng. Phong trào “Dân vận khéo” đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn thị xã; thông qua các phong trào đó, cán bộ, công chức đã thực sự gần dân, sát dân để giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp nhanh chóng hơn; Mặt trận, các đoàn thể có nhiều cách làm hay, nâng cao hiệu quả thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương và đơn vị.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng mô hình "Dân vận khéo" ở thị xã biển, đồng chí Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thị xã Cửa Lò khẳng định: “Các điển hình làm dân vận khéo trong phong trào xuất phát từ chính nội lực của đơn vị, địa phương xây dựng mô hình. Tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, năng động, sáng tạo đó là điều rất cần trong việc thực hiện công tác dân vận. Thời gian tới, Ban chỉ đạo phong trào sẽ tiếp tục phát hiện, nhân rộng các điển hình thành công đồng thời có những chỉ đạo cụ thể, nhạy bén và có sự đầu tư, hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật để phong trào phát huy hiệu quả một cách thực chất và bền vững”.

An Nhân

Khơi dậy nội lực người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO