Khởi động thị trường hàng Tết

06/11/2013 18:47

(Baonghean) - Bước vào quý IV, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lại gấp rút thực hiện kế hoạch dự trữ nguồn hàng Tết. Song song với sản xuất, nhiều chương trình đẩy mạnh sức mua cũng đang được lên kế hoạch triển khai. Dự báo năm nay sức mua sẽ giảm vì tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập người lao động chưa được cải thiện, trong khi hàng hóa lại neo giá ở mức cao, buộc các doanh nghiệp phải tính toán kỹ từng đơn hàng...

gay từ đầu tháng 10/2013, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị đưa hàng tết ra thị trường. Việc khởi động hàng tết sớm hơn mọi năm được các doanh nghiệp lý giải nhằm tận dụng hết cơ hội mua sắm cuối năm, vớt vát lại một năm kinh doanh đầy khó khăn. Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Đức Công, một trong những đơn vị kinh doanh thương mại, dịch vụ lớn trên địa bàn tỉnh với 5 đại lý, điểm bán hàng ở TP Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, ngay từ đầu tháng 10/2013 đã chuẩn bị hàng hoá phục vụ cho thị trường Tết Giáp Ngọ. Ông Lương Ngọc Đức - Giám đốc công ty nhận định: Trước tình hình suy giảm kinh tế, nhiều nhà sản xuất đã giảm sản lượng so với các năm trước.

Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm trong dịp Tết của người dân vẫn rất lớn, do vậy, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, không để sốt hàng, tăng giá. Và để chủ động được lượng hàng hoá, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, chúng tôi đã thực hiện ký hợp đồng cung ứng hàng với các doanh nghiệp sản xuất ngay từ tháng 9/2013, với tổng số vốn khoảng gần 2 tỷ đồng; mặt hàng chủ yếu là trứng, gạo, bánh kẹo, rượu, bia, nước ngọt… Ngoài ra còn đặt cọc với nhiều nhà sản xuất bảo đảm đáp ứng hàng hóa kịp thời nếu có nhu cầu phát sinh. Nếu trời rét kéo dài công ty sẽ chuẩn bị thực phẩm, rượu nhiều hơn, chuẩn bị hàng sớm hơn… Còn thời tiết nắng thì phải chuẩn bị bia, đồ uống nhiều hơn, và chuẩn bị hàng muộn hơn, bởi để lưu kho dự trữ dễ bị hỏng. Năm nay Tết rơi vào tháng 1 đến sớm hơn nên công tác chuẩn bị sẽ phải gấp gáp hơn...

Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Đức Công chuẩn bị trứng gà cung ứng thị trường Tết Giáp Ngọ 2014.
Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Đức Công chuẩn bị trứng gà cung ứng thị trường Tết Giáp Ngọ 2014.

Trong khi các doanh nghiệp lớn đã sớm lo nguồn hàng phục vụ tết thì các chủ đại lý, các tư thương lại chưa mặn mà lắm với việc dự trữ hàng hóa. Bà Nguyễn Thị Yến, chủ đại lý bánh kẹo Chính Yến trên đường Nguyễn Du (TP Vinh) cho biết: "Năm nay kinh tế khó khăn, sức mua từ đầu năm đến nay đều thấp, khiến thị trường tiêu thụ cuối năm rất khó dự đoán, chúng tôi không dám mạo hiểm trữ hàng với số lượng lớn như các năm trước. Hiện đối với các đại lý thường chọn giải pháp an toàn là luôn duy trì lượng hàng trong kho vừa đủ và chỉ nhập hàng về khi thị trường có nhu cầu, đành chấp nhận lãi ít để bảo toàn đồng vốn"... Không chỉ mặt hàng bánh kẹo, ngay đến các đại lý kinh doanh bia rượu, nước giải khát cũng chưa tích cực trong việc dự trữ hàng Tết.

Theo bà Ngô Thị Thanh, Tổng đại lý cấp 1 hãng bia Sài Gòn tại thị trường Nghệ An: 2 năm trở lại đây nhu cầu tiêu dùng các loại bia rượu, nước ngọt có xu hướng giảm khiến các cửa hàng kinh doanh gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch nhà máy giao. Như tết năm ngoái, nhiều doanh nghiệp trữ bia, nước giải khát với số lượng lớn đã bị tồn hàng do sức tiêu thụ thấp. Đến chiều 30 tết, có những chủ cửa hàng phải bán tháo với giá thấp hơn giá nhập để gỡ vốn, nên năm nay các đại lý rất thận trọng trong việc nhập hàng dự trữ. Và dù không mạnh dạn trữ hàng hóa tại chỗ, nhưng khi cần vẫn có ngay hàng từ các đại lý cấp 1 rót về nên các tiểu thương cũng không lo thiếu hàng...

Gần 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng ngay từ bây giờ các tiểu thương, nhất là đối với những người kinh doanh hàng quần áo, giày dép... đang phải dồn sức đẩy hàng tồn, nhanh chóng thu hồi vốn để nhập hàng tết. Những ngày này, dạo qua một số chợ trên địa bàn nội thành như chợ Vinh, chợ Quang Trung, chợ Quán Lau… không khí mua bán tại đây diễn ra khá trầm lắng. Những năm trước, thời điểm này hàng hóa đã được các tiểu thương chuyển về nhộn nhịp nhằm chuẩn bị cho đợt bán hàng cuối năm. Nhưng năm nay, do hàng tồn kho vẫn còn nhiều nên các tiểu thương đang cố gắng đẩy hàng tồn rồi mới tính chuyện nhập hàng mới về bán dịp Tết.

Chị Nguyễn Thị Ánh, một tiểu thương kinh doanh hàng quần áo tại chợ Quang Trung cho biết: “Ban ngày chúng tôi buôn bán ở chợ, đến tối lại huy động thêm chồng con đi bán ở chợ đêm trước tòa nhà Dầu khí. Thời điểm này, điều cốt yếu là làm sao giải phóng được hàng hè thu càng nhiều hàng càng tốt để lấy "vốn" để nhập hàng bán tết. Nhìn tình hình tiêu thụ như năm nay chúng tôi cũng không dám "ôm" hàng nhiều". Chị Đặng Thị Ngọc, một tiểu thương bán giày dép ở chợ Vinh cho biết thêm: “Năm nay hàng hóa bán chậm, gần cuối năm mà hàng vẫn tồn đọng nhiều. Những năm trước, chúng tôi được đầu mối bán sỉ cho lấy hàng theo kiểu nợ gối đầu, lấy hàng đợt sau mới phải trả tiền hàng đợt trước, từ 2 năm trở lại đây, nhất là vào thời điểm cuối năm, nhiều DN không còn áp dụng phương thức đó nên chúng tôi đang tập trung giải phóng hàng nhanh để quay vòng vốn”.

Mùa kinh doanh thị trường Tết, các siêu thị trên địa bàn TP Vinh cũng đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa các loại, thuộc 4 nhóm chính, gồm thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình và sản phẩm may mặc. Hiện các nhân viên đang gấp rút hoàn thiện những khâu chuẩn bị cuối cho chiến dịch phục vụ mua sắm Tết. Họ trang trí các gian hàng rực rỡ, bắt mắt hơn; những vị trí đẹp trong siêu thị cũng bắt đầu được tận dụng để trưng bày các sản phẩm thiết yếu trong ngày Tết, như bánh kẹo, rượu, bia... Và hàng Việt Nam vẫn là ưu tiên của các đơn vị kinh doanh, hiện lượng hàng Việt đang chiếm khoảng 90% trên tổng số hàng hóa được trưng bày. Để kích cầu tiêu dùng và tăng doanh thu, các đơn vị sẽ vẫn tiếp tục đẩy mạnh hình thức bán hàng lưu động về vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vào những tháng cuối của Tết Giáp Ngọ.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, đến thời điểm này đã hoàn thành cơ bản kế hoạch cung ứng những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân. Theo kế hoạch, lượng hàng hóa cung ứng sẽ đến từ 3 nguồn cung chính, từ các doanh nghiệp bình ổn, chợ đầu mối chiếm 40% - 50% và từ những doanh nghiệp khác. Đối với các siêu thị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn hàng hóa phải thực hiện tốt việc báo cáo tình hình sức mua; công tác chuẩn bị nguồn hàng cũng như khả năng cung cầu, giá cả hàng hóa. Mọi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và những biến động của thị trường sẽ được cập nhật để có biện pháp giải quyết kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa gây sốt giá.

Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, khi người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, dù biết cuối năm là thời điểm "vàng" làm ăn trong suốt cả năm nhưng hầu hết các doanh nghiệp, tư thương đều phải thận trọng tính toán. Riêng đối với Nghệ An, năm qua là một năm nhiều biến động, giá một số nông sản, thủy hải sản… giảm xuống. Không những thế, thời tiết mưa bão bất thường đã làm giảm năng suất mùa vụ khiến đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn. Đây là lý do không nhỏ ảnh hưởng tới một mùa Tết, mà theo dự báo của nhiều đơn vị kinh doanh, sẽ không mấy khả quan hơn các năm trước.

Ngọc Anh

Mới nhất
x
Khởi động thị trường hàng Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO