Khôi phục những môn thể thao truyền thống đầu Xuân
(Baonghean) - Trong không khí náo nức của những lễ hội mùa Xuân, các môn thể thao dân tộc là những điểm nhấn đặc sắc và gây ấn tượng nhất. Gìn giữ và phát triển các môn thể thao độc đáo và giàu tính nhân văn cũng là một trong những việc làm tôn vinh văn hóa Việt.
Nói đến thể thao ngày Tết, thú vui thanh tao mà trí tuệ chính là môn cờ người. Hiện nay ở tỉnh Nghệ An cờ người đã phát triển một cách sâu rộng tới nhiều làng, xã các huyện đồng bằng, thành phố như thị xã Cửa Lò, các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn.... Đây là một trong những môn thể thao gây nhiều sự chú ý, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham dự. Các trận cờ thường diễn ra ở khu vực rộng rãi như sân đình, chùa.
Sân cờ được kẻ rất rộng, các “quân cờ” là những nam thanh, nữ tú trong làng. “Tướng” phải đội mũ tướng soái, mặc triều phục long trọng, chân đi hài thêu, có lọng che phía sau. Quân “sỹ” thường đội mũ cánh chuồn, trong khi “tốt” phải đội nón, quần áo gọn gàng theo màu chọn sẵn dành cho mỗi bên. Mỗi người tham gia trận đấu sẽ cầm một cây trượng sơn son thếp vàng ghi chữ tương ứng với mỗi quân cờ để người đánh cờ theo dõi và thi triển nước đi.
Cảnh chơi đánh cờ người.
Trước khi thi đấu, 2 đội cờ sẽ có màn biểu diễn theo tiếng trống để tiến vào vị trí. Các kỳ thủ thi đấu thường là những người có tuổi tác, địa vị, và được kính trọng. Mỗi người cầm theo một chiếc cờ ngũ sắc để dẫn dắt và điều khiến trận đấu. Mỗi nước đi đều có tiếng trống cái phụ họa. Đặc biệt, bầu không khí sẽ trở nên căng thẳng và thú vị hơn khi tiếng trống dồn dập báo hiệu mỗi lần chiếu tướng, hoặc sát cục (dọa chiếu hết).
Khán giả vây quanh sân đấu, bàn tán, thưởng thức và “bình” từng nước đi của kỳ thủ. Sự náo nhiệt và hấp dẫn càng tăng cao nếu như có đại diện nào đó thách đấu người thắng cuộc.
Ngoài cờ người, cờ tướng bàn, môn đấu vật dân tộc cũng đang được các địa phương trong tỉnh chọn “thi tài” trong dịp đầu Xuân, lễ hội. Đấu vật là một trò chơi thượng võ. Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng xã đã treo giải vật rất cao trong 3 ngày Tết. Tục xưa người ta trao giải bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng... Quy định chung của cuộc đấu là người chiến thắng phải vật cho đối phương thua trắng bụng (ngã ngửa ra đất) hay nhấc bổng được đối phương lên. Về kỹ thuật cũng có những “miếng“ riêng của nó như đệm, bốc, ghì..., tùy theo từng hoàn cảnh và điều kiện, đô vật phải biết lợi dụng triệt để thời cơ để quật ngã hay bê bổng đối phương. Hằng năm vào dịp tết Nguyên đán, lễ hội, nhiều làng xã của các địa phương ở Nghệ An như các huyện Yên Thành, Nam Đàn, Quỳ Châu… đều có những chiếu vật thu hút rất đông các đô vật tranh tài và người dân tới xem, cổ vũ.
Tại các địa phương khu vực miền núi, vùng cao như Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn… các môn đẩy gậy, chọi trâu, bắn nỏ, tung còn được xem là những môn thể thao được nhiều người yêu thích và thu hút đông đảo người tham dự thi đấu cũng như cổ vũ. Đây là những trò chơi mang đậm chất văn hóa của các dân tộc thiểu số. Vào những ngày vui của bản mường, khi các bậc cao tuổi gật gù, nhâm nhi với chén rượu thì đám thanh niên háo hức kéo nhau ra đầu bản để tham gia, hay đơn giản hơn chỉ là để đón xem các trò chơi truyền thống.
Nhộn nhịp nhất, đông vui mà cũng gay cấn nhất là những đám thi đẩy gậy. Trai gái đứng quanh một vòng tròn đã được vạch sẵn bằng vôi trắng để cổ vũ các chàng trai thi thố. Cứ thấy đám đông nào đứng xúm xít thành vòng tròn, lúc xuýt xoa tiếc rẻ, lúc reo lên sảng khoái, xen lẫn tiếng trống khi đổ dồn khi khoan nhặt... thì đích thị ở đó đang diễn ra trò chơi đẩy gậy.
Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho truyền thống thượng võ của các dân tộc thiểu số. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều thanh niên nam nữ ham thích và biết bắn nỏ. Những người tham gia thi bắn nỏ thường chuẩn bị rất kỹ từ trước tết. Tham gia thi bắn nỏ thường là những thợ săn có tiếng, những thanh niên khỏe mạnh. Hội thi bắn nỏ thường được tổ chức vào dịp Tết.
Ném còn là dùng quả còn tung qua vòng tròn ở trên cao cho người đứng ở phía bên kia bắt rồi ném trả lại qua cái vòng tròn ấy. Có nơi tổ chức hẳn một bãi ném còn riêng. Thông thường tổ chức ở sân đình. Có nơi ném trong hang đá rộng, trần cao. Ở giữa bãi còn người ta dựng một cây tre (hoặc hóp) cao 9 m, trên đỉnh buộc một vòng tròn đường kính 50cm, bưng giấy bản màu đỏ. Những người ném còn đứng cách cột tre 9 m, cầm dây còn vung ba vòng theo chiều kim đồng hồ, đến vòng thứ ba thì buông dây cho quả còn bay lên xuyên thủng màng giấy chui qua vòng tròn sang cho người bên kia bắt rồi ném lại. Mỗi khi quả còn chui qua vòng tròn, dân làng đứng xem lại vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt. Đây là trò chơi được yêu thích đối với nhiều lứa tuổi.
Ngoài những môn thể thao rất phổ biến trên, nhiều trò chơi dân gian mang đậm chất thể thao khác cũng đang dần được khôi phục và thu hút giới trẻ tham gia như biểu diễn võ cổ truyền, chơi tổ tôm điếm, kéo co, chơi đu, chọi gà, nấu cơm thi... Việc tổ chức các môn thể thao truyền thống vào dịp đầu Xuân năm mới chính là điều kiện rất tốt để truyền đạt những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc tới thế hệ trẻ, góp phần đáp ứng và nâng cao nhu cầu vui chơi của nhân dân, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào, nhân dân mỗi vùng miền nói riêng.
Thanh Thuỷ