Khởi sắc của miền Tây Nghệ An nhờ sóng internet

Hoài Thu 02/05/2022 08:29

(Baonghean.vn) - Đến với bản làng miền Tây xứ Nghệ, niềm vui đã hiện hữu ở những đổi thay trong cuộc sống, lao động và học tập của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt là khi “cánh sóng” internet được cập nhật, vươn xa đến từng ngôi nhà nhỏ nơi lưng chừng núi lưng chừng đèo...

Kết nối tri thức

Những ngày tháng Tư này, tiếng trống trường đã giục giã bước chân của học sinh các bản làng ở xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông. Những bước chân vui tươi của học sinh đã rảo bước đến trường sau một thời gian dài học online để tránh dịch Covid-19. Em Nguyễn Thị Quỳnh Giang, học lớp 9A2 Trường THCS Môn Sơn luôn nâng niu chiếc điện thoại thông minh đã gắn bó với em suốt 2 năm nay trong những giờ học online. Giang khoe thành tích năm học 2020-2021 của bản thân đứng tốp đầu của lớp. Quỳnh Giang là chị cả, cùng với 2 em được ông bà ngoại nuôi nấng, tuổi thơ chị em Giang gắn bó với ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở bản Cửa Rào.

Doi thay cua mien Tay Nghe An song internet-hinh-anh-1
Học sinh Trường THCS Môn Sơn (Con Cuông) học online bằng điện thoại thông minh được Chương trình Sóng và máy tính cho em hỗ trợ. Trong ảnh: Em Nguyễn Thị Quỳnh Giang (trái) và Hà Thị Hoài (phải). Ảnh: Hoài Thu

Ngày ngày Giang đạp xe gần nửa tiếng đồng hồ để đến trường. “Thời gian giãn cách xã hội, nếu không có điện thoại thì không biết ba chị em sẽ xoay xở ra sao để theo học. Bởi vậy, chiếc điện thoại em được tặng chính là cầu nối tri thức giúp chúng em thêm quyết tâm học tập” - Quỳnh Giang chia sẻ. Ba chị em Giang dùng chung 1 chiếc điện thoại, những lúc giờ học của ba chị em trùng nhau thì Giang nhường điện thoại cho em, rồi đạp xe sang bản khác học “ké” bạn cùng lớp.

Ở Môn Sơn, những bản làng gần trung tâm xã học sinh được hưởng lợi rất lớn từ “cánh sóng” internet, việc học tập online được đảm bảo ít khi bị gián đoạn. Song ở những bản làng xa xôi của đồng bào Đan Lai ở bản Khe Búng, bản Cò Phạt, thì con em còn phải chịu nhiều thiệt thòi hơn khi sóng internet thường xuyên chập chờn, thậm chí không có. “Song, các em không đầu hàng trước hoàn cảnh. Nhiều học sinh ở bản xa như em La Thị Nhung ở bản Khe Búng vì không có sóng internet nên cứ đến giờ học lại cuốc bộ đến nhà em Lê Thị Quê ở cùng bản để học “ké” sóng internet. Cả hai luôn động viên nhau cố gắng vươn lên. Em Lê Thị Quê cũng là học sinh vừa đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp huyện môn Giáo dục công dân” - cô Nguyễn Thị Thu Phương, chủ nhiệm lớp 9A2 Trường THCS Môn Sơn cho biết.

Doi thay cua mien Tay Nghe An song internet-hinh-anh-2
Giáo viên Trường THCS Môn Sơn (Con Cuông) dạy học online. Ảnh: Hoài Thu

Toàn huyện Con Cuông có 288 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tặng điện thoại để học online từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ở Trường THCS Môn Sơn có 19 học sinh được tặng điện thoại, trong đó có em Quỳnh Giang lớp 9A2, Hà Thị Hoài lớp 9A3, La Thị Nhung lớp 9A3...

“Bắt đầu từ tháng 4/2022, học sinh ở Môn Sơn cũng như các trường khác ở Nghệ An đã trở lại học trực tiếp, song việc học online vẫn được chúng tôi áp dụng cho một số hoạt động ôn luyện, bồi dưỡng học sinh và hướng dẫn các em thực hành các dạng bài tập cần thiết” - thầy Lê Duy Thuận - Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn cho biết.

Chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đến tháng 9/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã huy động được hơn 2.500 điện thoại thông minh để tặng học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh thuộc xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó có 1.500 máy do Mặt trật Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, 120 máy của Hội Khuyến học tỉnh và 880 máy của Viettel Nghệ An trao tặng.

Rút ngắn khoảng cách

Những “cánh sóng” internet về với các bản làng miền Tây xứ Nghệ không chỉ hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học, mà còn giúp đồng bào rút ngắn khoảng cách về thời gian, không gian khi có điện thoại thông minh kết nối mạng xã hội. Hiện nay, các huyện nghèo như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… cũng đã triển khai được hệ thống họp giao ban trực tuyến đến tận các xã. Nhờ hệ thống này, cán bộ xã không còn phải trèo đèo lội suối, không còn phải ra trung tâm huyện thuê phòng trọ để chờ họp hành.

Một cán bộ huyện Kỳ Sơn cho hay, hiện nay hầu hết các xã, bản đều có nhóm facebook hoặc zalo để trao đổi thông tin, chỉ đạo công việc cũng như thực hiện hội họp, giao lưu chia sẻ mọi mặt trong cuộc sống. Nhờ các hội nhóm này mà khoảng cách địa lý, thời gian không gian dường như được rút ngắn, mọi người có thể nhìn thấy nhau, trò chuyện chẳng khác nào đang ngồi trước mặt.

Doi thay cua mien Tay Nghe An song internet-hinh-anh-3
Một góc bản làng ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh: Hoài Thu

Chị Vừ Y Ma ở bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ cho hay, năm nay gừng Kỳ Sơn xuống giá thấp, người dân lo lắng không thể tiêu thụ hết. Tuy nhiên, nhờ có sóng internet, các chị em ở bản Phà Xắc sau khi lấy gừng từ rẫy về, dùng điện thoại thông minh chụp ảnh sản phẩm, đăng lên facebook rao bán. Nhờ kết nối mạng, chị có thể bán gừng cho những người khách ở tận thành phố Vinh, thậm chí Hà Nội, Đà Nẵng, điều mà trước đây chị chưa bao giờ có thể nghĩ tới. Không chỉ sản phẩm gừng, các chị em Tổ dệt thổ cẩm ở bản Phà Xắc cũng nhờ sóng internet mà những chiếc khăn, chiếc túi thêu thủ công của mình có thể vươn ra thị trường ngoài huyện, ngoài tỉnh, sang cả nước bạn Lào, Thái Lan.

Đặc biệt, Nghệ An có 21 huyện, thành, thị thì có tới 10 huyện miền núi, trong đó có 5 huyện miền núi cao nằm ở phía Tây. Hiện nay, nhờ có internet, cùng với sự tương tác của chính cán bộ và người dân bản địa đã giúp lan tỏa quảng bá các phong cảnh đẹp, những phong tục tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc. Nhờ internet, những phong tục tập quán, những hình ảnh đẹp dung dị, đậm bản sắc của các vùng miền Tây xứ Nghệ đã được giới thiệu sống động đến hàng triệu người dùng internet trong và ngoài nước.

Doi thay cua mien Tay Nghe An song internet-hinh-anh-4
Tổ dệt bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn sản xuất và bán hàng thổ cẩm qua mạng xã hội. Ảnh: Hoài Thu

“Cánh sóng” internet cùng với sự tương tác, quảng bá của của người dân, cán bộ địa phương đang dần góp sức hình thành các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh Thái vùng miền Tây Nghệ An hấp dẫn du khách muôn phương… Và, trên “cánh sóng” internet, người dân vẫn thường truyền nhau những câu hát ca ngợi cảnh sắc quê hương xứ Nghệ mê đắm lòng người:

“Quỳ Châu ơi Hang Bua hùng vĩ quá, Quế Phong ngân nga ngắm Thác Sao Va
Điệu dân ca đồng bào Thái, Thổ… để ai đi xa rồi vẫn nhớ.

Kỳ Sơn xôn xao phiên chợ Nậm Cắn, gà đen quay thơm bên bát rượu ngô.
Về Na Ngoi núi rừng xanh thẳm, đỉnh Pu Xai Lai Leng vờn mây trắng, bản cao cheo leo yên bình trong nắng.
Mình đưa nhau, em ơi về Pù Mát, đắm trong xanh tươi mây nước thiên nhiên.
Nhịp đôi chân rộn ràng nhảy sạp, ngọt men say rượu cần em hát.
Về Kim Liên đây Nam Đàn quê Bác, Làng Sen ru ta câu hát hò ơ.
Nghệ An ơi, trong từng hơi thở, đến nơi đây xa rồi là nhớ, một lần thôi sao yêu đến không ngờ”.

Doi thay cua mien Tay Nghe An song internet-hinh-anh-5
Ảnh bìa một trang facebook của người dân Quế Phong. Ảnh: HT

Khởi sắc của miền Tây Nghệ An nhờ sóng internet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO