Khởi sắc nông nghiệp Diễn Phong
(Baonghean) - Phát huy tiềm năng đất đai, đồng thời chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, xã Diễn Phong có nhiều khởi sắc, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân. Đó cũng là nền tảng để xã đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới.
Theo những con đường nhựa khang trang len lỏi qua các xóm làng trù phú miền Phủ Diễn, chúng tôi về với xã Diễn Phong. Trái ngược với vẻ ồn ào, náo nhiệt của con đường thiên lý Bắc – Nam cách đó chẳng bao xa, Diễn Phong khoác lên mình một vẻ thâm trầm, bình yên đến tĩnh lặng với những nếp nhà khép mình dưới những rặng dừa cao vun vút. Trước khi về Diễn Phong, tôi đã được nghe đồng chí Chu Thế Huyền – Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu giới thiệu khái lược về đất và người vùng này, đại thể, nông dân Diễn Phong rất năng động, chăm chỉ, cần cù, quanh năm chẳng bao giờ cho đất nghỉ, nên trên các cánh đồng màu xanh luôn phủ dài tít tắp. Khi nghe tôi nhắc lại lời giới thiệu của lãnh đạo huyện, ông Mai Quang Trung – Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Diễn Phong thoáng chút bối rối, rồi khiêm tốn nói: “Thế mạnh của Diễn Phong là đất nông nghiệp. Tất cả nhìn vào đó nên nông dân rất chăm chút đồng ruộng. Cũng phải nói thêm rằng, HTX nông nghiệp Diễn Phong là trụ cột trong sản xuất nông nghiệp. Hiện HTX có tổng số xã viên lên đến 2.170 người với tổng diện tích sản xuất 239 ha, tức là toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của xã, trong đó có 80 ha đất sản xuất lúa 2 vụ, còn lại là đất màu…”.
Ông Quế Văn Duyên (giữa) ở xã Diễn Phong giới thiệu về giống lạc mới |
Khi chúng tôi hỏi về hiệu quả sản xuất nông nghiệp, ông Trung khoát tay, “mời anh đi xem cánh đồng sản xuất của xã để mắt thấy, tai nghe cho thật sinh động”. Cách khu dân cư không xa, trên cánh đồng đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa ngay ngắn với các tuyến đường giao thông liên xóm được nhựa hóa và các tuyến đường nội đồng rộng rãi, đủ điều kiện cho xe vào tận chân ruộng thu mua ngô, lạc đang vào độ thu hoạch. Theo ông Trung, trước đây diện tích đất sản xuất bình quân của mỗi hộ xã viên là 650 m2 song lại chia thành 3 - 4 mảnh, nhưng sau khi dồn điền, đổi thửa hoàn thành vào năm 2013, diện tích bình quân giảm xuống còn 500 m2, số mảnh giảm còn 2 (1 lúa, 1 màu) nên sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều. Ngoài ra, HTX cũng quy hoạch cánh đồng thu nhập cao có diện tích 80 ha và triển khai kéo điện ra cánh đồng nhằm tạo điều kiện cho xã viên đầu tư khoan giếng nhằm chủ động nước tưới trong sản xuất đất màu.
Trên cánh đồng lạc, ông Quế Văn Duyên đang kiểm tra 1,5 sào lạc. Như để minh chứng cho hiệu quả canh tác, ông nhổ một bụi lạc và chỉ vào gốc trĩu củ phấn khởi nói: “Vụ lạc năm nay sử dụng giống mới nên nhiều củ lắm chú à. Hiện nay, lạc thịt trên thị trường đang được giá nên thu nhập chắc cũng khá”. Trao đổi thêm với ông Duyên được biết, chỉ vỏn vẹn 1,5 sào nhưng nhờ đưa vào cơ cấu cây trồng hợp lý, cùng với các giống cây trồng cho năng suất cao nên thu nhập ổn định. “Vụ xuân tôi trồng lạc, sau đó trồng dưa hấu, rồi đến lạc vụ đông. Riêng dưa hấu cũng lời xấp xỉ 10 triệu đồng. Còn lạc vụ đông dùng để bán giống cho vụ lạc xuân sắp tới”. Điều đặc biệt là nhiều năm nay gia đình ông Duyên và tất cả các hộ trồng lạc đã ứng dụng kỹ thuật trồng lạc phủ ni lông, góp phần làm tăng năng suất của loại cây trồng này. “Kỹ thuật phủ ni lông giúp cây lạc hấp thu phân bón được nhiều hơn vì chống phân bón bốc hơi hoặc bị rửa trôi, cỏ cũng không mọc được nên người nông dân đỡ tốn công. Năng suất lạc cũng cao hơn 20 - 30% so với không phủ ni lông”. Cũng trên cánh đồng của xã, tôi gặp bà Trần Thị Liên ở xóm 3, diện tích ngô của gia đình bà chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Bà cho biết: “Sản lượng ngô thu được dùng để chăn nuôi bò vỗ béo. Nhiều hộ trong xã cũng chọn hình thức trồng trọt, chăn nuôi như nhà tui…”.
Nói về vấn đề cơ cấu mùa vụ, ông Mai Quang Trung – Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Diễn Phong cho biết: “Nhưng năm gần đây, trên diện tích đất canh tác, xã viên thường áp dụng cơ cấu trồng lạc trong vụ xuân, sang vụ hè thu trồng dưa hấu, còn vụ đông trồng rau màu, nhất là cải bắp và trồng ngô. Tuy nhiên, với diện tích trồng màu, nông dân rất linh động trong cơ cấu mùa vụ. Còn diện tích đất sản xuất lúa, thì trong vụ xuân trồng lúa lai, vụ hè thu trồng lúa thuần. Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu canh tác, HTX rất chú trọng đưa các giống mới đã được chứng minh có năng suất cao cho xã viên sản xuất mùa vụ tăng hiệu quả. Theo tính toán, giá trị sản xuất đạt 100 triệu đồng/ha”.
Thời gian gần đây trên địa bàn xã, một số người dân mạnh dạn đầu tư chuồng trại quy mô lớn để chăn nuôi bò vỗ béo. Tiêu biểu nhất là anh Nguyễn Văn Vững, ở xóm 7, sau nhiều năm buôn bán và chăn nuôi bò vỗ béo theo quy mô nhỏ, anh Vững mạnh dạn thuê gần 2ha đất của xã đầu tư 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại có quy mô nuôi 40 – 50 con bò vỗ béo. Tay thoăn thoắt lấy rơm cho bò ăn, anh Vững cho biết: “Bò trong chuồng tôi nuôi nhiều lứa để ngày nào cũng có bò vỗ béo xuất bán. Bình quân mỗi ngày bán được 5 - 6 con, chủ yếu là thị trường Hà Nội”. Để đảm bảo thức ăn cho bò, anh mượn đất sản xuất trong xã để trồng ngô, mua thêm rơm ở huyện Yên Thành và trồng cỏ trên diện tích đất còn lại của trại.
Theo anh Vững, thức ăn vỗ béo cho bò cũng rất sẵn nên không khó khăn, đó là cỏ, cám và rơm. Tuy nhiên, để đảm bảo cho bò tăng trọng tốt, lúc mua về, tôi phải tiến hành xổ giun, tẩy ký sinh. Với cách chăm sóc bài bản, chuồng trại khô thoáng, sạch sẽ nên đàn bò của anh tăng trọng bình quân một yến thịt/tháng. Với mô hình làm ăn mới này, ngoài mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, chưa kể lao động thời vụ, anh còn tạo việc làm thường xuyên có 3 lao động địa phương với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Trao đổi về định hướng sản xuất trong thời gian tới, anh nông dân trẻ táo bạo, năng động chia sẻ: “Do diện tích đất hạn chế nên ngoài phát triển mô hình nuôi bò vỗ béo, tôi dự định sẽ nuôi gà chọi, đây là loại gà có giá trị kinh tế rất cao trên thị trường”. Ngoài mô hình của anh Vững, hiện nay trên địa bàn xã Diễn Phong còn có các mô hình nuôi lợn có quy mô, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với những cách làm sáng tạo, đặc biệt là người nông dân luôn chí thú với nghề, trăn trở với cách làm mới mang lại hiệu quả kinh tế cao nên thu nhập bình quân đầu người của xã Diễn Phong liên tục tăng trong các năm, đạt gần 22 triệu đồng trong năm 2014. Đây là nền tảng và cũng là đòn bẩy để xã từng bước xây dựng thành công nông thôn mới. Riêng trong năm 2014, nhân dân trong xã đóng góp gần 925 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, xã đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân địa phương. Dự kiến năm 2015, Diễn Phong hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí của Bộ NN&PTNT đề ra.
Bài, ảnh: Thành Duy