Khởi sắc ở vùng quê mới

01/08/2014 18:39

(Baonghean) - Cuộc sống người dân khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ huyện Thanh Chương hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân khu tái định cư đã và đang nỗ lực để dần ổn định cuộc sống…

Bà Lữ Thị Tớn, xã Ngọc Lâm dệt thổ cẩm.
Bà Lữ Thị Tớn, xã Ngọc Lâm dệt thổ cẩm.

Sau 9 năm kể từ ngày người dân vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, (Tương Dương) xuống tái định cư ở xã Ngọc Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, cuộc sống của họ đã có những thay đổi đáng kể. Theo lời ông Lương Quang Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lâm: Sự thay đổi diễn ra theo cả hai hướng. Cái được là “điện, đường, trường, trạm”, trình độ dân trí được nâng cao, con cháu được học hành đầy đủ, phương thức sản xuất ngày càng tiến bộ, người dân chăm lo phát triển kinh tế nên không còn “6 tháng làm, 6 tháng chơi” như trước đây.

“Cái được” nhìn thấy rất rõ. Trong năm 2013, tổng giá trị sản xuất của cả 2 xã đạt 83,6 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 9% so với năm 2009 (năm có quyết định thành lập 2 xã); 39% số hộ đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa (năm 2009 là 17,8%), 8/30 bản đạt danh hiệu Bản Văn hóa; 100% số trẻ trong độ tuổi đến trường, riêng xã Ngọc Lâm đạt phổ cập trung học cơ sở, năm học vừa qua có 9 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 235 em học sinh giỏi cấp huyện; 90% người dân biết chữ; 90% số hộ 2 xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn đã có phương tiện đi lại, nghe nhìn; 2 trạm y tế đều có bác sỹ công tác, 28/30 bản có y tá thôn; tỷ lệ sinh con thứ 3 thấp hơn mức bình quân chung của huyện. 6 tháng đầu năm 2014, cả 2 xã đã trồng được 162 ha lúa nước, 379 ha sắn, 8,3 ha ngô, 6,4 ha rau màu các loại, gần 600 ha keo lai, 114 ha chè công nghiệp… Tất cả số liệu thống kê nói trên đã chứng tỏ “cái được” ở đây là sự thích nghi, tiến bộ đang diễn ra hàng ngày.

Để có được kết quả trên, ông Lương Quang Cảnh cho rằng: Thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh, huyện đến xã đã tích cực vào cuộc, có nhiều biện pháp, giải pháp hỗ trợ để cải thiện đời sống người dân khu tái định cư, như: Hỗ trợ gạo cứu đói, cấp giống cây trồng, vật nuôi cùng phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn sản xuất, liên kết các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân, tổ chức đào tạo nghề, dựng nhà cho hộ khó khăn và nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích khác; có nhiều đề án bảo tồn văn hóa được thực hiện như thành lập câu lạc bộ dân ca dân vũ, khôi phục nghề dệt thổ cẩm, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân các dịp lễ Tết… Bên cạnh đó là nỗ lực ý thức tự vươn lên, xóa đói, giảm nghèo của bà con.

Tuy nhiên, quá trình tiếp cận phương thức sản xuất mới trên điều kiện thổ nhưỡng mới gặp nhiều khó khăn khiến nhiều gia đình kém thích nghi bỏ về nơi ở cũ sinh sống hoặc để làm ăn (riêng xã Ngọc Lâm có 150 hộ); tỷ lệ hộ nghèo ở khu tái định cư còn cao lên đến 82,1%...“Cái mất” ở nơi đây diễn ra vô hình và từ từ, ông Vi Trọng Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn tâm tình: Cuộc vật lộn sinh nhai tiêu tốn nhiều thời gian đã khiến người dân không có dịp để tổ chức các sinh hoạt văn hóa như cham rượu cần, khắc luống… Đất mới không trồng được lúa nếp thì lễ mừng lúa mới sẽ không còn. Trong bối cảnh hòa nhập, nhiều yếu tố văn hóa có nguy cơ bị đồng hóa và lãng quên như trang phục, lễ tục, ngôn ngữ.

9 năm trôi qua tuy chưa thể biến miền đất mới vùng núi Hoa Quân trở thành bản thổ nhưng ít nhiều bà con đã quen, gắn bó với khu tái định cư cũng như xác định tâm thế gắn bó, ăn đời ở kiếp nơi đây. Bà Lữ Thị Tớn (một người dân ở bản Noòng, xã Ngọc Lâm mà chúng tôi gặp) đã tâm tình như vậy. Bà và nhiều người dân ở khu tái định cư đã nhìn nhận: Trở về nơi ở cũ là đã tự nhận cuộc sống của thập niên 80 thế kỷ trước không điện, không trường, không trạm, không tiện nghi sinh hoạt. Nói về nơi ở cũ tiếng là dễ làm ăn hơn nhưng thực tế chịu cảnh kém hơn hẳn khu tái định cư từ cái ăn, cái mặc. Nhiều người sai lầm bán nhà cửa, ruộng vườn giờ muốn quay lại cũng không dễ bởi không có đủ tiền để mua. Đơn cử, trên Tương Dương có thể nuôi được nhiều trâu bò hơn nhưng giá bán chỉ bằng 1/2 dưới này. “Nơi ở mới, điều kiện an ninh tốt ít tệ nạn xã hội, đàn ông bớt hẳn rượu chè, con cháu được học hành đầy đủ”.

Để “Nơi tái định cư bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, “cái được” nhân lên và “cái mất” giảm thiểu, thời gian qua, tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Thanh Chương nói riêng đã không ngừng nắm bắt tình hình khó khăn của bà con, có những cơ chế, chính sách ưu tiên, tăng cường tuyên truyền nâng cao trình độ nhận thức cho người dân, quan tâm bồi dưỡng đào tạo cán bộ, thực hiện cầm tay chỉ việc giúp bà con phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Ông Lê Quang Đạt - Bí thư Huyện ủy Thanh Chương cho biết: Trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác của bà con, qua thử nghiệm và so sánh hiệu quả đem lại, tỉnh và huyện đã xác định đưa cây chè công nghiệp trở thành cây trồng chủ lực cho bà con, đồng thời phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tỉnh và huyện thực hiện hỗ trợ hoàn toàn giống chè, phân bón và tập huấn kỹ thuật cho người dân. Hiện tại huyện đã chỉ đạo người dân đào rãnh, ươm giống và từ tháng 9 sẽ tiến hành trồng. Năm 2014, huyện đặt mục tiêu phát triển 140 ha ở 2 xã khu tái định cư (tăng gấp đôi diện tích hiện có).

Để biến chuyển nhận thức, để bà con chấp nhận cây trồng mới là điều không dễ khi cây chè tuy đem lại hiệu quả hơn cây lúa nhưng thời gian trồng cho đến khi có thu hoạch là 3 năm. So với cây sắn và keo nguyên liệu thì công sức chăm sóc lớn hơn… Trước khó khăn này, cán bộ huyện và xã đã vào cuộc để tuyên truyền cho người dân hiểu hiệu quả của trồng chè; cầm tay chỉ việc, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ cho bà con.

Ông Vi Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ngọc Lâm, một trong số nhiều người đã đi đến từng bản, từng gia đình nói rõ cho bà con về hiệu quả của việc trồng chè. Bản thân ông Phong cũng là tấm gương “nói đi đôi với làm”, ngoài thời gian làm việc ở công sở, rảnh lúc nào ông lại lên đồi đào rãnh, cải tạo 5 sào đất đồi của gia đình để chuẩn bị vào vụ… Ông Vi Văn Phong tâm tình: Có già làng, trưởng bản nói rõ và làm gương, có cán bộ huyện xã tập huấn kỹ thuật, cây chè công nghiệp đã được bà con đặt niềm tin lớn; tạo nên một khí thế sản xuất mới rất hào hứng, sôi nổi.

Thăm gia đình ông Vi Văn Hòa, bản Tạ Xiêng, xã Ngọc Lâm, lúc ông Hòa và người em của mình đang chăm sóc, làm cỏ và tưới cho vườn ươm chè. Ông Hòa cho biết: “Hai anh em đi tập huấn về, được cán bộ tỉnh, huyện phân tích thiệt hơn thì về làm theo ngay. Hiện vườn ươm của hai anh em có 1 vạn cây, đến tháng 9 này là đem trồng. Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn nên bà con phấn khởi lắm…”. Cả hai xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn hiện đã có thêm 981 hộ đăng ký trồng mới chè và con số này đang không ngừng tăng thêm.

Tương tự như chuyện phát triển cây chè, Đảng ủy xã Ngọc Lâm cũng đã tiến hành phương pháp “nêu gương” để thực hiện mục tiêu phát triển đàn đại gia súc lên 2.500 con vào năm 2015. Đơn cử là gia đình ông Lương Công Thắng - Phó Chủ tịch HĐND xã Ngọc Lâm đã đi đầu phát triển đàn trâu, bò với 11 con. Ông Thắng cho biết: “Năm 2013, gia đình bán 3 con trâu, bò thu về 54 triệu đồng. Hiện tại, giá trị đàn trâu, bò của ông trị giá hàng trăm triệu đồng, riêng con trâu kéo có người trả đến 49 triệu đồng nhưng chưa bán… Nuôi trâu, bò hiện có vướng mắc là vốn đầu tư ban đầu lớn. Người dân khu tái định cư đã thấy rõ hiệu quả việc trồng cỏ nuôi trâu bò và mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn trong việc vay vốn sản xuất. Nói như vậy không đồng nghĩa với việc người dân còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại…”.

Thanh Sơn

Mới nhất
x
Khởi sắc ở vùng quê mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO