Khối Tây Hồ phát triển nghề mộc dân dụng

30/11/2011 16:48

(Baonghean) - Về thăm làng nghề mộc dân dụng khối Tây Hồ (Thị trấn Nam Đàn), từ ngoài ngõ tiếng đục, tiếng bào, tiếng cưa xẻ gỗ đã rộn lên. Thời điểm này, các hộ của làng nghề đang chạy đua với thời gian cho thị trường tết nguyên đán.

Nghề mộc dân dụng tại khối Tây Hồ (thị trấn Nam Đàn), có truyền thống từ lâu đời. Trước đây, nghề mộc dân dụng tại gia đình, quy mô nhỏ hẹp, cả khu vực chỉ có trên 2 hộ chuyên làm mộc, sản phẩm hầu như chỉ mang tính thời vụ và tận dụng thời gian. Dần dần, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại thị trấn thu hẹp nhường chỗ cho quá trình đô thị hóa. Người dân tự quyết định “nuôi” lại nghề mộc đã được gây dựng từ thời cha ông. Các hộ đã chủ động tìm kiếm nguyên liệu, tìm kiếm thị trường và tận dụng mọi điều kiện về nguồn vốn vay qua nhiều kênh để duy trì sản xuất. Cuối năm 2010, làng mộc dân dụng khối Tây Hồ đã được tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề, thu hút 16/30 hộ chuyên nghề, trong đó có 10 hộ có quy mô sản xuất lớn, sản phẩm của làng nghề chủ yếu là các mặt hàng thông dụng như bàn nghế, giường, cửa, tủ, khung hộp...



Một số sản phẩm tại làng nghề .



Công nhân học việc tại xưởng sản xuất của anh Phan Công Hợi

Gần 10 năm gắn bó với nghề, vợ chồng chị Tống Thị Hồng đã có thiết bị sản xuất hiện đại, chị cho biết: vợ chồng mình phải tìm mua nguyên liệu gỗ tại nhiều địa phương như Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, hầu như phải mua lẻ. Các loại gỗ được sử dụng chủ yếu là dổi, vàng tâm, de... Hiện tại cơ sở chị đã trang bị được 15 máy, như máy cưa xẻ, cưa lượn, máy bào, máy mài, thay thế làm thủ công.

Mô hình sản xuất gỗ dân dụng của anh Phan Công Hợi với hàng tỷ đồng vốn đầu tư máy móc hiện đại, xây nhà xưởng, nhà trưng bày sản phẩm, mua nguyên liệu. Anh Hợi cho biết: giá gỗ nguyên liệu thời điểm này đắt hơn mọi năm từ 4 - 5 triệu đồng/khối, gần tết phải 10 người mới làm kịp (mức lương 2 - 3 triệu đồng/tháng). Tháng bán bình quân được khoảng 5 - 6 bộ sản phẩm, dịp gần tết bán gần 10 bộ sản phẩm/ngày, bộ bàn ghế đắt nhất giá 15 triệu/bộ, rẻ khoảng 10 triệu/bộ, giường tủ khoảng 3 - 4 triệu/cái, mỗi tháng anh thu lãi trên 6 triệu đồng. Sản phẩm làng nghề Tây Hồ đa phần bán trên địa bàn huyện Nam Đàn, một số hộ vươn thị trường ra trong tỉnh.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - PCT UBND Thị trấn Nam Đàn: Năm 2010, Làng nghề được tiếp nhận 50 triệu từ quỹ của Trung tâm Khuyến công tỉnh, ngoài ra chưa hề có đồng vốn nào để hỗ trợ, đầu tư cho bà con sản xuất kinh doanh. Để khuyến khích cho làng nghề phát triển, Thị trấn đã đầu tư 54 triệu đồng, triển khai mở lớp học nghề mộc cho thanh niên tại khối. Hiện nay làng nghề đang gặp khó khăn, đó là vốn đầu tư để sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng và vấn đề ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn. Đặc biệt “nóng” nhất hiện nay vẫn là vấn đề khói bụi và tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến môi trường sản xuất và cuộc sống của người dân xung quanh.

UBND Thị trấn Nam Đàn đã có quy hoạch khu sản xuất tập trung cho làng nghề, tổng diện tích quy hoạch 1,82 ha, trong đó riêng nguồn vốn để gải quyết vấn đề mặt bằng gần 2 tỷ đồng. Bà con làng nghề mộc dân dụng đang mong được sự quan tâm của huyện và thị trấn Nam Đàn trong việc khâu nối thị trường đầu ra cho sản phẩm và quan tâm vấn đề môi trường để ổn định sản xuất.


Lương Mai

Mới nhất
x
Khối Tây Hồ phát triển nghề mộc dân dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO