Không để oan, sai trong các vụ án hình sự

18/03/2014 14:43

(Baonghean) - Kiểm sát bắt, tạm giữ, tạm giam không để xẩy ra oan, sai cũng như không để lọt tội phạm trong các vụ án hình sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Kiểm sát. Bởi vậy, việc nâng cao chất lượng công tác kiểm sát bắt, tạm giữ, tạm giam được đặc biệt chú trọng...

Năm 2013, ngành Kiểm sát ra quyết định hủy bỏ tạm giữ trả tự do cho 4 trường hợp vì không có căn cứ thì cả 4 quyết định đều do Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Chương thực hiện. Trong 4 quyết định, đáng nói nhất là quyết định trả tự do cho Lương Văn Đọi (SN 1976, trú tại xã Tam Đình, Tương Dương) - người bị bắt trong vụ án buôn người đi Trung Quốc do Lo Văn Bình (SN 1983, trú tại xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) và Lương Thị Ái (SN 1985, trú tại xã Tam Đình, Tương Dương) tổ chức.

Kể lại quyết định trả tự do cho Lương Văn Đọi, theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Ngọc Thuần và Kiểm sát viên Đặng Đình Loan (những cán bộ thực hiện việc kiểm sát bắt, tạm giữ Lương Văn Đọi), vào lúc 9 giờ ngày 7/9/2013, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm đã phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh bắt quả tang Lo Văn Bình, Lương Thị Ái, Lương Văn Đọi về hành vi mua bán, đưa Kha Thị Hoa (SN 1990), Vi Thị Min (SN 1989) cùng trú tại xã Ngọc Lâm ra nước ngoài trái phép. Đồn Biên phòng Ngọc Lâm đã ra quyết định tạm giữ Bình, Ái và Đọi, sau đó chuyển giao các đối tượng cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Chương. Với trách nhiệm kiểm sát bắt, tạm giữ, tạm giam, sau khi tiếp nhận thông tin và quyết định tạm giữ, ông Thuần, ông Loan được cử sang cơ quan điều tra thực hiện việc kiểm sát.

Nghiên cứu hồ sơ, ban đầu ông Loan và ông Thuần không thấy có dấu hiệu gì đặc biệt, bởi trong bản tự khai, Lương Văn Đọi khai nhận đã tham gia thực hiện hành vi mua bán người. Tuy nhiên, qua thực hiện việc kiểm sát thường xuyên, gặp gỡ chất vấn thì những lời khai của Đọi không khớp với thông tin của hồ sơ, thậm chí có những chi tiết cho thấy hồ sơ được lập không có đủ căn cứ, có dấu hiệu của việc tạm giữ oan. Từ những thông tin ban đầu, các kiểm sát viên đã thực hiện kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; tiến hành lấy lại lời khai của Lương Văn Đọi, đối tượng Lo Văn Bình, Lương Thị Ái và hai nạn nhân Kha Thị Hoa, Vi Thị Min. Lương Thị Ái đã khai nhận là người dụ dỗ đưa hai nạn nhân Hoa, Min từ xã Ngọc Lâm đi Quảng Ninh, còn Lo Văn Bình khai nhận là người tiếp tay cho Ái. Ái và Bình cùng xác nhận Đọi không liên quan đến việc đưa người đi Trung Quốc mà chỉ là đối tượng chúng vay tiền để có kinh phí cho chuyến buôn người. Trong khi đó, Kha Thị Hoa và Vi Thị Min đều khẳng định không quen biết Đọi, dù họ cùng đi trên một chuyến xe ra Quảng Ninh. Hai nạn nhân xác nhận Lương Thị Ái là người trực tiếp về Ngọc Lâm dụ dỗ đi Trung Quốc làm việc nhàn hạ được trả lương từ 25 - 30 triệu đồng/người/tháng.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ xác minh lại thông tin, cuối cùng các cán bộ kiểm sát đã chứng minh được Đọi không phạm tội buôn người. Để thực hiện việc đưa Hoa và Min từ xã Ngọc Lâm ra Quảng Ninh bán, Lương Thị Ái đã vay của Lương Văn Đọi 15 triệu đồng và hẹn xuống Thành phố Vinh sẽ trả. Tuy nhiên, khi Đọi xuống TP. Vinh thì Ái không có tiền nên đã nói để ra Quảng Ninh bán xong hàng thì mới có tiền. Vì lo mất món tiền vay nên Đọi đã cùng đi Quảng Ninh mà không hề biết việc Ái, Bình đang thực hiện đưa người đi Trung Quốc bán. Bởi hành vi buôn người bị bắt quả tang, lại đang đi cùng nhóm các đối tượng nên Đọi quá lo sợ mà khai nhận là có tham gia...

Ngay sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân Thanh Chương khẳng định các tài liệu để tạm giữ Lương Văn Đọi của Đồn Biên phòng Ngọc Lâm là chưa chính xác và đã ra quyết định hủy bỏ tạm giữ, trả tự do cho Đọi với sự đồng tình cao của cơ quan cảnh sát điều tra. Khi được trả tự do, Lương Văn Đọi đã bật khóc và không ngớt lời cảm ơn cán bộ kiểm sát và cơ quan điều tra...

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Chương, ông Lâm Ngọc Lý, việc nêu lại những sự việc như trên là hết sức tế nhị bởi "công mình nhưng lại là lỗi người". Tuy nhiên, việc bắt, tạm giữ, tạm giam trực tiếp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do thân thể. Nếu để xẩy ra sai sót trong công tác này thì hậu quả là khôn lường. Bởi vậy, phải thực hiện nghiêm công tác kiểm sát bắt, tạm giữ, tạm giam không để oan, sai người vô tội. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Chương đề ra các biện pháp và yêu cầu cán bộ, kiểm sát viên của mình thực hiện nghiêm, đó là: Làm tốt công tác kiểm sát thường xuyên, bất thường, nhà tạm giữ, tạm giam công an huyện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án hình sự công an huyện; tranh thủ ý kiến của phòng 4 - Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự); đặc biệt là trực tiếp xác minh người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam. "Chúng tôi yêu cầu kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ kiểm sát phải làm rõ lý do bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam. Phải hỏi để xác định chính xác họ bị bắt trong hoàn cảnh nào? Thời điểm nào? Bị ai bắt? Có ý kiến gì về việc bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam hay không? Có đề xuất gì không? Thông qua việc xác minh này sẽ giúp kiểm sát viên có căn cứ chính xác trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam của cơ quan chức năng" - ông Lâm Ngọc Lý trao đổi.

Trong năm 2013, ở huyện Thanh Chương, tỷ lệ giải quyết hình sự đối với đối tượng bị bắt tạm giữ trước khi hỏi ý kiến Viện Kiểm sát là 95% (84/88 vụ); sau khi có ý kiến của Viện Kiểm sát là 100% (84/84 vụ). Cũng trong năm 2013, theo đại diện Viện Kiểm sát nhân tỉnh, Viện Kiểm sát 2 cấp đã kiểm sát việc bắt, tạm giữ về hình sự 2.986 trường hợp; đã giải quyết 2.947 trường hợp; trong đó khởi tố bị can, chuyển tạm giam 2.829 trường hợp đạt tỷ lệ 97,25% (vượt 2,25% so với chỉ tiêu của ngành). Tổng số tạm giam là 2.867 bị can; đã giải quyết 2.095 bị can. Thông qua công tác kiểm sát đã huỷ bỏ hoặc từ chối phê chuẩn một số quyết định của cơ quan hữu quan về việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam. 100% các trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam đều có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, không có trường hợp nào oan sai; không có trường hợp nào bị tạm giam, sau đó phải đình chỉ điều tra do không phạm tội hoặc bị tạm giam sau đó Toà án xét xử tuyên không phạm tội.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, ông Tôn Thiện Phương (người đứng) trao đổi công tác nghiệp vụ với cán bộ của Viện.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, ông Tôn Thiện Phương (người đứng) trao đổi công tác nghiệp vụ với cán bộ của Viện.

Đồng tình với những cách làm của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Chương, ông Tôn Thiện Phương - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết, bắt, tạm giữ, tạm giam là các biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất, nhằm hạn chế một số quyền của công dân, quyền con người của người bị bắt. Mục đích là để đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, khi áp dụng cũng rất dễ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đã quy định tại Điều 20 của Hiến pháp: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm... ".

Viện Kiểm sát là cơ quan chịu trách nhiệm không để xẩy ra tình trạng oan, sai trong quá trình bắt, tạm giữ, tạm giam. Chính vì vậy, ngày 6/12/2013 Viện trưởng Viện KSND tối cao đã có Chỉ thị số 06 về "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra" nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm, kiên quyết không để xảy ra oan, sai.

"Ở tỉnh ta, công tác kiểm sát bắt, tạm giữ, tạm giam đang được Viện Kiểm sát 2 cấp thực hiện tốt, tuy nhiên, không thể vì vậy mà bằng lòng với những kết quả đã đạt được. Chúng tôi đang tiếp tục đề ra nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm Chỉ thị 06, Viện KSND tối cao, tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm sát bắt, tạm giữ, tạm giam..." - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, ông Tôn Thiện Phương nói.

Hà Giang

Mới nhất
x
Không để oan, sai trong các vụ án hình sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO