Không để quan hệ "chạm đáy"
(Baonghean) - Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua có cuộc gặp bất ngờ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngay tại Sân bay Vnukovo gần thủ đô Mát-xcơ-va trên đường từ Ca-dắc-xtan trở về. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Nga và Pháp đang trở nên căng thẳng khi Pháp tiếp tục từ chối bàn giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ucraina. Tại sao Tổng thống Pháp lại chủ động tiến hành cuộc gặp này? Cuộc gặp này liệu có xua tan đi những bóng đen u ám đang ngày càng phủ dày lên mối quan hệ song phương giữa hai nước?
Tổng thống Pháp Francois Hollande là nhà lãnh đạo cao cấp phương Tây đầu tiên đến Nga kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraina hồi đầu năm nay. Cuộc gặp được đánh giá là bất ngờ bởi lẽ chỉ được ấn định trước khoảng 24h đồng hồ giữa hai nguyên thủ quốc gia trong một chuyến thăm không chính thức. Song lại là dấu ấn quan trọng trong việc hạ bớt căng thẳng giữa Nga và Pháp nói riêng và giữa Nga và phương Tây nói chung.
TIN LIÊN QUAN |
---|
![]() |
Ông Hollande (trái) và ông Putin trong cuộc gặp tại Sân bay Vnukovo, Moscow. Ảnh: Reuters |
Cuộc khủng hoảng Ukraina đã khiến quan hệ Nga - phương Tây rơi xuống đáy kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra, Pháp và Nga đang là những đối tác thương mại quan trọng của nhau, đồng thời mối quan hệ song phương được đánh giá là nồng ấm. Mối quan hệ giữa Nga và Pháp tốt đẹp và tin cậy đến mức, Pháp đã ký hợp đồng trị giá gần 1,6 tỷ USD để bán 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral có tên Vladivostok và Sevastopol do nước này chế tạo cho Nga hồi tháng 6/2011. Đây là động thái được giới chuyên gia xem là “bước đột phá” bởi kể từ sau năm 1945, một cường quốc phương Tây cung cấp phương tiện chiến tranh hiện đại cho Nga. Song cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra đã khiến Pháp rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Nếu bàn giao tàu chiến cho Nga thì sẽ bị Mỹ và các nước phương Tây khác chỉ trích, thậm chí còn có khả năng xảy ra căng thẳng với đồng minh. Nếu không bàn giao tàu chiến cho Nga, Pháp có thể phải chịu khoản tiền phạt trước mắt lên tới 2,6 tỷ USD, thậm chí tất cả các khoản đền bù và chi phí khác, số tiền mà Pháp mất đi sẽ đội lên con số khổng lồ là khoảng 10 tỷ USD. Cho đến thời điểm này, Pháp vẫn chưa khẳng định sẽ không giao tàu chiến cho Nga, song thời hạn bàn giao 14/11 đã đi qua và Pháp vẫn dùng dằng chưa dứt khoát trong thương vụ này. Pháp vẫn đặt điều kiện với Nga về vấn đề Ukraina liên quan đến việc có hay không bàn giao 2 tàu chiến lớp Mistral khiến quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Về phần mình, Nga nhiều lần lên tiếng cảnh báo Pháp sẽ phải trả giá đắt nếu phá bỏ hợp đồng.
Cuộc gặp hôm qua giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Nga Vladimir Putin không đề cập đến thương vụ mua bán 2 tàu chiến lớp Mistral mà Pháp chế tạo, mà chủ yếu đề cập đến tình hình Ukraina. Song các nhà phân tích nhận định, cuộc gặp này có thể được xem là động thái làm giảm căng thẳng giữa hai nước. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có một quyết định khéo léo trong thời điểm hiện nay khi trở thành nhà lãnh đạo cao cấp nhất của phương Tây đầu tiên đến Nga kể khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraina, một mặt muốn tạo bầu không khí tích cực trong mối quan hệ song phương, mặt khác, muốn chứng tỏ với NATO và EU là Pháp có vai trò hết sức quan trọng trong việc tháo ngòi nổ quan hệ với Nga. Đồng thời, chuyến thăm bất ngờ này của ông Hollande cũng là để xua đi những luồng ý kiến đối lập trong nước đang chỉ trích chính phủ rằng nước Pháp đang chịu lép vế và nghe theo sự chỉ đạo của Mỹ và Đức. Do đó có thể nói, chuyến thăm bất ngờ tới Nga không cần có kế hoạch trước của Tổng thống Pháp Francois Hollande là động thái tích cực, góp phần làm giảm căng thẳng giữa hai nước Nga - Pháp. Chuyến thăm này còn có thể mở đường cho những bước đi tiếp theo để hạ nhiệt quan hệ Đông - Tây và thu hẹp bất đồng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina.
Nguyễn Cao Biền