Không gian nghệ thuật thứ bảy

19/05/2014 21:24

(Baonghean) - Vô tuyến truyền hình, mạng Internet và bao thứ dịch vụ giải trí khác khiến cho nhiều người ở Thành phố Vinh quên mất nơi mình ở có một cái rạp chiếu phim, thậm chí là rạp ấy đã được xây dựng lại đạt chuẩn để trình chiếu bất cứ bộ phim “bom tấn” nào của thế giới mà các nhà phát hành tên tuổi cung cấp…

Rạp 12/9 của Thành phố Vinh được chứng kiến tình yêu điện ảnh – bộ môn “Nghệ thuật thứ bảy” có tính đại chúng lần cuối cùng vào năm 2001 trong Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 13 tổ chức tại Nghệ An. Những bộ phim truyện “Đời Cát”, “Thung lũng hoang vắng”, “Bến không chồng”… được công chiếu và các đạo diễn, diễn viên, nhà biên kịch, quay phim ẵm giải lần ấy cũng được coi như “thế hệ vàng” cuối cùng của dòng phim nhựa Việt Nam vốn hướng đến công chúng với mục tiêu nghệ thuật nhiều hơn là tính giải trí.

Rạp chiếu phim 12/9 TP.Vinh. Ảnh: Trần Hải
Rạp chiếu phim 12/9 TP.Vinh. Ảnh: Trần Hải

Bây giờ, chỉ có người già cả nào đó giàu hoài niệm mới tiếc cái rạp chiếu phim cũ kỹ, dày mùi ẩm mốc của tường vôi, hồ dán và mùi mồ hôi người, khói thuốc lá đặc sánh… để xem những thước phim nhựa chạy lè sè, cuối mỗi cuộn là màn ảnh lại nháng lên loằng ngoằng để người ta tranh thủ vô tư cười nói, bình luận. Rồi cái rạp cũ ấy cứ phải gồng mình lên, cố gắng phập phồng những nhịp thở đuối dần cống hiến cho sự nghiệp truyền bá nền nghệ thuật thứ bảy của nước nhà.

… Đầu tiên là cái vô tuyến truyền hình, từ phát chương trình tần sóng ngắn của các nhà đài, đến cáp, rồi đầu kỹ thuật số… và đến bùng nổ mạng Internet với những thiết bị thu phát vô cùng tiên tiến cập nhật ngay được đủ các thể loại phim từ mì ăn liền trong nước đến phim “bom tấn” thế giới; thì các rạp cũ kỹ với thiết kế, kết cấu và công nghệ trình chiếu lạc hậu như Rạp 12/9 cũ gần như “đột quỵ” hẳn.

Tôi có anh bạn rất mê các tác phẩm điện ảnh từ kinh điển đến loại “hot” bây giờ, sưu tầm đến hàng mấy trăm đĩa nén để tự xem đi xem lại dường như không chán. Có ông anh vốn cựu binh đánh Mỹ vừa nghỉ hưu, thì bật ti-vi lên thấy chiếu “Ván bài lật ngửa”, “Hoa xương rồng trên cát”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”… thì dù là phim đen trắng “cóp” lại phát qua sóng ti-vi lúc trong lúc “muỗi”, tiếng được tiếng mất, vẫn vồ lấy xem ngấu nghiến, đuổi vợ con đi hóng mát nghỉ khỏe! Còn bà xã, miễn là phim Hàn, nước mắt nhập nhòe xem quên cả đang cầm đũa bát…

Tôi không phải là tín đồ của nghệ thuật thứ bảy. Nhưng, theo tôi để thưởng thức một tác phẩm điện ảnh, thì dù phim nhựa hay phim số công nghệ cao bây giờ, thì cũng phải đến rạp mới có thể thỏa mãn các tiêu chí. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thì “Khi mới được phát minh, điện ảnh chỉ được coi là các bộ phim ghi lại cảnh sinh hoạt đời thường, nhưng chỉ ít lâu sau, các bộ phim đã được tạo ra với những ý đồ văn hóa nhất định và nhanh chóng trở thành một loại hình nghệ thuật quan trọng. Điện ảnh cũng trở thành một hình thức giải trí không thể thiếu trong đời sống thường nhật, đôi khi còn phát triển thành những hiện tượng văn hóa hoặc được sử dụng như các phương tiện tuyên truyền”.

Thế nên, xem phim là thưởng thức nghệ thuật một cách có văn hóa; nghĩa là một văn hóa “xem” (phân biệt với văn hóa “nghe”, “đọc”…). Theo cán bộ Rạp 12/9 Vinh – anh Nguyễn Đình Hưng, thì rạp mới được xây dựng với mục đích trở thành một trung tâm văn hóa giải trí của thành phố, với công nghệ trình chiếu kỹ thuật số tiên tiến (2D, 3D), sánh ngang các rạp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. 3 phòng chiếu có thể hoạt động cùng một lúc, trình chiếu các bộ phim mới, “hot” mà công chúng đang quan tâm nhờ tiếp cận qua bản trailer từ nhiều kênh thông tin quảng bá.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2013, Rạp 12/9 mới đã lập vài kỷ lục như 10.000 lượt khách cho phim “Tèo em” của hãng phim Chánh Phương sản xuất công chiếu trong 4 tuần, hay phim bom tấn Thor 2 (Thần sấm 2) của điện ảnh Âu – Mỹ hút 4.000 lượt khách trong 2 tuần… Hoạt động của rạp đã nhận được phản hồi, tương tác tích cực của công chúng nhất là giới trẻ qua văn hóa xem phim ở rạp (hình thành văn hóa tôn trọng những người bên cạnh, không sử dụng điện thoại khi xem phim, không nói to và nhấm nhá quà vặt…); những cập nhật, phản hồi thường xuyên của các tín đồ điện ảnh khá đông đảo qua trang web và facebook của rạp. Rạp 12/9 cũng đã thu hút đa dạng khách từ các huyện lân cận như Hưng Nguyên, Nghi Xuân – Hà Tĩnh và cả khách nước ngoài lưu trú ở Vinh.

Đương nhiên là bộ phận phát hành và truyền thông của Rạp 12/9 đã có những khảo sát, nhận định nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật thứ bảy của khán giả. Điều mừng, là ngoài văn hóa xem phim rạp được định hình, thì khán giả ở Rạp 12/9 bây giờ đã rất quan tâm đến chất lượng nghệ thuật của tác phẩm điện ảnh bao gồm cả nội dung, hiệu ứng hình ảnh, âm thanh. Chính họ vừa làm thanh thoát lên mục tiêu xây dựng một trung tâm giải trí điện ảnh có cả cà phê giải khát, ăn nhẹ…, vừa giúp rạp khẳng định vai trò không gian nghệ thuật thứ bảy đậm chất sinh hoạt văn hóa lành mạnh đối với giới trẻ nói riêng, vốn vô cùng cần thiết nhưng còn rất hiếm ở đô thị loại 1 như Thành phố Vinh hiện nay.

Anh Vũ

Mới nhất
x
Không gian nghệ thuật thứ bảy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO