Không nên chạy theo thành tích

08/12/2011 15:18

(Baonghean) - Bắt đầu từ những năm 1960-1961, phong trào đúc rút SKKN của cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục ở tỉnh ta...

(Baonghean) - Bắt đầu từ những năm 1960-1961, phong trào đúc rút SKKN của cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục ở tỉnh ta được phát động và duy trì liên tục cho đến nay. Đặc biệt trong những năm gần đây, phong trào được phát động rộng rãi trong các trường học với khẩu hiệu “mỗi thầy cô giáo một SKKN”. Từ đó, tạo nên phong trào viết SKKN trong các nhà trường, thúc đẩy giáo viên tìm tòi, sáng tạo, trăn trở trong quá trình dạy học. Nhiều SKKN được tổng kết qua một quá trình dài dạy học, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề của đội ngũ giáo viên.

Phong trào đúc rút SKKN không những giúp giáo viên rèn luyện tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường, mà còn thôi thúc họ thêm đam mê với khoa học, sáng tạo trong hoạt động giáo dục, chăm lo tích lũy kinh nghiệm hay… Điều đáng trân trọng là phong trào đã phát triển đều khắp ở tất cả các vùng, miền. Riêng năm học 2010-2011, trong số 328 SKKN được công nhận ở cấp tỉnh, thì có 41 SKKN của các trường vùng cao, 53 SKKN của các trường miền núi. Nếu như trước đây, các SKKN chủ yếu chỉ xoay quanh các bài dạy, các hoạt động giáo dục, thì hiện nay, nhiều giáo viên đã mạnh dạn thể nghiệm, đúc rút kinh nghiệm những vấn đề còn mới như: quản lý chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý nhà trường, thực hiện chương trình phân ban ở THPT, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” …

Là giáo viên dạy môn Mỹ thuật ở Trường tiểu học Văn Sơn (Đô Lương), cô giáo Hoàng Thị Mai luôn trăn trở tìm cách để học sinh nông thôn có niềm đam mê với hội họa. Ngoài đổi mới phương pháp giảng dạy, tận tâm với học sinh và tạo môi trường để các em thể hiện tài năng của mình, 12 năm gắn bó với nghề, cô Mai đã đúc rút được “Kinh nghiệm phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu môn Mỹ thuật cấp tiểu học đạt giải cao trong các cuộc thi vẽ tranh”. Sáng kiến của cô Mai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng danh hiệu “Tài năng sáng tạo nữ”. Còn đối với cô giáo Trương Thị Ngọc Thủy (Trường mầm non SOS, TP.Vinh) có SKKN bậc 3 (cấp thành phố). Trong đó, nhiều sáng kiến được đánh giá cao, có khả năng ứng dụng rộng rãi như: “Một số biện pháp giáo dục lòng nhân ái cho trẻ thông qua các tác phẩm văn học”, “Một số sáng kiến giúp trẻ làm quen với Toán học”; “Một số biện pháp chăm sóc sức khỏe cho trẻ ở trường mầm non”...

Bên cạnh những giáo viên đầu tư không ít công sức, trí tuệ, trăn trở để cho ra đời những SKKN hay, có khả năng ứng dụng rộng rãi, thì cũng còn không ít giáo viên chỉ chạy theo thành tích, viết SKKH để có cớ xét danh hiệu thi đua cuối năm. Nhiều giáo viên không chịu suy nghĩ, tìm tòi, tệ hại hơn, có người sao chép của đồng nghiệp, cóp nhặt SKKN đã được công bố. Thậm chí có người còn bê nguyên nội dung SKKN của người khác, chỉ làm động tác thay tên, đổi họ. Có giáo viên tải SKKN trên mạng về, in ra nạp cho trường và điềm nhiên coi đó là công sức, trí tuệ của mình.

Những bất cập nêu trên không phải Sở Giáo dục và Đào tạo không biết. Liên tục trong hai lần tổng kết phong trào viết SKKN (năm học 2009-2010 và năm học 2010-2011) của ngành, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở đã khẳng định: “Một số SKKN còn có biểu hiện sao chép, cóp nhặt, thiếu trung thực trong hoạt động khoa học… Nhiều SKKN chỉ là sự tập hợp kết quả từ các tài liệu khác nhau, thiếu tính thực tiễn và chưa thể hiện được sự sáng tạo của tác giả. Khả năng áp dụng vào thực tế của một số SKKN còn hạn chế, nặng về lý luận chung, chưa đề ra được các giải pháp thực hiện cụ thể…”

Thiết nghĩ, ngành Giáo dục nói chung và các trường học nói riêng cần có cơ chế khuyến khích giáo viên đầu tư viết SKKN (kinh phí, thời gian, khen thưởng xứng đáng...); tổ chức tập huấn cho giáo viên cách viết một SKKN đúng chuẩn. Đặc biệt, mỗi trường căn cứ vào thực tiễn dạy học mà chọn các đề tài cụ thể giao cho giáo viên có trách nhiệm thực hiện. Phân công trong ban giám hiệu theo dõi giúp đỡ, đôn đốc, nhắc nhở, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên có thể thực hiện tốt SKKN của mình... Bên cạnh đó, công tác chấm chọn, khen thưởng SKKN phải xác đáng, đồng thời đối với những giáo viên sao chép, “ăn cắp” sáng kiến của người khác, ngành cần nghiêm túc kiểm điểm, phê bình, thậm chí hạ loại thi đua.


Thanh Phúc

Mới nhất
x
Không nên chạy theo thành tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO