Không nên dùng mật ong đánh tưa lưỡi cho trẻ
Mật ong có nhiều độc tố botulium, tác động lên dây thần kinh cơ, gây liệt, thậm chí tử vong. Trẻ dưới 1 tuổi (đặc biệt dưới 6 tháng) có nguy cơ ngộ độc cao với độc tố này, do vậy không được cho bé dùng mật ong cũng như đánh tưa bằng mật ong.
Bé Su Su (2 tháng tuổi, quận 3, TP HCM) hay quấy khóc, không chịu bú. Chị Mai, mẹ bé phát hiện trên lưỡi con mình xuất hiện những đốm trắng, dân gian thường gọi là bệnh tưa lưỡi. Nghe nhiều người mách lấy mật ong tẩm vào khăn rồi đánh lưỡi cho con thì sẽ hết nên chị làm theo. Thấy hiệu quả nên chị coi đây là kinh nghiệm nằm lòng.
Mới đây, khi bé bị tưa, chị Mai lại tiếp tục chữa cho con bằng mật ong như lần trước, nhưng thấy cháu lên cơn co giật. Chị Mai vội vàng cho con nhập viện. Các bác sĩ cho biết bé Su Su bị ngộ độc mật ong nhưng may không gặp nguy hiểm.
Nhiều bà mẹ trẻ nghe theo kinh nghiệm truyền miệng dùng mật ong trị tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh. Song các bác sĩ khuyến cáo cách chữa trị dân gian này có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Ảnh: Health. |
Không được may mắn như bé Su Su, bé Nguyễn Văn Nam (ở Ứng Hòa, Hà Nội) đã phải nhập viện trong tình trạng bị ngộ độc nặng, liệt cơ cũng do mẹ bé thường xuyên đánh tưa lưỡi bằng mật ong.
Đánh tưa lưỡi bằng mật ong là kinh nghiệm dân gian truyền đời, được nhiều người cho là có hiệu quả nhưng khoa học hiện đại chứng minh phương pháp này nguy hiểm với trẻ nhỏ.
Bác sĩ Hà Thị Loan, Khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết trong mật ong có nhiều độc tố botulium, tác động lên dây thần kinh cơ, gây liệt. Nếu ngộ độc nặng có thể tử vong. Trẻ dưới một tuổi (đặc biệt dưới 6 tháng) có nguy cơ ngộ độc cao với độc tố này, do vậy không được cho bé dùng mật ong cũng như đánh tưa bằng mật ong.
Cách phòng ngừa tưa lưỡi
Tưa lưỡi theo y khoa là nấm lưỡi, do loại nấm có tên khoa học là candida albicans gây ra. Những trẻ sinh thiếu tháng hoặc do môi trường âm đạo của người mẹ trong quá trình mang thai bị viêm nhiễm có nguy cơ mắc tưa cao hơn. Ngoài ra, vệ sinh núm vú giả, dụng cụ pha sữa không kỹ có thể tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Để phòng bệnh nấm lưỡi ở trẻ, các mẹ nên cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, khi cho trẻ bú sữa xong, phải rửa bình thật sạch. Tráng lại bình sữa bằng nước sôi trước khi pha sữa cho trẻ để khử trùng.
Cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý để vệ sinh khoang miệng. Không cho trẻ ăn bánh kẹo, đồ ăn vặt, nước ngọt vào buổi tối để tránh tạo điều kiện cho nấm lưỡi phát triển.
Ngoài ra, các bà mẹ đang trong giai đoạn cho con bú nên giữ vệ sinh cá nhân tốt, vệ sinh vú mẹ mỗi ngày.
Làm sạch tưa lưỡi đúng cách
Khi trẻ bị tưa lưỡi, các mẹ không nên cậy những chấm trắng trên lưỡi trẻ vì sẽ gây chảy máu, dẫn đến nhiễm trùng. Nên dùng gạc thấm nước muối sinh lý xoa lên lưỡi bé.
Do bệnh dễ tái phát nên sau khi hết triệu chứng vẫn phải tiếp tục đánh tưa lưỡi cho trẻ với nước muối sinh lý loại 0,9% hai ngày/lần. Sau khi đánh tưa cho trẻ xong không nên cho trẻ bú ngay, mà nên chờ ít nhất 20 phút mới cho bú hoặc cho trẻ ăn.
Nếu trẻ bị tưa nặng nên đưa đến khám để được tư vấn cách dùng thuốc đặc trị nấm.
Theo Webphunu