Không nên thực hiện một cách cơ học!

29/06/2012 11:04

(Baonghean) - Đầu tư công là nhiệm vụ của Nhà nước. Vì chỉ có Nhà nước mới được phép dùng tiền thuế của dân, tiền bán tài nguyên để đầu tư công, cũng chỉ có Nhà nước mới có thể vay vốn ODA, hay các khoản vay dài hạn với tiền lãi rất thấp...

Thời nào, xã hội nào cũng phải đối diện với bức tranh tương phản giàu- nghèo. Đó là quy luật, là sự điều tiết tự nhiên, vô hình bằng những quy luật khách quan vốn có của cơ chế thị trường là những khuyết tật của cơ chế thị trường, nên nhiệm vụ của Nhà nước, nhất là Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải dùng bàn tay hữu hình của mình để đem lại công bằng xã hội thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó đầu tư công là một công cụ quan trọng.

Đầu tư công là hoạt động rất cần, rất chính đáng, thậm chí được xem như nhiệm vụ hiển nhiên của Chính phủ.

Vậy tại sao lại có nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư công quá tốn tiền, không sinh lợi nhuận, đầu tư càng nhiều thì lạm phát càng lớn, giá cả sẽ tiếp tục tăng cao... rồi thì cần cấp bách cắt giảm đầu tư công để hạn chế lạm phát. Đầu tư công không thể, không bao giờ là thủ phạm của lạm phát, của bão giá. Mà ngược lại, còn có vai trò quan trọng nhằm ổn định kinh tế theo hướng bền vững. Nếu như đầu tư công có dính dáng đến lạm phát thì là do quy hoạch sai, quá trình triển khai thực hiện có những lỗ hổng, sử dụng sai mục đích, hoặc thậm chí quản lý sai. Bản chất của đầu tư công không phải là lãng phí mà chỉ là do quá trình quy hoạch, thực hiện và quản lý đã gây ra thất thoát lãng phí. Đổ hết lỗi cho đầu tư công là không công bằng, không khách quan và suy cho cùng là làm cho mục tiêu kinh tế - xã hội bị phá hỏng.



Do thắt chặt nguồn vốn đầu tư, Dự án Trung tâm TM và Đô thị tại Ngã tư chợ Vinh tiến độ bị ngưng trệ.
Ảnh: Hoàng Vĩnh

Thực tế, quy hoạch sai các dự án công không phải là chuyện xảy ra ở Việt Nam. Phân bổ sai thì tiền cũng sẽ đi sai đường, nhẽ ra vào trường học, bệnh viện thì lại vào khu du lịch nghỉ mát, khu chung cư cao cấp, các dự án không sử dụng được... nhiều dự án đầu tư xong giao cho địa phương quản lý không theo dõi, bị sử dụng sai mục đích, rốt cuộc trách nhiệm thuộc “ông” đầu tư công. Khi ngân sách Nhà nước bị thất thoát phí phạm, thì tiền không còn là đầu tư nữa mà trở thành chi phí, đúng ra là lãng phí, vô hình trung đầu tư công trở thành gánh nặng kinh tế của Nhà nước, thành yếu tố gây ra thất thoát, lạm phát, những mục đích đúng đắn, những trọng trách của đầu tư công không được đảm bảo.

Trong những thập niên qua, đầu tư công tại Việt Nam nói chung, tại Nghệ An nói riêng đã có những tác dụng quan trọng, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng và một số công trình phúc lợi công cộng. Tuy nhiên, theo đánh giá, nhiều hạng mục công trình đầu tư công còn lãng phí chưa phát huy được hiệu quả, chi phí đầu tư cao, công tác quy hoạch, thẩm định, bố trí nguồn vốn, kiểm tra chất lượng công trình chưa được kiểm soát chặt chẽ, bộc lộ những vấn đề cần chấn chỉnh kịp thời.

Một là: Vẫn còn tồn tại cơ chế xin cho khép kín trong việc thực hiện các dự án đầu tư công, việc đầu tư còn mang nặng tính cục bộ của địa phương, nể nang, các địa phương đua nhau “chạy” dự án, không căn cứ vào tình hình thực tiễn điều kiện, lợi thế của địa phương, tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, sân bay, cảng, sân gôn, khu thương mại, khu đô thị cao cấp… Kết quả là dự án đầu tư tràn lan, thiếu vốn nghiêm trọng. Một số địa phương năng động sáng tạo, tìm tòi các mô hình kinh tế, các dự án phù hợp với lợi thế so sánh của địa phương đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, được dư luận đồng tình, các địa phương khác cũng bắt chước làm theo máy móc, thiếu khoa học. Trong những năm gần đây, việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng không đáng kể, đầu tư cho giáo dục đào tạo không tăng về số tương đối, vì vậy thời gian tới, cần tập trung đầu tư dứt điểm cho một số hạng mục công trình, mà theo chúng tôi trọng điểm là cắt giảm đầu tư một số cơ sở hạ tầng, như đường sá, khu công nghiệp, cảng… ở các tỉnh, để tập trung nguồn vốn dồn sức hoàn thành Quốc lộ 1A và sau đó là đường sắt cao cấp.

Hai là: Thủ tục giấy tờ khi lập dự án, nguồn vốn, thủ tục đấu thầu như “ma trận”, có những văn bản tới hơn 10 chữ ký và con dấu, nhưng lại rất sơ hở hoặc khó thực hiện, khi kế hoạch bị phá sản thì không ai chịu trách nhiệm, chữ ký càng nhiều thì trách nhiệm càng thấp vì được chia đều cho mọi người.
Ba là: Đối với doanh nghiệp Nhà nước, chỉ nên tồn tại doanh nghiệp phi lợi nhuận, Nhà nước làm kinh tế không có nghĩa là phải có doanh nghiệp của Nhà nước, mà chỉ cần tạo hành lang pháp lý, các chính sách kinh tế vĩ mô để doanh nghiệp hoạt động.

Thực tế trong thời gian qua, càng đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước vì mục đích lợi nhuận thì doanh nghiệp Nhà nước càng yếu đi. Trong khi chưa cổ phần hóa hết các doanh nghiệp Nhà nước làm nhiệm vụ kinh doanh, việc đầu tư vốn cho doanh nghiệp này là đầu tư công, nhưng có tính đặc thù và vì mục đích lợi nhuận. Vì vậy, theo chúng tôi, cần phải có chế độ thu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, bảo toàn vốn và định mức lợi nhuận đối với các doanh nghiệp này. Chỉ số bảo toàn vốn phải cao hơn chỉ số lạm phát và phải được đánh giá bằng hiện vật, tài sản của doanh nghiệp cuối mỗi năm.

Trong doanh nghiệp Nhà nước đang tồn tại một cơ chế hết sức vô lý, đó là có hai ông chủ, ông chủ sở hữu vốn Nhà nước nhưng lại không rõ ràng, có nhiều ông chủ nhỏ tạo thành ông chủ Nhà nước. Bên cạnh đó, ông chủ sử dụng vốn là một cá nhân giám đốc cụ thể , ở đây có sự tách rời rõ rệt giữa quyền sở hữu vốn và quyền sử dựng vốn. Ông chủ sử dụng vốn lại không bị kiểm soát chặt chẽ, và chỉ tồn tại thời gian trong khi được giao quyền giám đốc, do đó, hiện tượng mua đắt, bán rẻ, tham nhũng, mua chiếc tàu đã sử dụng 30 năm của Công ty Vinashin xảy ra là điều không khó hiểu.

Việc thu sử dụng vốn, bảo toàn vốn, lợi nhuận định mức trong doanh nghiệp Nhà nước là cơ chế quản lý đạt mục đích trên, mặt khác, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp khác, như về chi phí vốn, bảo toàn vốn và lợi nhuận phải đạt được, có như vậy mới loại bỏ được tình trạng tranh nhau chạy làm giám đốc doanh nghiệp Nhà nước, mới chọn được những người thực tài làm giám đốc các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước, người lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước mới đúng nghĩa vinh danh là những doanh nhân.

Bốn là: Về đầu tư công trong thời gian qua. Trong những năm qua, Chính phủ liên tục điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô theo hai xu hướng, khi giá cả tăng cao thì thắt chặt tiền tệ, tài khóa và đầu tư; khi sản xuất có hiện tượng đình đốn thì thực hiện các gói kích cầu, việc thực hiện các chính sách vĩ mô này quá nhanh, lúc quá nới lỏng, lúc quá thắt chặt, liên tục gây cú sốc cho nền kinh tế. Vì vậy, trong chiến lược kinh tế vĩ mô, Chính phủ phải dự báo dài hạn để điều chỉnh phù hợp theo từng bước đi. Muốn vậy, Chính phủ phải sử dụng những nhà hoạch định chính sách trị kỷ và tài ba.

Năm là: Sau hơn 1 năm thực hiện Nghi quyết 11/NQ-CP, đã cơ bản thực hiện được vai trò chống lạm phát, tuy nhiên, nó cũng để lại những hậu quả khá nghiêm trọng cho nền kinh tế, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp tăng lên, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Thời điểm này chúng ta cần nới dần về Nghị quyết 11/NQ-CP, nhưng phải quản lý chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và đầu tư công việc "quản lý chặt chẽ”, sẽ giải quyết hài hòa giữa “thắt chặt và "nới lỏng”, vì nếu thắt chặt thì nền kinh tế không thể phát triển được, nếu nới lỏng nền kinh tế sẽ rối loạn.

Sáu là: Chính phủ cần phải có những gói kích cầu như giai đoạn 2009 - 2010, tiếp tục thực hiện dự án đầu tư công, nhất là cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, nông nghiệp, nông thôn và một số công trình khác nếu thấy cần thiết nhưng phải thận trọng và cân nhắc để có hiệu quả cao.

Trong điều kiện của nước ta hiện nay, việc cắt giảm chi tiêu công là một giải pháp phù hợp, nhưng cũng không nên chú trọng vào cắt giảm một cách cơ học. Quan trọng là nguồn lực phải được phân bổ vào nơi đạt hiệu quả cao nhất và có tác động lan tỏa nhiều nhất đối với kinh tế - xã hội. Và phải xác định các thứ tự ưu tiên, cần phân loại các dự án đầu tư công sẽ cắt giảm. Hơn nữa, khi miếng bánh ngân sách chỉ có hạn thì cần tính toán sử dụng cho ra tấm ra món, để đồng vốn Nhà nước được sử dụng hiệu quả và hợp lý nhất”.


Dương Xuân Thao

Mới nhất
x
Không nên thực hiện một cách cơ học!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO