Không nên “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

26/05/2012 20:31

Chồng chéo, bất cập

Để nâng cao chất lượng công tác giám định pháp y (GĐPY), Bộ Y tế đề nghị nên giao hẳn lực lượng GĐPY công lập cấp tỉnh, TP của công an và y tế cho ngành này quản lý. Tuy nhiên, Bộ Công an lại có quan điểm ngược lại. Cơ quan này khẳng định, với khoảng 12.000 xác chết do tai nạn và 70.000 vụ án hằng năm, đội ngũ GĐPY của ngành y vừa thiếu vừa yếu, lại không có chuyên môn về điều tra tội phạm nên không thể đảm đương hết. Thế nhưng, thực tế không hẳn vậy.


Trung tâm Giám định gen Phân viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an) tại TP Đà Nẵng.


Chồng chéo, bất cập

Kết quả khảo sát về tổ chức và hoạt động trong lĩnh vực GĐPY cho thấy, trong 41 tỉnh có pháp y y tế và pháp y công an thì 24 tỉnh không có sự phối hợp với nhau trong giám định, thậm chí còn gây khó khăn cho nhau, tranh giành nhau về vụ việc giám định theo hướng "dễ làm, khó bỏ". Trước thực trạng này, Bộ Tư pháp đã có công văn gửi Bộ Y tế và Bộ Công an yêu cầu hợp tác giải quyết nhưng tình hình chưa được cải thiện là bao.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, việc tồn tại song song hai tổ chức GĐPY (thuộc Bộ Công an và Bộ Y tế) với mục đích, chức năng, nhiệm vụ như nhau là không cần thiết, chưa kể kinh phí Nhà nước cùng lúc phải trang bị hai hệ thống thiết bị giám định rất tốn kém, lãng phí. Để quản lý đồng bộ, tránh tình trạng mất đoàn kết, nên sáp nhập cơ quan GĐPY thuộc ngành y tế và GĐPY thuộc ngành công an (cấp tỉnh) thành một hệ thống tổ chức pháp y trực thuộc sở y tế và Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP Hồ Chí Minh Phan Văn Hiếu ủng hộ quan điểm này và khẳng định, GĐPY của ngành y tế không hề ngại khó, hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt yêu cầu công việc. Ông dẫn chứng: Năm qua, Trung tâm Pháp y TP Hồ Chí Minh thực hiện 1.682 ca giải phẫu tử thi (chiếm tỉ lệ 2/3), phía pháp y của Công an TP chỉ làm 875 ca (1/3). Trung tâm Pháp y TP còn giám định cho cả những tỉnh, thành lân cận và làm rất nhanh, đã áp dụng những kỹ thuật mới cho kết quả ngay trong ngày. Do đó, Bộ Công an nên tập trung vào kỹ thuật hình sự, không nên dàn trải "ôm" vào mảng pháp y.

Cảnh báo nguy hiểm

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, lại cảnh báo nguy hiểm khi "xóa" lực lượng GĐPY thuộc ngành công an. Bởi với khoảng 12.000 xác chết do tai nạn và 70.000 vụ án hằng năm, đội ngũ GĐPY của ngành y vừa thiếu vừa yếu, lại không có chuyên môn về điều tra tội phạm sẽ khó thực hiện. Việc này sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý tội phạm. Mặt khác, khác với đặc thù ngành y tế, giám định viên pháp y là sĩ quan công an, phải sẵn sàng làm nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh khó khăn 24/24h, thậm chí gia đình nạn nhân chống đối, cản trở. Không ít vụ giết người, hiếp dâm, tai nạn giao thông không thể để tử thi ở hiện trường kéo dài mà lúc muốn thì tìm giám định viên ngành y tế rất khó, lại đều cần phải có cả các lực lượng chuyên môn khác của kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) hỗ trợ để giám định dấu vết vân tay, giám định súng đạn, dấu vết công cụ.

Ngoài yếu tố con người, GĐPY thuộc công an đã có lịch sử phát triển hơn 50 năm với phương tiện kỹ thuật hiện đại, không hề lạc hậu so với quốc tế. Điển hình là hiện tại, pháp y công an có trang thiết bị về giám định gen ngang hàng thế giới và đang triển khai đề án xây dựng tàng thư gen tội phạm với kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Do đó, hầu hết các địa phương khi cần luôn tín nhiệm trưng cầu pháp y công an. Các kết luận, đánh giá của lực lượng này luôn được cơ quan tiến hành tố tụng tín nhiệm, coi là chứng cứ pháp lý để xử lý tội phạm theo pháp luật.

Chọn mô hình nào?

Từ những ý kiến khác nhau như vậy, nên tại kỳ họp QH đang diễn ra, Bộ Tư pháp sẽ trình QH cả hai phương án. Trong đó, mô hình đang được tính đến là pháp y trong ngành công an cần thu hút về các trung tâm pháp y trong ngành y tế (1). Trong trường hợp vẫn cần thiết duy trì pháp y trong ngành công an thì cần phân định phạm vi hoạt động để tránh sự chồng chéo, lấn sân nhau (2). Nhưng xét cho cùng, phương án 1 là hợp lý hơn cả. Dư luận không đồng tình việc một vụ án công an vừa khởi tố, vừa điều tra, vừa khám nghiệm hiện trường, vừa GĐPY. Nhất là với những vụ việc xảy ra ở nơi nhà giam, nhà tạm giữ, trại cải tạo hoặc vô tình bị chết do công an truy bắt. Lúc ấy bản trưng cầu giám định được gửi đến chính ngành công an và ngành này lại sử dụng giám định viên mình quản lý. Chắc chắn kết luận dù chính xác đến đâu cũng rất khó thuyết phục. Do đó cần thiết phải tách bạch pháp y do Bộ Y tế quản lý. Theo bà Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương: Trong xu hướng cải cách tư pháp thì không nên vì lợi ích cục bộ hay ngại khó mà không dám thay đổi. Do đó, cần đặt ra lộ trình chuyển giao từng bước lĩnh vực pháp y về sở y tế địa phương, nơi nào có đủ điều kiện thì nên làm trước. Mặt khác, theo luật sư Nguyễn Hoài Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định, thì đây là việc phối hợp, sáp nhập lực lượng GĐPY cấp tỉnh, chứ không phải để riêng cho GĐPY ngành y tế có thể "tự tung tự tác".


Theo HNMO- H

Mới nhất
x
Không nên “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO