Không thể đổ lỗi cho cái nghèo!
(Baonghean) - “Chỉ vì nghèo nên chúng con phải đi đặt trúm lươn kiếm sống qua ngày. Khi thấy người ta trộm lươn của mình, chúng con không giữ được bình tĩnh nên mới gây ra tội ác. Mong tòa giảm án để chúng con sớm được trở về làm người tốt, trả nghĩa với người đã khuất”, đứng trước vành móng ngựa, hai bị cáo khóc như đứa trẻ và nói những lời muộn màng.
Lưu Xuân Phương năm nay 28 tuổi, có một gia cảnh nghèo khó ở xóm Tây Lai, xã Phú Thành. Từ nhỏ, Phương phải lăn lộn khắp các cánh đồng của làng trên, xóm dưới để đặt trúm lươn, mò cua, bắt ếch phụ giúp gia đình. Nghỉ học, Phương tiếp tục theo nghề cũ, cứ tối đến, một mình Phương âm thầm đạp xe mang ống lươn đi khắp các cánh đồng, lạch nước của huyện Yên Thành để thả, kiếm tiền nuôi vợ, con và phụ giúp bố mẹ. Lưu Xuân An, ở cùng làng với Phương, cũng nghèo có tiếng và chuyên đi đặt trúm lươn. Cả hai là bạn bè và thân nhau như anh em. Ngày ngày, để mưu sinh, cả hai lặn lội đi đặt trúm, thả lươn, hôm nào may mắn, lươn chui vào trúm nhiều thì được dăm chục đến trăm ngàn đồng/đêm, nhiều hôm cả hai phải về không… Dù bấp bênh là vậy nhưng không có việc gì khác để làm nên cả hai vẫn âm thầm, cố gắng bám trụ nghề bắt lươn.
Ở xóm 12, xã Văn Thành, anh N.X.H (SN 1966) cũng có hoàn cảnh tương tự. Ban ngày lo việc đồng áng, ban đêm, anh dùng kích điện đi bắt cá, kích lươn trên khắp các cánh đồng lúa trong và ngoài xã. Sau mỗi trận mưa lớn, người trong làng lại thấy anh lầm lũi khắp các con mương, lạch nước để kiếm thêm con lươn, con cá để gia đình đắp đổi qua ngày. Vất vả, bươn chải là vậy nhưng thu nhập không đáng bao nhiêu khiến gia cảnh anh nghèo vẫn hoàn nghèo…
Dịp những tháng cuối năm 2012, Lưu Xuân Phương và Lưu Xuân An thấy rằng lươn không chui vào trúm của mình nhiều như trước, các trúm lươn có dấu hiệu đã bị người nào đó lấy trộm trong đêm nên sinh ra nghi ngờ. Cả hai bàn nhau phải rình bằng được xem ai đã trộm lươn để “dạy cho một bài học”. Sau nhiều lần đi bắt kẻ trộm nhưng không thành, lươn trong trúm ngày càng ít khiến cả hai vô cùng tức giận. Đêm 4/11/2012, Phương tỉnh dậy, rút một chiếc gậy tre ở bờ rào và đi xe máy đến rủ An ra đồng.
Nghe lời bạn, An cầm một ống típ sắt, 1 viên gạch rồi cả hai cùng đi ra cánh đồng chỗ đang thả lươn để theo dõi. Khi đến đoạn cánh đồng thuộc xóm 8, xã Hậu Thành, Phương và An phát hiện anh H. đang kích trên thửa ruộng mà hai người đang thả trúm. Nghi ngờ anh H. có hành vi trộm lươn của mình, Phương cất tiếng hỏi “Răng Bác lại đổ trúm của nhà cháu”. Khi anh H. chưa kịp phản ứng gì, Phương lớn tiếng tiếp “Đập chết cha hắn đi” rồi cả hai lao vào dùng gạch đánh tới tấp. Lúc này, anh H quá đau đớn, kêu lên “Tau biết tau sai rồi, bay tha cho tau đi” nhưng cả hai vẫn không chịu dừng lại… Sáng hôm sau, người dân đi làm đồng phát hiện anh H nằm chết sõng soài bên bờ ruộng, cạnh đó là chiếc kích điện với những con cá, con lươn nằm bất động, máu chảy lênh láng.
Hai bị cáo Phương và An tại phiên tòa.
Vụ án náo động cả vùng quê nghèo, chỉ vì mấy con lươn mà những người nghèo khổ đều phải mang họa, anh H bị đánh chết, Phương và An lần lượt vướng vòng lao lý. Sau khi gây án, vợ của Phương đã phải vay mượn khắp nơi để có 5 triệu đồng đến bồi thường cho gia đình anh H, người thân của An cũng chạy đôn chạy đáo được 2 triệu đồng…
Ngày 23/4/2013, vụ án giết người được đưa ra xét xử sơ thẩm, Phương bị tuyên phạt 14 năm tù, An lĩnh án 12 năm tù, đồng thời cả hai phải bồi thường cho gia đình bị hại 83 triệu đồng. Kết thúc phiên tòa, trong khi hai gia đình bị cáo làm đơn xin giảm án thì gia đình bị hại cũng có đơn kháng cáo, đề nghị tăng án. Cuối tháng 7 vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đưa vụ án ra xét xử. Những người dân nghèo từ huyện Yên Thành kéo nhau xuống Thị xã Cửa Lò để theo dõi phiên tòa, ai cũng thương cho phận nghèo của cả bị cáo lẫn bị hại.
Đứng trước vành móng ngựa, Phương và An đều thành khẩn nhận tội, khóc nức nở. “Chỉ vì quá nghèo, thu nhập gia đình đều nhìn vào mấy con lươn, khi bị người khác lấy trộm mất đã không giữ được bình tĩnh nên mới gây ra án mạng. Bị cáo đã biết lỗi, mong hội đồng xét xử giảm án để con sớm được hoàn lương trở về, tạ lỗi với người đã chết và chăm lo cho gia đình”. Dù rất cảm thông với nỗi khổ của gia đình bị cáo nhưng hội đồng xét xử nghiêm nghị cho rằng nghèo không phải là lý do để bao biện cho hành vi giết người mang tính côn đồ, máu lạnh của cả hai bị cáo. Kết thúc phiên tòa, mỗi bị cáo đều bị tăng án phạt thêm 2 năm tù.
Đông đảo người dân tham dự phiên tòa chia sẻ nỗi đau với gia đình bị hại và tiếc nuối cho hai bị cáo.
Bản án tuyên, cả hội trường xét xử như nghẹn lòng, thương xót cho nỗi đau của gia đình bị hại và có thêm bài học từ các bị cáo. Cả hai còn quá trẻ, đều là lao động chính trong nhà. Từ ngày Phương bị bắt, vợ của anh đau ốm triền miên, đứa con thơ nửa đêm giật mình ngủ dậy khóc toáng lên vì nhớ bố. Gia đình An cũng rơi vào túng quẫn không kém, những người thân trong nhà cứ lẩn tha lẩn thẩn như người mất hồn khi nghĩ đến bản án dài phía trước cùng số tiền khổng lồ phải bồi thường cho gia đình bị hại chưa biết nhìn vào đâu. Chiếc xe tù chở hai bị cáo đi khuất, những người đến dự phiên tòa ngơ ngác nhìn nhau, nhiều người thở dài ngao ngán, giá như hai thanh niên trẻ có thêm tí bình tĩnh, giá như họ có nhận thức nhiều hơn về pháp luật, giá như…
Bài, ảnh: Nguyên Khoa