Không xa đâu, Trường Sa ơi!
(Baonghean) - Khi trên nền bình minh đỏ rực hiện lên vài đốm đen lờ mờ, cảm giác trào dâng, nghèn nghẹn khi trước mắt mình là Trường Sa. Được đặt chân trên mảnh đất xa xôi, được chạm vào cột mốc chủ quyền trên Biển Đông, được gặp gỡ và chia sẻ với những chiến sĩ và người dân...
(Baonghean) - Khi trên nền bình minh đỏ rực hiện lên vài đốm đen lờ mờ, cảm giác trào dâng, nghèn nghẹn khi trước mắt mình là Trường Sa. Được đặt chân trên mảnh đất xa xôi, được chạm vào cột mốc chủ quyền trên Biển Đông, được gặp gỡ và chia sẻ với những chiến sĩ và người dân...
Hải trình đến Trường Sa
Đúng 16h00, ngày 19/4/2014, tàu nhổ neo rời Cảng Cam Ranh. Tiếng còi tàu ngân xa, tạm biệt đất liền hướng về Trường Sa. Người trên tàu, người dưới cầu cảng vẫy tay lưu luyến. Hải trình đến Trường Sa bắt đầu. Biển xanh biếc, phần đông lên boong, ánh mắt hướng về mũi tàu, nơi đó có Trường Sa. Hình như ai trên boong tàu cũng xốn xang. Cảm giác phấn chấn bắt đầu hình thành khi nghĩ về hòn đảo mình sẽ đến, mặc dù theo thông báo cần gần 40h mới đến đảo đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Vài giờ sau khi tàu xuất phát, hoàng hôn, rồi màn đêm buông xuống. Thời tiết tốt, biển lặng, tàu lầm lũi rẽ sóng trong đêm...
Ngày đầu tiên trôi qua, vẫn chưa thấy Trường Sa đâu. Qua một đêm nữa, gần 4 giờ sáng nghe xôn xao trên boong: “Sắp đến đảo Đá Lớn”. Xa xa, trên nền bình minh đỏ rực vài đốm đen lờ mờ hiện ra. Mọi người vội vàng trao nhau cái ống nhòm để quan sát. Cảm giác háo hức, hồi hộp đến lạ. Đây là Trường Sa rồi sao? Cái đốm nho nhỏ, lẻ loi, cách đất liền 37 giờ tàu chạy nằm giữa biển khơi kia là một phần của dải đất hình chữ S đó sao? Khoảng 7 giờ sáng, từ trên tàu đã nhìn thấy hòn đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa - Đảo Đá Lớn B. Hình ảnh người chiến sỹ Hải quân Việt Nam hiên ngang với 2 cờ hiệu trên 2 tay đón đoàn trên đầu cầu cảng khắc sâu vào tâm trí mọi người.
Triển lãm tư liệu, bản đồ về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam tại Trường Sa. |
Sau gần 2 ngày đêm lênh đênh trên biển, cách đảo khoảng 1 km, tàu HQ 561 thả neo để ca-nô chuyên dụng đưa từng nhóm lên đảo. Đúng 8h, ngày 21/4/2014, chúng tôi chính thức được đặt chân lên đảo Đá Lớn B. Đảo Đá Lớn A, B, C là một dải san hô nằm theo hướng Bắc - Nam, dài trên 8 hải lý, rộng hơn 1 hải lý, thuộc cụm đảo Nam Yết của quần đảo Trường Sa, ở vĩ độ 10003’ Bắc, kinh độ 113005’’ Đông, cách đảo Nam Yết khoảng 32 hải lý về phía Tây Tây Nam, cách đảo Sinh Tồn 30 hải lý về phía Tây Bắc. Đây là nhóm đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Đặt chân lên đảo, mới cảm nhận tầm quan trọng, sự thiêng liêng về chủ quyền của Tổ quốc. Đón chúng tôi từ ca-nô lên cầu cảng là cánh tay vạm vỡ của người lính Hải quân còn rất trẻ, khuôn mặt rám nắng với nụ cười ấm áp...
Đảo chìm nghe lạ với những ai chưa tới Trường Sa. Đảo chìm được hình thành từ sự phun trào của các dãy núi lửa dưới đáy biển hàng triệu năm trước. Dung nham núi lửa phun trào lên tới mặt biển bị nguội lại, tạo thành một bãi đá ngầm nằm dưới mặt biển vài mét. Cấu tạo của các bãi đá trải dài, vành đai phía ngoài cao, giữa lõm tạo thành hồ sâu. Các hồ này trở thành nơi trú ẩn tự nhiên, an toàn, thuận lợi cho các tàu bè khi gặp bão. Đảo chìm thực chất là những ngôi nhà hai đến ba tầng được xây lên trên mặt nước biển, từ nền móng là dải đá ngầm. Vật liệu xây dựng vận chuyển từ đất liền, sau đó chọn vị trí phù hợp để xây móng. Đảo chìm hình thành như vậy.
Diện tích đảo chìm đều hạn chế, thường chỉ vài trăm mét vuông. Trên đó, các chiến sỹ Hải quân Việt Nam bám trụ, bao quát toàn bộ dải đá ngầm dài hàng chục hải lý. Hiện nay, pin mặt trời, điện gió, máy phát điện được trang bị phục vụ điện chiếu sáng, sinh hoạt. Một số đảo chìm có cột hải đăng bên cạnh giúp các tàu cá của Việt Nam tìm đường, tránh bão...
Những người con quả cảm
Những đảo chúng tôi được đến cây cối xanh tươi và nhìn từ xa đều rất đẹp, hình dáng như một bông hoa lớn trên biển cả bao la. Các công trình xây dựng đều vững chắc, kiên cố. Hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời được xây dựng đáp ứng đủ nhu cầu của quân, dân trên đảo. Một số đảo đã có nhà văn hóa, trường học, bưu điện. Nhiều ngôi chùa trên đảo nổi cũng nâng cấp, dựng mới, khang trang. Tại đảo Sinh Tồn, một hệ thống âu tàu đang được xây dựng. Hệ thống âu tàu này sẽ hỗ trợ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tránh bão, cung cấp các dịch vụ đánh bắt, khai thác, y tế, nuôi trồng thủy, hải sản trên biển.
Gần 10 ngày di chuyển từ tàu lớn qua các ca-nô nhỏ đến đảo chìm, đảo nổi và nhà giàn DK1- thuộc thềm lục địa phía Nam, chúng tôi mới hiểu được phần nào cuộc sống của người dân, các chiến sỹ đang sống và làm việc ở đây. Vào mùa khô, nước dự trữ trên đảo chìm phải tiết kiệm từng giọt. Dưới cái nắng gay gắt xấp xỉ 38-40 độ C ở đảo, lúc khó khăn nhất, mỗi ngày mỗi người trên đảo chìm chỉ được có 3 lít nước ngọt. Thế nên, có đến đây chúng tôi thực sự ngạc nhiên và khâm phục khi thấy cải xanh, rau muống, mồng tơi, ớt, mơ lông, húng... mơn mởn. Tìm hiểu mới biết, trồng rau trên đảo chìm cũng là một kỳ công. Đất, phân vi sinh, giống được mang từ đất liền. Rau trồng vào từng chậu to, nhỏ bằng vật liệu composit, hay các vật dụng như can nhựa, thùng sắt... Nắng và gió biển thổi đằng trước thì bê chậu ra phía sau, gió thổi bên phải thì chuyển qua trái, chỗ nào có thể che kín được thì dùng các vật liệu che lại. Ở đảo chìm, nhà giàn DK1, khi rửa mặt buổi sáng, nước còn đọng trên khăn mặt được vắt kiệt để tưới rau. Ở Trường Sa, chỉ có đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây là có nước giếng ngọt dùng cho sinh hoạt, các đảo còn lại đều phải dùng nước mưa và nước ngọt đưa từ đất liền ra trữ qua các bể chứa.
Đảo Sơn Ca, xã đảo Sinh Tồn... là những đảo nổi. Nhìn từ xa, đảo đẹp như bức tranh thủy mạc. Đảo Sinh Tồn có hình dáng thay đổi theo mùa, phụ thuộc theo chiều gió, chế độ thủy triều và bán nhật triều không đều. Dải cát phía đuôi đảo cứ năm thì chạy lệch về hướng Nam, năm lại chạy lệch về hướng Bắc. Cây trên đảo Sinh Tồn chủ yếu là cây phong ba, bão táp, bàng vuông. Xã đảo có trường học, nhà văn hóa, bưu điện... Chúng tôi thật sự xúc động khi đứng trước ngôi chùa cổ kính với bia đá ghi công 64 anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, tại xã đảo Sinh Tồn - những người lính kiên cường nơi đầu sóng, ngọn gió bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam cho Trường Sa tươi đẹp như hôm nay.
Sừng sững giữa biển khơi là các nhà giàn DK1 của Việt Nam. Với những chiếc chân cắm sâu vào lòng biển, các nhà giàn DK1 hiên ngang giữa đất trời. Các nhà giàn chốt giữ trên bãi san hô ngầm ở thềm lục địa phía Nam, khu đặc quyền kinh tế, thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Đây là “cột mốc sống”, tạo thành phên giậu, khẳng định chủ quyền đất nước trên biển Đông. Các cụm dịch vụ - kinh tế - khoa học kỹ thuật này cũng được gọi là "những ngôi làng trên biển", "khách sạn giữa biển Đông" hay “mắt thần trên biển”. Được xây trên nền san hô, đất bùn yếu với độ sâu hàng chục mét, những nhà giàn DK1 là công trình phi thường trên biển do Việt Nam thiết kế và xây dựng.
Nhà giàn mới hiện nay hiện đại, an toàn. Từ mặt biển lên sân thượng cao 24 mét và chân chôn sâu 24 mét, có thể chịu được những độ sóng cao 12 mét khi bão lớn. Ngày 10/6/1989, nhà giàn đầu tiên mang tên Phúc Tần trụ giữa Biển Đông đánh dấu “cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển”. Tiếp sau đó, nhiều nhà giàn DK1 được xây dựng và nâng cấp. Đây là nhà giàn thế hệ thứ ba, có kết cấu vững chắc, liên hoàn với diện tích khoảng 250m2. Các nhà giàn mới đều lắp hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời, điện gió. Mùa mưa bão thiếu ánh mặt trời, sương mù, các chiến sỹ vẫn có điện dùng để chiếu sáng, nấu cơm, chạy tủ lạnh, xem ti vi.
Đảo Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, kế đến là đảo Song Tử Tây. Trên đảo có trạm khí tượng thủy văn, có giếng nước ngọt, có cầu cảng và đặc biệt có một đường băng cho máy bay hoạt động. Cuộc sống tinh thần trên các đảo có hạn chế hơn đất liền, thành phố nhưng các đơn vị đều có tủ sách, báo, điện thoại và có thể đọc báo qua mạng.
Trong chuyến công tác lần này, một cuộc triển lãm “Bản đồ và tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa những bằng chứng lịch sử” được khai mạc tại mốc chủ quyền đảo Trường Sa Lớn. Người dân, khách thăm quan, các chiến sỹ trên đảo đều xúc động khi tận mắt nhìn thấy những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của chính mảnh đất mình đang sống. Đây là bộ tư liệu, bằng chứng lịch sử về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Để có được những hình ảnh thanh bình, đầy sức sống trên các hòn đảo chúng tôi đi qua, thuộc quần đảo Trường Sa, ấn tượng nhất đối với chúng tôi là gương mặt những người lính. Họ đến từ mọi miền Tổ quốc, xa gia đình, người thân, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn so với đất liền. Tất cả các chiến sỹ ở đây mặc dù còn rất trẻ, nhưng họ đều có chung mục đích, khát vọng là góp một phần sức trẻ của mình và họ sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Thực tế họ đã làm như vậy.
Khúc tưởng niệm
Đảo đá ngầm Gạc Ma là một rặng san hô, nằm cách đảo đá Cô Lin hơn 3 km về phía Đông Nam và đánh dấu điểm cuối ở phía Tây Nam của cụm đảo và bãi đá ngầm Sinh Tồn. Đặc điểm của Gạc Ma là rạn đá màu nâu và được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Nơi đây chỉ có vài hòn đá nổi lên trên mặt biển, còn phần lớn là chìm dưới nước. Vùng biển này cách đây 26 năm, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Lòng biển thì sâu, rộng, sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi nên... đến nay hình hài các chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc vẫn đang phải nằm lại nơi biển sâu lạnh lẽo. Sự ra đi thanh thản của các anh để lại nỗi đau, nỗi nhớ khuôn nguôi của gia đình, đồng bào, đồng chí với bao niềm hy vọng hư vô trên khóe mắt của những người mẹ, người cha, người vợ và hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hằng ngày đợi trông, mong các anh về trở về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ, hy vọng ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm...
Chúng tôi đã có mặt trên vùng biển đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa. Một lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trên Biển Đông để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc được tổ chức trang trọng, xúc động trên tàu. Những nhành cúc tươi, nhỏ, màu vàng được bảo quản cẩn thận từ đất liền, mang theo tàu được thả xuống biển xanh như một lời hứa với các anh: “ Các thế hệ sau này sẽ xứng đáng với các anh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc...”.
Trường Sa ơi, không xa
Với tôi, mười ngày của hành trình giữa bao la biển trời đất nước trong chuyến thăm Trường Sa lần này thấy và học được nhiều điều. Trường Sa - Hoàng Sa giờ đây không đơn giản là một vài chấm đen trên bản đồ Việt Nam mà có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh, quốc phòng, nguồn lực kinh tế to lớn của đất nước. Trường Sa - Hoàng Sa giờ đây là những khuôn mặt, những kỷ niệm của từng người con Việt Nam yêu nước từ ngàn xưa khai phá, xây dựng và gìn giữ. Nơi đó luôn có những người Việt đã kiên cường nơi đầu sóng, ngọn gió bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Bởi thế, trong tâm tưởng của mỗi chúng tôi, Trường Sa - Hoàng Sa đang ở rất gần.
Bài, ảnh: Phan Nguyên Hào
(Sở TT&TT Nghệ An)