“Khúc hát dòng sông” - bức chân dung về thân mẫu Bác Hồ

16/05/2013 20:37

(Baonghean.vn) - Sau gần 3 năm thai nghén, tiểu thuyết “Khúc hát dòng sông” của nhà văn Nguyễn Thế Quang đã ra mắt bạn đọc. Tiểu thuyết là một bức chân dung sinh động và đầy chân thực về bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ… Mới đây, tác giả đã có buổi nói chuyện với bạn đọc Thành phố Vinh tại thư viện tỉnh Nghệ An. Đây là hoạt động có ý nghĩa trong tuần lễ đọc sách và hướng đến kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có khá đông những người yêu sách và quan tâm đến cuốn sách đã có mặt tại buổi nói chuyện này. Là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, lấy hình tượng bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ làm nhân vật chính, tác giả Nguyễn Thế Quang đã gặp không ít những trở ngại trong quá trình thể hiện. Người đầu tiên lo lắng cho ông khi thấy ông chọn đề tài này đó là hai nhà văn lão luyện Hồng Nhu và Đặng Khắc Phê, họ nói: Quang ơi, viết tiểu thuyết về một nhân vật như Hoàng Thị Loan là rất khó, vì liên quan đến cụ Hồ, bạn không thể phóng trí tưởng tượng đi xa, không thể hư cấu tùy thích...



Bìa cuốn sách Khúc hát dòng sông

Vượt lên những khó khăn ban đầu đó, bỏ qua những lo ngại, gần 2 năm liền nhà văn Nguyễn Thế Quang bền bỉ đi tìm tài liệu và từng ngày, từng ngày một hoàn thiện “đứa con tinh thần” thứ hai của mình. Trong quãng thời gian ấy, đã có những lúc ông mệt mỏi, vắt kiệt sức cho từng trang viết và đã có những lúc ông đổ bệnh. Thế nhưng, sau bao cố gắng, tác phẩm cũng đã hoàn thành trong sự háo hức của rất nhiều bạn đọc. Lý do chọn đề tài này, ông chia sẻ với bạn đọc: Tôi sinh trưởng trong một gia đình Nho học, từ nhỏ đã được rèn dạy về đạo Hiếu. Lớn lên tôi được nghe, được gặp nhiều người Mẹ đáng kính. Cũng từ công việc dạy học, tiếp xúc với rất nhiều phụ huynh, trực tiếp sống với hàng nghìn học sinh tôi càng thấm thía: dạy con người, giáo dục con nên người là điều khó nhất, cần nhất, trước hết và trên hết. Mà muốn làm được điều đó trước hết là ở những người mẹ. Và tôi tìm thấy, một người Mẹ như thế trong chân dung bà Hoàng Thị Loan.....

Tiểu thuyết “Khúc hát dòng sông” gồm 4 phần: “Quê nhà”, “Đường vô xứ Huế”, “Giữa chốn kinh thành”; “Vĩ thanh” tái hiện lại quãng đời ngắn ngủi của bà Hoàng Thị Loan kể từ khi còn ở Làng Sen (Nam Đàn), khi bà gồng gánh đưa con theo chồng vào Huế đến khi bà qua đời. Quãng thời gian đó, không dài, chỉ 6 năm nhưng đã đủ để khắc họa chân dung một người Mẹ, một người vợ hết mình vì chồng con, có trách nhiệm với dòng tộc, làng xã.

Tác giả Nguyễn Thế Quang nói thêm: Thời ấy, hoàn cảnh ấy, đất nước chiến tranh loạn lạc như thế mà dám gồng gánh vào Huế nuôi chồng, nuôi con, mấy ai làm được. Nhân cách con người chủ yếu hình thành từ tuổi ấu thơ, cả quãng thời gian ấy do cụ Phó bảng Sắc miệt mài học và thi nên Nguyễn Sinh Cung luôn ở bên mẹ. “Đức hiền tại mẫu”, bà đã có ảnh hưởng quyết định nên nhân cách Nguyễn Sinh Cung để sau nay phát triển nên nhân cách cao đẹp của Nguyễn Tất Thành rồi Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh.

Bà Hoàng Thị Loan, trước hết bà là người Mẹ lớn – rất lớn trong ý chí, trong việc nuôi, dạy con cái: “chị cử Loan lắng nghe lòng bao lo lắng. Làm Mẹ, đẻ con ra phải lo làm nuôi con đã đành, nhưng dạy con nên người là điều hệ trọng hơn hết. Không lo dạy con, không biết dạy con, để con hư hỏng, đau lòng mình, nhục gia tộc mà làm hại cả làng xã”. (trích chương 10, phần III). Hình ảnh đó, như đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương viết trong lời đề tựa còn là “hình ảnh mẹ ta, bà ta, làm ta nghĩ đến bao người mẹ khác...”.



Tác giả Nguyễn Thế Quang tại cuộc nói chuyện về tác phẩm “Khúc hát dòng sông” với độc giả Thành phố Vinh



Đông đảo bạn đọc đến với buổi nói chuyện

Nói về nhà văn Nguyễn Thế Quang, tại buổi nói chuyện, nhà thơ Mai Hồng Niên gọi ông là “nhà văn trẻ” bởi phải đợi đến tuổi về hưu, phải sau hơn 40 năm cầm phấn ông mới cầm bút để viết tác phẩm văn học đầu tiên của cuộc đời mình. Thế nhưng, cũng như tiểu thuyết “Khúc hát dòng sông”, cuốn tiểu thuyết đầu tiên ông viết về đại thi hào văn học Nguyễn Du cũng nhận được nhiều ý kiến của các nhà phê bình văn học, tác phẩm cũng đã được trao giải A, giải thưởng Hồ Xuân Hương. Nhiều người bất ngờ, bởi họ không tin rằng, một thầy giáo dạy văn, một người hầu như không viết lách nhiều như ông lại có thể viết được hàng trăm trang sách tiểu thuyết lịch sử dày dặn như thế.

Hai tiểu thuyết, xuất bản liên tục chỉ trong vòng 3 năm đã cho thấy một sức lao động bền bỉ, cần mẫn của tác giả. Còn đối với thế hệ học trò của ông ở trường Huỳnh Thúc Kháng, đọc “Nguyễn Du”, đọc “Khúc hát dòng sông”, họ như thấy được một hình ảnh khác về người thầy của mình, một ông đồ Nghệ vừa khắc khổ, vừa tỉ mẩn nhưng cũng chan chứa tình người và đau đáu với lịch sử, với những biến động của đất nước. Không dừng lại ở đó, nhà văn Nguyễn Thế Quang đang ấp ủ cuốn tiểu thuyết thứ 3, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều bất ngờ cho bạn đọc, đó là tiểu thuyết “Thông reo Ngàn Hống” viết về nhà thơ tài hoa Nguyễn Công Trứ…

Điều đặc biệt ý nghĩa là nhân dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, tác phẩm " Khúc hát dòng sông" vinh dự được nhận giải A Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm viết về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của tỉnh Nghệ An và đạt giải 3 toàn quốc cũng về chủ đề này.

Ở cái tuổi ngoài thất thập, làm được điều như ông, quả là hiếm.


Bài, ảnh: Song Hoàng

“Khúc hát dòng sông” - bức chân dung về thân mẫu Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO