Khúc tráng ca về Thành cổ Quảng Trị 1972

21/04/2012 08:22

(Baonghean) - Bộ phim “Mùi cỏ cháy”, kịch bản Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Hữu Mười - đạt giải thưởng Bông Sen Bạc (không có giải Vàng) thể loại phim truyện điện ảnh ở LHP Việt Nam lần thứ 17 tổ chức cuối năm 2011. Tại lễ trao giải Cánh diều Vàng năm 2012, phim đoạt luôn 3 giải xuất sắc cho kịch bản, quay phim và phim hay nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Phim mở ra câu chuyện về 4 chàng trai Hà Nội: Hoàng, Thành, Thăng, Long đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, theo lệnh tổng động viên như hàng ngàn bạn bè trang lứa, họ lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị.

Không khô cứng, bộ phim mở đầu thật dung dị, lôi cuốn với những chi tiết miêu tả chân thực về cuộc sống người chiến sỹ. Cao trào của phim là trường đoạn tái hiện sự ác liệt trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, gây được xúc cảm mạnh cho người xem. Hình ảnh mô tả sự ác liệt: Bom nổ liên tục, những đoàn quân cứ lần lượt vượt sông Thạch Hãn, quân số 107 sang đến bờ còn 49 người. Chiến sỹ vượt sông bên xác đồng đội hy sinh trôi theo dòng nước. Ngôi mộ Long vừa được đồng đội đắp đã bị bom hất tung, xác anh cũng không còn nguyên vẹn. Người chỉ huy vừa giao nhiệm vụ cho chiến sỹ bước ra khỏi lán trại đã bị bom ném tan xác… khiến khán giả lặng đi trước một sự thật trong cuộc chiến...

Không chỉ bi tráng, phim “Mùi cỏ cháy” còn có chất thơ. Nhiều hình ảnh ẩn dụ như máu chảy trên tượng cô gái khi Thành, Thăng, Long hy sinh. Đồng đội chôn theo Long tấm riđô anh mang đi từ nhà, chiếc khăn trắng kẹp chiếc cặp ba lá của cô thôn nữ - người anh yêu. Trước khi vượt sông Thạch Hãn, các chiến sỹ bảo nhau thả những chú dế bắt được “để lại may ra chúng mới sống”... Vào vai thể hiện các nhân vật Hoàng, Thành, Thăng, Long trong phim là các diễn viên trẻ Tô Tuấn Dũng, Thanh Sơn, Lê Văn Thơm, Đặng Tùng còn chưa được khán giả quen mặt, biết tên.

Bối cảnh phim được quay chủ yếu ở Làng văn hóa du lịch dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội) và Thành cổ Quảng Trị. Những cảnh làng quê xưa, giếng nước, đường đất Thành cổ được chọn lựa kỹ. Thành công của phim còn có thể kể đến những cảnh quay đặc tả cuộc chiến khốc liệt của nhà quay phim, NSUT Phạm Thanh Hà. Anh cho biết: “Để dựng lại cảnh chiến trận, đoàn làm phim phải chuẩn bị mất 4 tháng. Kinh phí ít, phim không sử dụng nhiều kỹ xảo, mà thay vào đó là những hình nộm và tranh vẽ nhưng vẫn đạt hiệu quả tốt!”.

Có thể xem “Mùi cỏ cháy” là khúc tráng ca tại mặt trận Thành cổ Quảng Trị. Khán giả hôm nay, có cả thế hệ đã kinh qua cuộc chiến, không ít người đã khóc, bởi phim làm sống lại “thời hoa đỏ”, gieo vào tâm khảm khán giả sự háo hức muốn chiêm nghiệm lại những thời khắc đã qua, những câu chuyện của 40 năm về trước, để làm điểm tựa cho cuộc sống hôm nay!


Lê Lân

Mới nhất
x
Khúc tráng ca về Thành cổ Quảng Trị 1972
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO