Khủng hoảng di cư tại Đông Nam Á: Trách nhiệm không của riêng ai
Myanmar phủ nhận nước này là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng di cư tại Đông Nam Á và cảnh báo không tham gia hội nghị do Thái Lan tổ chức.
Cuộc khủng hoảng di cư tại khu vực Đông Nam Á, với hàng nghìn người được cho là đang mắc kẹt ngoài biển đang có nguy cơ tồi tệ hơn, khi các nước bị ảnh hưởng đang tranh cãi về trách nhiệm gánh vác cuộc khủng hoảng này. Myanmar ngày 16/5 phủ nhận nước này là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng di cư tại Đông Nam Á và cảnh báo khả năng không tham dự hội nghị thượng đỉnh do Thái Lan tổ chức vào ngày 29/5 tới.
Người di cư Rohingya bơi ra để nhận đồ ăn cứu trợ trực thăng quân đội Thái Lan thả xuống biển Andaman hôm 14/5. Ảnh: AFP |
Những năm gần đây, hàng nghìn người di cư, chủ yếu là cộng đồng người Rohingya thiểu số ở Myanmar và từ Bangladesh đã tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn, trong đó Malaysia và Indonesia là những điểm đến và Thái Lan là điểm trung chuyển đầu tiên của các đường dây buôn người trong khu vực.
Một số nước lên tiếng cho rằng, chính phủ Myanmar không đưa ra biện pháp hiệu quả giúp ngăn chặn cộng đồng người thiểu số di cư mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, Giám đốc Văn phòng Tổng thống Myanmar Zaw Htay cho biết, Myanmar không bỏ qua vấn đề của những người di cư. Lãnh đạo Myanmar sẽ cân nhắc liệu có tham dự hội nghị thượng đỉnh do Thái Lan tổ chức, dựa trên những vấn đề được thảo luận.
Myanmar sẽ không chấp nhận những cáo buộc của một số nước rằng Myanmar là nguồn gốc của vấn đề. Myanmar chưa nhận được lời mới chính thức từ Thái Lan. Chính phủ Myanmar sẽ không tham dự cuộc họp nếu từ “Rohingya” được đề cập trong lời mời, ông Zaw Htay nhấn mạnh. Ông cũng cáo buộc chính phủ các nước đang cố gắng đổ lỗi cho Myanmar để hướng sự quan tâm của dư luận ra khỏi vấn đề buôn lậu người .
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan Ocha cho biết sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao ngày 29/5 tới với sự tham dự của 15 nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng di cư này. Thái Lan cũng mời Mỹ, Australia, Liên Hợp Quốc và Tổ chức Di trú quốc tế tham dự hội nghị. Theo ông Prayuth, hội nghị nhằm thảo luận những “nguyên nhân chính” cũng như các hoạt động di cư trái phép ở Ấn Độ Dương.
Đề cập khả năng Myanmar không tham dự hội nghị thượng đỉnh, ông Prayuth cho biết, các quốc gia có quyền bình đẳng. Thái Lan không thể buộc Myanmar tham dự hội nghị và mục tiêu của Thái Lan đó là hi vọng mang lại hòa bình cho khu vực.
Ông cũng kêu gọi các nước liên quan tăng cường hợp tác thay vì tiếp tục cáo buộc lẫn nhau: “Chúng ta cần đẩy nhanh sự phối hợp giữa các nước liên quan để giải quyết vấn đề buôn lậu người theo luật. Thái Lan và các nước liên quan cần phải giúp nhau đối phó với vấn đề này. Nếu chúng ta tiếp tục cáo buộc lẫn nhau là nguyên nhân gây ra vấn đề sẽ không mang lại bất cứ lợi ích gì”.
Liên Hợp Quốc ngày 16/5 tiếp tục kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực trước hết hãy cứu những người di cư rồi sau đó mới tính đến các giải pháp dài hạn. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, Tổ chức Di trú quốc tế và chính phủ Indonesia đang thu thập nguyện vọng của những người di cư để giúp họ tìm ra giải pháp.
Jeffrey Savage quan chức của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết: “Hầu hết những người di cư từ Bangladesh cho biết họ muốn về nhà ngay lập tức. Vì vậy chính phủ, Tổ chức Di trú quốc tế và Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đang hợp tác để tạo điều kiện cho họ trở về Bangladesh nếu họ muốn. Còn nếu họ không muốn trở về chúng tôi sẽ đăng kí xin tị nạn. Tuy nhiên một trong những khó khăn hiện nay đó là việc tìm ra giải pháp hiệu quả nhất cho những người di cư Rohingya”.
Mỹ ngày 16/5 cũng hoan nghênh việc chính phủ một số nước tiếp nhận người di cư cũng như ủng hộ kế hoạch tổ chức hội nghị khu vực để bàn về vấn đề này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đại diện của Mỹ trong khu vực đang phối hợp với các cơ quan Liên hiệp quốc và chính phủ các nước để thảo luận biện pháp giúp đỡ những người di cư./.
Theo Vov.vn